Với những giải pháp mới đây về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, theo ông, khả năng giải ngân vốn nguồn vốn này trong năm 2017 sẽ ra sao?
Vốn đầu tư công năm 2016 giải ngân (tính đến ngày 31/1/2017) chỉ đạt 89,8% kế hoạch (304.219,4 tỷ đồng), thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân năm 2015 là 92,8% kế hoạch. Còn trong 7 tháng vừa qua, theo số liệu của Bộ Tài chính, chi đầu tư phát triển (chủ yếu là chi đầu từ xây dựng cơ bản) mới đạt 33,4% dự toán năm.
PGS - TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội |
Trong các phiên họp thường kỳ Chính phủ mấy tháng gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, nên tình hình giải ngân vốn đầu tư công bắt đầu đã có chuyển biến tích cực. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tháng 7 đã gấp khoảng 1,8 lần so với tháng 6. Với Nghị quyết 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công vừa được ban hành, hy vọng năm nay sẽ hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.
Thực tế việc giải ngân vốn đầu tư công khó đạt mục tiêu 100% kế hoạch. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân rất nhiều, nhưng quan trọng nhất là phân bổ vốn chậm. Cụ thể, đến trung tuần tháng 2/2017, vẫn còn 13/45 bộ, cơ quan trung ương và 7/63 địa phương chưa triển khai phân bổ vốn đầu tư đến từng dự án.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm vì bất cứ lý do gì thì cũng đều dẫn đến tình trạng những tháng đầu năm các dự án, công trình phải làm cầm chừng hoặc phải đi vay để làm, sau đó phải “vắt chân lên cổ” vào những tháng cuối năm để hoàn thành tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công.
Nhưng Luật Đầu tư công, Nghị quyết 26/2016/QH14 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13 đã quy định rất rõ nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công…
Các văn bản hiện hành chỉ quy định, đối với nguồn vốn trong nước, bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; thu hồi các khoản ứng trước; bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức PPP; bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020.
Sau khi bố trí đủ vốn theo thứ tự ưu tiên nêu trên, trường hợp còn vốn sẽ xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới thực sự cấp bách. Đối với nguồn vốn nước ngoài, bố trí đủ kế hoạch vốn cho các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân theo các hiệp định vay vốn đã ký kết.
Nói chung, ngoài bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước thì chỉ bố trí vốn cho những dự án cần thiết, cấp bách, phát huy hiệu quả. Nhưng thế nào là cần thiết, thế nào là cấp bách, thế nào là phát huy hiệu quả thì không có định lượng, tiêu chí rõ ràng nên mất rất nhiều thời gian cân nhắc, đánh giá đã ảnh hưởng tới khoảng thời gian thực hiện công tác phân bổ vốn.
Tiêu chí cụ thể trong ưu tiên phân bổ vốn sẽ sớm được ban hành, nhưng trước mắt, với các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt, nếu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch, thì ông có tin tốc đột tăng trưởng GDP sẽ đạt mục tiêu?
Nếu giải ngân đạt kế hoạch (357.150 tỷ đồng, chưa bao gồm hơn 12.0000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ từ năm 2016 chuyển sang) kéo theo tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 300.000 tỷ đồng và GDP sẽ tăng thêm khoảng 100.000 tỷ đồng, góp phần đáng kể để trong thực hiện mục tiêu tăng GDP 6,7%.
Hiện rất nhiều người có tâm lý sợ tăng đầu tư công vì trần nợ công đã sát ngưỡng. Nợ công trước đây tăng nhanh là do đầu tư vào hàng loạt dự án không hiệu quả, chỉ tính riêng 12 dự án “tai tiếng” (Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Gang thép Thái Nguyên mở rộng; Bột giấy Phương Nam, Xơ sợi Đình Vũ...) đã đầu tư 63.000 tỷ đồng nên sự e ngại cũng có lý do.
Tuy nhiên, theo tôi, vẫn phải tiếp tục tăng đầu tư công, vì không đầu tư thì chắc chắn không có tăng trưởng. Tất nhiên, phải tránh đầu tư dàn trải, đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm và phải quản lý được vốn đầu tư công để tránh thất thoát, lãng phí thì vừa tăng được đầu tư công nhưng vẫn giữ được mức trần nợ công (65% GDP).