Năm 2021 sẽ là một năm phục hồi kinh tế trên toàn thế giới và điều đó sẽ giúp tăng cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ảnh: Đức Thanh |
Khởi động “cỗ xe” tam mã
Không chỉ đạt những thành tựu ấn tượng trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đang đón nhận những tin vui trong những ngày đầu năm mới. Một trong số đó hẳn nhiên là việc có một loạt dự án hạ tầng quan trọng được khởi công xây dựng, như giai đoạn I Sân bay Long Thành, hay tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ… Dự kiến, ngày 17/1 tới đây, Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1, vốn đầu tư 1,8 tỷ USD cũng sẽ được khởi công tại Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình).
Việc nhiều dự án hạ tầng lớn được đồng loạt khởi công vào những ngày đầu năm mới như một chỉ báo cho thấy một năm suôn sẻ hơn cho kinh tế Việt Nam. Bởi đầu tư công chính là một trong những bánh xe quan trọng của “cỗ xe tam mã”, giúp kéo nền kinh tế đi lên. Đã từ rất lâu, Việt Nam mới có thể khởi công xây dựng nhiều công trình trọng điểm như vậy.
Trong khi đó, những tín hiệu đầu năm cũng tiếp tục cho thấy, Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt của các nhà đầu tư quốc tế. UBND tỉnh Nghệ An, vào ngày 6/1/2020, đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Everwin Precision Hong Kong Company Limited để thực hiện một dự án chuyên sản xuất linh kiện điện tử. Dự án có quy mô 200 triệu USD này được triển khai tại Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An và dự kiến đi vào hoạt động giai đoạn I đầu năm 2022.
- Fitch Solution nhận định
Còn Mekong Capital vừa công bố việc lập quỹ đầu tư mới quy mô 246 triệu USD, gấp đôi quỹ Mekong Enterprise Fund III trước đó. Dự kiến, quỹ này sẽ đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam và chỉ tập trung những công ty trong lĩnh vực tiêu dùng đang tăng trưởng tốt nhờ sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng Việt và việc ứng dụng các phương thức kinh doanh hiện đại. Bán lẻ, giáo dục, nhà hàng, dịch vụ tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe… sẽ là đích nhắm của quỹ đầu tư mới của Mekong Capital.
Và như Báo Đầu tư đã thông tin, nhiều khả năng sẽ có một “đại bàng” mới đầu tư một ngân khoản không nhỏ để xây dựng một nhà máy sản xuất MacBook và iPad tại Việt Nam.
Các động thái này dường như đang góp phần “khởi động” hai bánh xe còn lại của “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế và dường như rất tương đồng với một đánh giá vừa được Fitch Solution đưa ra. Theo Fitch Solution, với việc vắc-xin đang được chuẩn bị triển khai trên toàn cầu, năm 2021 sẽ là một năm phục hồi kinh tế trên toàn thế giới và điều đó sẽ giúp tăng cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Cũng theo tổ chức này, các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKVFTA và RCEP cũng sẽ giúp kéo dài đà tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Và đấy là những lý do khiến tổ chức này đã nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2021 lên 8,6%, từ mức 8,2% trong báo cáo trước đó.
Nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm
Dù những thành tựu của năm 2020 là tích cực, góp phần quan trọng đưa Việt Nam thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, với tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước, và dù những tín hiệu đầu năm là tích cực, song nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức rất lớn.
“Covid-19 vẫn là một thách thức lớn. Căng thẳng địa chính trị, thương mại trên toàn cầu, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.
Chưa kể, các thách thức còn đến từ các vấn đề nội tại của kinh tế Việt Nam, như biến đổi khí hậu, thiên tai, những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp chưa sớm được tháo gỡ… Nguy cơ tụt bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu, khi mục tiêu tăng trưởng trong năm tới vẫn chỉ là 6%. Với mức tăng trưởng đó, nền kinh tế Việt Nam mới chỉ đang trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19, chứ chưa thể nói là tăng tốc, hay bứt phá.
Đó cũng chính là lý do, khi phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Còn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định, phải nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm.
Để nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, Chính phủ đã ngay lập tức ban hành hai Nghị quyết quan trọng, là Nghị quyết 01 và 02 để làm “kim chỉ nam” cho mọi kế hoạch hành động, vừa để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Và cũng ngay lập tức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan tham mưu chiến lược tổng hợp cho Chính phủ sẽ “ra quân” để triển khai kế hoạch hành động thực hiện hai nghị quyết quan trọng này, không chỉ cho mục tiêu của năm 2021, mà còn cho cả giai đoạn 2021-2025.
Dự kiến, hôm nay (8/1), một hội nghị trực tuyến trong toàn ngành được tổ chức và ngày mai (9/1), sẽ có hai sự kiện quan trọng diễn ra: khai mạc Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo và khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Năm 2021, Chính phủ lấy phương châm hành động là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”. “Đổi mới, sáng tạo”’ cũng được coi là một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, khẳng định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nỗ lực để thúc đẩy đầu tư công, sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu, tiêu dùng nội địa sẽ được đẩy mạnh. Cải cách thể chế cũng là công tác được đặc biệt quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc đến vai trò của “thể chế, thể chế và thể chế”. Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, “cỗ xe” thể chế dù có nhiều bánh xe, nhiều khớp nối, nhưng nếu khớp nhau thì sẽ tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển.