Để đạt mục tiêu “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã xác định, theo doanh nhân - đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền, nhiệm kỳ mới đòi hỏi sự đổi mới tư duy mạnh mẽ, chấp nhận các mô hình, cách làm đột phá trong phát triển kinh tế.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền. |
Là doanh nhân và là đại biểu Quốc hội đương nhiệm, hẳn bà rất quan tâm đến mục tiêu phát triển đất nước được nêu tại Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII?
Khi nghiên cứu Dự thảo Báo cáo Chính trị để góp ý tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội (tháng 11/2020), tôi rất quan tâm đến mục tiêu, tầm nhìn, định hướng và lộ trình phát triển qua các năm 2025, 2030, 2045 để “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, được nêu tại Dự thảo.
Với việc đặt ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Văn kiện Đại hội XIII sẽ có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng đối với tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới trong chặng đường 25 năm tới.
Nhìn lại 35 năm trước, Đại hội VI mở ra chặng đường đầu tiên của công cuộc Đổi mới, được ghi trong Văn kiện là “bước quá độ nhỏ trong bước quá độ lớn”, với mục tiêu “xây dựng những tiền đề chính trị, kinh tế, xã hội cần thiết để triển khai công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trên quy mô lớn”. Đến Đại hội VII, Cương lĩnh năm 1991 tiếp tục nhấn mạnh và làm rõ hơn “Mục tiêu của chặng đường đầu là: thông qua đổi mới toàn diện, xã hội đạt tới trạng thái ổn định vững chắc, tạo thế phát triển nhanh ở chặng sau”.
Từ những tư tưởng đó, trên cơ sở nghiên cứu những phân tích, đánh giá rất cụ thể về thành tựu to lớn của đất nước sau 35 năm đổi mới, tôi cho rằng, việc hoạch định mục tiêu phát triển đất nước theo lộ trình cụ thể, với tầm nhìn đến năm 2045 càng khẳng định tầm quan trọng của Văn kiện Đại hội XIII, với ý nghĩa là định hướng chiến lược cho chặng đường đổi mới tiếp theo, mà yêu cầu trung tâm của giai đoạn này là “phát triển nhanh và bền vững”.
Khi góp ý cho Dự thảo Văn kiện tại Kỳ họp thứ 10, bà đã nhấn mạnh rằng, với bối cảnh tiềm lực của đất nước hiện nay, để phát triển đảm bảo cả yêu cầu nhanh và bền vững, thì yếu tố then chốt là phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Là doanh nhân, bà nghĩ sao về yêu cầu đổi mới sáng tạo từ chính các doanh nghiệp, góp phần vào thực hiện yêu cầu phát triển nhanh và bền vững?
Trước hết, ở bình diện chung của đất nước, theo tôi, cần phải coi đổi mới sáng tạo như là đặc trưng của giai đoạn tới, đòi hỏi sự đổi mới tư duy mạnh mẽ, chấp nhận những mô hình, cách làm đột phá, thậm chí dị biệt, nhưng mang lại hiệu quả hơn. Đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để thực hiện các chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học - công nghệ...
Tôi cho rằng, đổi mới sáng tạo rất cần được nêu thành một yêu cầu ngay trong đột phá thứ nhất về hoàn thiện thể chế, vì đổi mới sáng tạo là yêu cầu bao trùm lên mọi lĩnh vực, mà trước hết là đổi mới sáng tạo năng lực quản trị quốc gia bằng thể chế, bằng hệ thống pháp luật cởi mở, là “bà đỡ”, là “bệ phóng” cho các ý tưởng sản xuất, kinh doanh có tính vượt trước.
Trên nền tảng thể chế như vậy, đương nhiên, doanh nghiệp, doanh nhân cũng phải làm cho mình lớn lên, thì mới có thể được hưởng thành quả của đổi mới sáng tạo. Lớn ở đây được hiểu theo nghĩa dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi bằng chính thực lực của mình, chứ không phải lớn dựa vào quan hệ, chụp giật, ăn xổi.
Tất nhiên, đổi mới sáng tạo ở khu vực doanh nghiệp có tính đặc thù, đồng thời có cả những khó khăn, bởi luật thường có độ trễ, các loại hình kinh doanh mới chứa hàm lượng sáng tạo cao thường có những khó khăn ban đầu về hành lang pháp lý. “Cuộc chiến” giữa Grab và taxi truyền thống là một minh chứng.
Tuy nhiên, với hơn 10 lần cụm từ đổi mới sáng tạo xuất hiện trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, với định hướng đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ... được nhấn mạnh tại Dự thảo Văn kiện, tôi tin rằng, môi trường cho đổi mới sáng tạo sẽ rộng mở hơn trong thời gian tới.
Bà có nhắc đến yêu cầu đổi mới sáng tạo ở ngay đột phá thứ nhất về hoàn thiện thể chế trong 3 đột phá chiến lược tại Dự thảo Văn kiện. Là đại biểu Quốc hội trong cả 2 khóa XIII và XIV, trực tiếp bấm nút thông qua nhiều đạo luật về kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế, theo bà, đâu là vấn đề cần ưu tiên trong nhiệm kỳ mới để có thể làm “bà đỡ” cho đổi mới sáng tạo?
Theo tôi, cần quan tâm đến những quy định đối với một số lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, bảo hộ quyền sỡ hữu trí tuệ trên nền tảng kỹ thuật số... trong các luật về kinh tế, về môi trường đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, rất cần sớm sửa Luật Đất đai 2013 để tháo gỡ những vướng mắc rất lớn mà những doanh nhân như chúng tôi va chạm hàng ngày, như giá đất, cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng, cũng như những xung đột với một số luật khác...
Là doanh nhân, nhưng cũng là đại diện cho cử tri ở cơ quan quyền lực nhà nước, tôi đã, đang và sẽ quan tâm đến đột phá chiến lược về thể chế. Ý kiến đóng góp Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của tôi cũng đề nghị nhiệm kỳ tới tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; tạo lập khung khổ pháp lý thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Nhiều doanh nhân tâm sự rằng, thành công của doanh nghiệp cũng chính là sự phồn vinh của đất nước. Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII cũng xác định rõ hơn khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Là một doanh nhân thành đạt, bà nghĩ thế nào về vai trò của giới doanh nhân trong khát vọng chung này?
Năm 2020, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng Hà Nam (bà Hiền hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty - PV) cũng không phải ngoại lệ. Nhưng chúng tôi vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Trước khi là đại biểu Quốc hội, tôi đã là doanh nhân. Điều hành doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp cho ngân sách và tạo việc làm cho người lao động là việc tôi đã làm tốt. Khi tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội, tôi từng nghĩ, khi tham gia xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, sẽ có lúc đứng trước lựa chọn lợi ích cho giới doanh nhân hay lợi ích của đất nước và tôi luôn tâm niệm “Tổ quốc trên hết”.
Ở Quốc hội, tôi là ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội; ở địa phương, tôi làm Phó chủ tịch Hội Bảo trợ khuyết tật và trẻ em mồ côi, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam, Phó chủ tịch thường trực Hội Nữ doanh nhân tỉnh, thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, nên có dịp đi nhiều và tham gia nhiều hoạt động xã hội. Từ đó, tôi càng hiểu sâu sắc hơn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hàng năm, Công ty đều dành hàng tỷ đồng để tham gia công tác an sinh xã hội.
Tôi hiểu rằng, con đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, song với vai trò “kép” doanh nhân - đại biểu Quốc hội, tôi luôn mong muốn đóng góp được nhiều hơn cho sự phồn vinh của đất nước và tin tưởng Đại hội XIII sẽ mở ra con đường thênh thang hơn cho khát vọng cống hiến của doanh nhân Việt.