Việc sản xuất gạch không nung thay thế dần gạch đất nung nhằm giảm mức phát thải khí nhà kính hàng năm bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch, giúp tăng sử dụng phế thải công nghiệp, có thể tiết kiệm khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp hàng năm, là phù hợp chiến lược của Quỹ Môi trường toàn cầu về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển của Việt Nam về an ninh năng lượng và an ninh lương thực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính và phù hợp với Chiến lược bảo vệ môi trường Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030.
Hành lang pháp lý
Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 567 ngày 28/4/2010 phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Chương trình hướng tới mục tiêu phát triển vật liệu xây không nung thay thế dần gạch đất nung đạt tỷ lệ 25% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020… Nhằm tăng cường nguồn lực hơn nữa cho Chương trình phát triển vật liệu xây không nung, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1686 ngày 19/9/2014 phê duyệt dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam”, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tài trợ, từ nguồn vốn của Quỹ môi trường toàn cầu và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện cùng Bộ Xây dựng đồng thực hiện.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trần Việt Thanh: Trong quá trình thực hiện, đến nay chương trình vật liệu xây không nung đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhưng để thực hiện thành công các mục tiêu bền vững của Chương trình, Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ các rào cản về chính sách, thể chế, kiến thức và nhận thức, mở rộng thị trường, công nghệ sản xuất và cơ chế tài chính.
Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” thực hiện 4 hợp phần về hoàn thiện và thực thi chính sách, nâng cao năng lực kỹ thuật cho các đối tác liên quan, tăng cường các nguồn tài chính cho đầu tư ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung tiến tiến, trình diễn và nhân rộng công nghệ sản xuất và sử dụng gạch không nung đã góp phần xóa bỏ một số rào cản về cơ chế, chính sách. Để thị phần sản xuất gạch không nung tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra tới 40% vào năm 2020, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, nguồn lực và sự quyết tâm vào cuộc của nhiều bộ, ngành, các tỉnh/thành phố, các tổ chức tư vấn kỹ thuật và tài chính.
Trong quá trình thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam”, Bộ Xây dựng đã khảo sát, điều tra và đánh giá các cơ chế, chính sách về phát triển gạch không nung do Trung ương và địa phương ban hành và thực thi ở các tỉnh/thành phố đến hết năm 2015. Trên cơ sở đó đã dự thảo bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển gạch không nung trong thời gian tới. Điển hình, Bộ Xây dựng đã sửa đổi đổi Nghị định 124 về Quản lý vật liệu xây dung, được Chính phủ ban hành mới Nghị định số 24a ngày 22/4/2016 về Quản lý vật liệu xây dựng.
Cùng với hệ thống chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và các chương trình phát triển vật liệu xây không nung, hành lang pháp lý để thúc đẩy sản xuất gạch không nung thay thế dần gạch đất nung đã tương đối hoàn thiện. Do đó, các đơn vị chức năng cùng với các địa phương cần quản lý, quảng bá rộng rãi kết quả đạt được về công nghệ sản xuất và sử dụng gạch không nung và thiết bị sản xuất gạch không nung, do công ty trong nước chế tạo để góp phần thực hiện thành công Chương trình phát triển vật liệu xây không nung của Chính phủ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Khuyến khích nhân rộng
Tại hội thảo “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Xây dựng, Thành phố Hải Phòng tổ chức, nhằm thúc đẩy phát triển vật liệu xây không nung thay thế dần gạch đất nung, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho rằng: Để đạt mục tiêu Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tăng thị phần lên 40% đến năm 2020, cần đầu tư mới khoảng 200-250 dây chuyền thiết bị gạch không nung (công suất trung bình 20-25 triệu viên/năm). Hiện các nhà chế tạo thiết bị gạch không nung trong nước đang chiếm một thị phần nhỏ trong việc cung cấp thiết bị gạch không nung, nên cần chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nhà chế tạo trong nước vươn lên sản xuất nhiều thiết bị tiên tiến và hiện đại phục vụ sản xuất gạch không nung.
Là một trong những đơn vị “mạnh” được lựa chọn thực hiện dự án trình diễn công nghệ sản xuất gạch không nung, trong đó có dự án trình diễn sản xuất gạch bê tông bằng công nghệ rung ép, ông Trần Duy Cảnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cơ khí và vật liệu xây dựng Thanh Phúc cho biết: Được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Dự án trình diễn công nghệ sản xuất gạch bê tông bằng dây chuyền thiết bị do Công ty Thanh Phúc Hải Phòng chế tạo, được thực hiện thành công với trình độ công nghệ cao, tự động hóa hoàn toàn, có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, hiệu quả năng lượng và môi trường cao.
Theo đó, cứ sản xuất 55 triệu viên gạch quy tiêu chuẩn/năm thì hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính 13.000 tấn CO2/năm, tiết kiệm năng lượng 2.883TOE/năm (tấn dầu quy đổi/năm) so với công nghệ sản xuất gạch đất nung bằng lò tuy-nen. Với những ưu điểm vượt trội của công nghệ, giảm mức phát thải khí nhà kính, phù hợp chiến lược về biến đổi khí hậu và vệ môi trường, hy vọng dự án trình diễn này sẽ được nhân rộng và sản xuất khắp cả nước. Hiện Công ty đã chế tạo và cung cấp được hàng trăm dây chuyền thiết bị sản xuất gạch không nung với nhiều mẫu mã đa dạng, công nghệ ngày càng tiên tiến, tự động hóa cao cho khách hàng trong nước và quốc tế.
Hưởng ứng chính sách phát triển gạch không nung của Chính phủ và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, theo ông Lê Hải Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Thượng Long tại xã Cao Xá, huyện Lâm Thao (Phú Thọ): Công ty đi đầu trong việc mua dây chuyền sản xuất gạch không nung và cung cấp gạch không nung cho tỉnh Phú Thọ và khu vực Tây Bắc, việc sử dụng công nghệ sản xuất gạch không nung trong nước đã giúp giảm một nửa số lượng công nhân vận hành so với việc sử dụng dây chuyền Trung Quốc. Gạch không nung có khả năng chống thấm, cách nhiệt, cách âm tốt, giá thành sản phẩm và chi phí vận chuyển tốt hơn. Do đó, chắc chắn gạch không nung sẽ thay thế vật liệu nung và phát triển nhanh và rộng khắp các tỉnh, thành phố và có thể vươn ra nhiều nước trên thế giới.
Theo Ban quản lý dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam”, việc sản xuất gạch không nung đã được nhiều tỉnh, thành phố chú ý phát triển và đưa vào sản xuất và nhân rộng như: Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nội, Ninh Bình...