Trong khi đó, các nhà đầu tư đã trót rót vốn vào cổ phiếu được một thời mệnh danh là cổ phiếu “vua” thì chỉ còn trông chờ vào cổ tức, vì cổ phiếu ngân hàng hầu như không có sóng cả năm nay. Nghịch cảnh này đã và sẽ còn khiến ĐHCĐ các ngân hàng năm nay nóng lên.
Cổ tức năm 2012 của nhiều ngân hàng thấp hơn lãi suất tiết kiệm 7,5%/năm
Cổ tức giảm vì nợ xấu
Gặp khó trong kinh doanh, lợi nhuận sụt giảm đáng kể trong năm qua và dự báo còn nhiều khó khăn trong năm nay, đó là tình trạng phổ biến của nhiều ngân hàng. Vì thế, cổ tức chi trả cho cổ đông của các ngân hàng cũng sụt giảm theo và thấp hơn nhiều so với mức trần lãi suất tiết kiệm hiện là 7,5%/năm.
Tại ĐHCĐ diễn ra ngày 29/3 vừa qua, HĐQT NamABank đã trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2012, trong đó, ưu tiên cổ tức cho cổ đông nhỏ lẻ sở hữu dưới 10 tỷ đồng mệnh giá sẽ được nhận cổ tức 9%. Trong khi đó, các cổ đông lớn của NamA Bank chỉ nhận được mức cổ tức 4,47%/mệnh giá. Sở dĩ mức cổ tức chi trả cho cổ đông có sự chênh lệch và thấp hơn so với kế hoạch đặt ra trong kỳ ĐHCĐ năm trước là do kết quả lợi nhuận thu về của Ngân hàng trong năm qua không như kỳ vọng. Cụ thể, năm 2012, NamA Bank đạt gần 241,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với chỉ tiêu ban đầu 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức cổ tức trên của NamA Bank vẫn còn cao hơn so với một số nhà băng khác. Đáng chú ý là các ngân hàng quy mô nhỏ, đang trong diện tái cấu trúc thì rất khó có thể kỳ vọng lợi nhuận, cổ tức trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay. Tổng giám đốc của một ngân hàng hợp nhất cho biết, trong giai đoạn đang thực hiện đề ái tái cơ cấu, ngân hàng không thể đặt mục tiêu lợi nhuận. Do đó, cổ đông cũng cần chia sẻ để cùng ngân hàng vượt qua khó khăn, nhất là khi nợ xấu có dấu hiệu gia tăng, trích lập dự phòng tăng cao.
Trên thực tế, tỷ lệ cổ tức chi trả cổ đông chỉ ở mức vài phần trăm không phải là trường hợp cá biệt mà hiện đã khá phổ biến. Tại MeKong Bank, lợi nhuận trước thuế thu về trong năm qua chỉ đạt 147 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ hơn 3.700 tỷ đồng. Chính vì thế, tỷ lệ cổ tức ngân hàng này chi trả cho cổ đông chỉ là 2,5%. Kế hoạch xây dựng cho năm 2013 của MeKong Bank về lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 300 tỷ đồng, còn tỷ lệ cổ tức là 5,5%.
Đã sớm đưa ra dự báo tình hình kinh doanh năm qua khó khăn và khả năng đến hết năm nay, hoạt động của ngành chưa thể sáng sủa, một số nhà băng đã nhanh chóng điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận cũng như tỷ lệ cổ tức đưa ra. Song ngay cả mức lợi nhuận đã điều chỉnh, nhiều ngân hàng cũng không đạt được. Trong khi đó, nợ xấu tăng mạnh buộc nhà băng không thể chia lợi nhuận cho cổ đông mà phải dành trích lập dự phòng.
“Kế hoạch cổ tức đưa ra ban đầu là 10%. Tuy nhiên, kết thúc năm qua, lợi nhuận chỉ đạt phân nửa chỉ tiêu vì phải trích lập dự phòng cao. Do đó, mức cổ tức chỉ còn lại 5%, nhưng tôi nghĩ cổ đông sẽ hiểu và thông cảm với ngân hàng”, chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho biết.
Nhưng phải đảm bảo an toàn
Lợi nhuận thực tế giảm đương nhiên sẽ kéo theo chỉ tiêu cổ tức đi xuống. Trong khi đó, với các nhà đầu tư đã rót tiền vào cổ phiếu ngân hàng thì cổ tức gần như là kỳ vọng duy nhất. Cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh và giữ giá thấp trong vài năm qua, nhưng hiện vẫn khó thu hút được sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư. Các dự báo đưa ra về triển vọng cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa có điểm sáng. Tuy nhiên, với hoạt động ngân hàng trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn hiện nay, kỳ vọng vào một mức cổ tức để gỡ gạc phần nào cũng là điều khá xa xỉ với các cổ đông ngân hàng. Đặc biệt là trước diễn biến nợ xấu vẫn tăng và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra là phải trích lập dự phòng nay đủ trước khi chia cổ tức cho cổ đông.
Để xử lý được nợ xấu theo yêu cầu của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải trích lập dự phòng chung và dự phòng riêng đầy đủ trước khi thực hiện chi trả cổ tức. Trên thực tế, hiện nay các ngân hàng đang tích cực xử lý nợ xấu, nguồn trích lập dự phòng rủi ro gia tăng. Điều đó giải thích vì sao lợi nhuận của ngân hàng thấp. Tuy nhiên, Thống đốc NHNN cho rằng, các NHTM phải kiên quyết chấm dứt chuyện chưa trích lập mà vẫn chia lợi nhuận, không chia lợi nhuận cho cổ đông nếu chưa an toàn.
Vì thế, vẫn biết cổ tức giảm sẽ khó làm ấm lòng cổ đông, song để đảm bảo an toàn, các nhà băng chỉ còn biết chờ đợi sự chia sẻ của cổ đông sau 1 năm khó khăn. Eximbank cho biết, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đến hết năm 2012 chỉ đạt 0,34% và đến hết quý I/2013, tình hình tín dụng của ngân hàng này vẫn trong tình trạng âm. Tín dụng khó tăng khiến lợi nhuận của Eximbank bị ảnh hưởng khi con số lãi năm năm 2012 chỉ đạt 2.828 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4.600 tỷ đồng. Vì thế, tỷ lệ cổ tức năm 2012 của Eximbank sẽ sụt giảm.
Để đáp ứng yêu cầu của NHNN, trong năm qua, Eximbank chỉ mới chi trả được một phần cổ tức cho cổ đông, phần còn lại để dự phòng nợ xấu. Tuy nhiên, theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, việc giảm tỷ lệ cổ tức là điều khó tránh khỏi và hy vọng các cổ đông có sự chia sẻ với Ngân hàng trước bối cảnh kinh doanh khó khăn năm qua.
Thùy Vinh (ĐTCK)