Ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines |
1.
Những tác động tiêu cực của đại dịch đến ngành hàng không không còn là chủ đề mới, song cũng chưa đủ cũ để người ta có thể thôi bàn luận. Nó được ví như những cơn gió mạnh thổi theo phương ngang, có thể xô chiếc máy bay lệch hướng, thậm chí có thể chệch khỏi đường băng.
Ngày 25/1/2022, Vietravel Airlines kỷ niệm một năm khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên. Nhưng thực tế trong hơn 365 ngày qua, hãng hàng không lữ hành đầu tiên tại Việt Nam chỉ khai thác được một tháng trọn vẹn (tháng 4/2020).
“Tổn thất lớn nhất nào đã xảy ra với Vietravel Airlines trong năm 2021?” được ông Vũ Đức Biên chọn là câu hỏi mà ông tâm đắc nhất trong danh mục câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư.
Trong nhiều thứ có thể kể ra, “cơ trưởng” Vietravel Airlines không chọn việc phải ngủ đông hay chỉ số tài chính lao dốc…, mà nhắc tới sự bất định đến từ mọi dự báo không còn sát thực tế trong thời kỳ hỗn loạn. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc hoạch định chiến lược phát triển trung và dài hạn cho ngành hàng không, đặc biệt với hãng non trẻ đang xây dựng nền nóng như Vietravel Airlines.
“Một lần nữa, chúng tôi phải cấu trúc lại nền móng, định hình lại chiến lược. Đã và sẽ mất rất nhiều công sức, nhưng không còn cách nào khác, bởi nếu không chịu thay đổi, chắn chắn không thể tiếp tục theo đuổi hoài bão phát triển hãng hàng không phục vụ ngành du lịch lữ hành Việt Nam”, Tổng giám đốc Vietravel Airlines chia sẻ tại văn phòng làm việc, nơi có thể phóng tầm mắt quan sát những chiếc máy bay đang ngược gió cất cánh.
Ngày 18/2/2018, Vietravel thành lập tổ xây dựng đề án thành lập hãng hàng không, trong đó ông Biên là một thành viên chủ lực. Hơn 1.000 ngày sau đó, ngày 29/10/2020, Vietravel được cấp giấy phép vận chuyển hàng không. Đến ngày 24/12/2020, Vietravel Airlines nhận chứng chỉ khai thác máy bay - AOC (Aircraft Operator Certificate), sẵn sàng cất cánh.
Ông Biên nhớ như in những dấu mốc quan trọng với Vietravel Airlines. Đây chính là giai đoạn mà ông gọi là “start-up hãng hàng không trong mùa dịch”, khi mọi hoạt động tuyển dụng bổ sung nhân sự, đào tạo, xây dựng hệ thống… đều được thực hiện trong lúc dịch bệnh bùng phát mạnh ở Việt Nam nói chung và một số tỉnh, thành phố trọng điểm nói riêng.
Sự hỗn loạn từ đại dịch khiến mọi thông lệ đều trở thành lỗi thời. Thậm chí, các công việc đặc thù, cần tiếp xúc trực tiếp đều đã được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Vietravel Airlines đã phải thuê một nhóm kỹ thuật viên chuyên trách sang nước ngoài để kiểm tra máy bay, soi động cơ… và livestream cho đội ngũ tại Việt Nam. Và nếu Vietravel Airlines không chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, thì chiếc máy bay đầu tiên của Hãng không thể về đến Việt Nam vào rạng sáng 5/12/2020.
“Chúng tôi may mắn là, nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, nên máy bay có thể cất cánh từ Shannon (Ireland) trước thời điểm quốc gia này áp dụng lệnh giới nghiêm lên mức độ cao nhất”, ông Biên chia sẻ về sự kiện đặc biệt.
2.
Vị lãnh đạo Vietravel Airlines không thể quên hai thời điểm thử thách nhất đã trải qua. Đó là ngày 3/4/2020, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 457/2020/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam. Thời điểm đó, cả nước đang áp dụng biện pháp giãn cách toàn xã hội (từ ngày 1/4 đến 22/4) để phòng chống dịch bệnh.
Dấu mốc thứ hai là ngày 25/4/2021, khi Ban lãnh đạo Công ty được báo cáo rằng, hệ số ghế trên mỗi chuyến bay lên đến 80%. Ngay lập tức, một chai vang được khui ra để chia vui con số đáng mừng này. Nhưng chỉ 2 hôm sau, dịch bệnh bùng phát ở Bắc Giang và từ đó đến ngày 10/6, các đường bay của Hãng được duy trì trong trạng thái vắng khách đến “èo uột”.
Hãng hàng không lữ hành đầu tiên của Việt Nam đã phải “ngủ đông” hơn nửa năm, trước khi trở lại bầu trời vào ngày 19/12/2021. Hơn 180 ngày ấy trở thành giai đoạn khựng lại về mọi thứ, đặc biệt về tâm tư người lao động trong một hãng hàng không non trẻ còn đang mày mò kết nối những mảnh ghép với nhau.
Khoảng 300 nhân viên, 85% phi công là người nước ngoài đều được ông Biên gọi là các chiến binh. Họ đều có trong mình trái tim nóng bỏng, khao khát bước lên máy bay với hoài bão cống hiến tại một môi trường làm việc hoàn toàn mới từ một hãng hàng không “đang khởi nghiệp”. Nhưng sự giá lạnh nghiệt ngã của đại dịch ập đến. Thu nhập của những tiếp viên trẻ tuổi hay những nhân viên gạo cội ở Vietravel Airlines, cả các phi công người Việt cũng như ngoại quốc, đều bị ảnh hưởng.
Một số nhân viên phải làm thêm nhiều nghề để trang trải cuộc sống. Đó là hình ảnh rất đau xót với những người lãnh đạo doanh nghiệp. Đã có những chiến binh rời con tàu Vietravel Airlines, song theo lời ông Biên, họ đều tự hào khi không phải ai cũng có cơ hội tham gia quá trình khởi nghiệp của một hãng hàng không.
“Trở lại bầu trời từ ngày 19/12 như lần thứ hai chúng tôi kéo lại gáo nước từng được kéo lên đến thành giếng thì rơi xuống. Thế nên, phải chuẩn bị đội ngũ rất kỹ, để trái tim nóng của anh em có thể hừng hực trở lại. Tôi rất mừng khi tất cả đều sẵn sàng”, ông Biên nói và nhớ rõ khuôn mặt háo hức của mỗi nhân viên khi trở lại làm việc trực tiếp từ ngày 1/11/2021 như thể “học sinh ở nhà lâu ngày chờ được đến trường”.
3.
Tổng giám đốc Vietravel Airlines có cách “giữ lửa” cho riêng mình và cả Công ty trong suốt giai đoạn ngủ đông vừa rồi. Một doanh nghiệp mà người đứng đầu thường xuyên vắng mặt, thì sinh khí sẽ dần nguội lạnh. Thế nên, trừ các ngày cuối tuần, hầu như ngày nào ông cũng đến Công ty làm việc. Người đứng đầu hãng hàng không có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng chọn cách mang theo nồi cơm điện, một chai nước mắm và vài quả trứng luộc cho những bữa ăn đơn giản bởi hàng quán đều đóng cửa trong lúc TP.HCM siết chặt giãn cách.
Trải qua càng nhiều điều kiện sống khó khăn, bản lĩnh mỗi người đều có thể trui rèn. Sinh ra trong một gia đình nông dân, bố mất sớm, khi còn là sinh viên năm hai Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Vũ Đức Biên thường phải tự kiếm tiền ăn học. Đứng ở một góc độ nào đó, sự thiếu thốn về vật chất có thể được xem là điều không may mắn. Nhưng ông Biên hài lòng khi những khó khăn ấy đã khiến ý chí vươn lên càng mạnh mẽ hơn.
Bản tính tự tin của vị doanh nhân này cũng được xây dựng dựa trên nền tảng trải nghiệm, nếm trải cả vị đắng từ những gian truân trên con đường sự nghiệp cùng sự may mắn trên hành trình đầu quân vào Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Hơn 20 năm làm việc tại Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO), với vị trí cuối cùng là Phó tổng giám đốc, ông Biên tự nhận mình rất may mắn khi được trao cơ hội tham gia quá trình chuyển một công ty hàng không chung sang công ty bay vận chuyển hành khách thời điểm năm 2004, trước khi Hãng hàng không SkyViet được lập trên cơ sở chuyển đổi từ VASCO vào năm 2015.
Giai đoạn ấy dạy cho ông nhiều thứ, đặc biệt là niềm tin có thể hoàn toàn chủ động xây dựng một hãng hàng không mới và điều hành trong quãng thời gian dài. Đây cũng là động lực thúc đẩy ông tham gia một công ty lữ hành lâu đời đang nung nấu mục tiêu lập hãng hàng không như Vietravel. Rất tiếc là đại dịch đã làm trì hoãn vô số kế hoạch của Vietravel cũng như Vietravel Airlines và phải thực hiện quá trình tái cấu trúc lần thứ hai (lần đầu diễn ra vào giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997).
Kỳ vọng có thể tận dụng lợi thế từ lượng khách dồi dào của Vietravel đến các điểm du lịch, theo kế hoạch trước khi “ngủ đông”, Vietravel Airlines có 3 máy bay vào năm đầu tiên được khai thác, nâng lên 8 máy bay vào năm thứ 2 và tăng lên 25-30 máy bay vào năm thứ 5. Tuy nhiên, chỉ tiêu này phải dời lại. Nếu dịch bệnh được kiểm soát ổn định hơn, Vietravel Airlines sẽ mở đường bay quốc tế với điểm đến đầu tiên là Bangkok (Thái Lan) trước khi tiến đến Đài Loan, Singapore và mở sang Hàn Quốc, Nhật Bản vào cuối năm nay.
Trong tương lai gần, ngoài việc thuê loại máy bay có tầm bay xa hơn để khai thác các chuyến đến Đông Bắc Á (khoảng tháng 7/2022), Vietravel Airlines sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phù hợp nhất cho Hãng trong tổng số khoảng 10 gương mặt, cả trong nước lẫn nước ngoài, đang đặt vấn đề hợp tác.
Ông Biên chủ động nhắc đến 2 tiêu chí lựa chọn người đồng hành của Vietravel Airlines. Đó là phải có hệ sinh thái bổ trợ và có năng lực về tài chính, kinh nghiệm. Hãng hàng không này xác định, hai phía cần thống nhất đi cùng nhau trên chặng đường dài, chứ không phải đầu tư mua cổ phần để bán thu lợi nhuận.
“Rất ít ai có thể một mình làm hãng hàng không khi đây là ngành cần rất nhiều vốn. Để thành công, cần thêm một hoặc nhiều định chế tài chính, nhà đầu tư cùng tham gia”, Tổng giám đốc Vietravel Airlines chia sẻ.
Nếu dùng một cụm từ (hoặc một câu) để miêu tả về năm 2021 và kỳ vọng cho năm 2022, với ông, đó sẽ là gì?
Ở lăng kính của mình, tôi chọn 3 chữ C cho năm 2021 vì có nhiều thách thức (Challenge) trong sự hỗn loạn (Chaos) và dịch bệnh đã mở ra nhiều sự thay đổi (Change) trong tư duy, phương thức kinh doanh. Năm 2022 sẽ là năm của cơ hội (Opportunity) cho những ai dám thay đổi (Change), nhưng phải nhanh và đúng lúc. Tôi muốn áp dụng những tư duy này vào hoạt động nội bộ vì khi chấp nhận thay đổi, cơ hội sẽ đến và thay đổi đúng lúc sẽ thành công.
Trong năm 2021, điều gì tác động đến việc ông quyết định dừng lại hay tiếp tục đi về phía trước?
Có rất nhiều yếu tố. Tôi chỉ đi làm cho công ty, nhà đầu tư. Việc tiến lên hay dừng lại phải có quyết định của một tập thể, chứ không phải cá nhân tôi. Nhưng tôi không cho phép bản thân nhảy ra khỏi con thuyền khi đang gặp bão tố.
Ông có nghĩ bản thân là người có tham vọng trong nghề nghiệp?
Có chứ. Những người có tham vọng thì mới dám dấn thân.
Có thể đưa ra định lượng như thế nào là tham vọng trong trường hợp này?
Rất khó để đưa ra định lượng, nhưng tôi nghĩ mình là người có hoài bão, có tham vọng về việc làm gì đó tạo dấu ấn không chỉ cho bản thân, mà còn với cộng đồng. Cùng lập ra và vận hành một hãng hàng không mới là cơ hội mà không nhiều người có được. Bản lĩnh, tư duy, sự tự tin và lòng tự hào sẽ được tạo ra trong hành trình đáng mơ ước này.