Thời sự
Coi quyền sử dụng đất là tài sản của dân
Mạnh Bôn - 19/06/2013 13:04
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, ông Đinh Xuân Thảo cho biết, chưa thực sự yên tâm nếu Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được thông qua ngay tại kỳ họp này, vì còn quá nhiều vấn đề chưa được làm rõ.
TIN LIÊN QUAN

Thảo luận tại Hội trường vào đầu tuần, nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi theo đúng chương trình làm việc (ngày 21/6/2013). Quan điểm của ông thế nào?

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Luật Đất đai năm 2003 bộc lộ quá nhiều hạn chế. Điều này được thể hiện rất rõ qua số vụ khiếu nại, khiếu kiện, thậm chí khiếu nại, khiếu kiện đông người, vượt cấp ngày càng tăng, nên nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn thông qua Luật Đất đai sửa đổi vào cuối kỳ họp này để giải quyết những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, có không ít đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự thảo chưa giải quyết được hết những vấn đề đặt ra, nên cần phải tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung.

Tôi cho rằng, còn nhiều nội dung rất quan trọng trong quản lý đất đai, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến giá đất, thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng… chưa được xử lý triệt để, thì chưa nên thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trong kỳ họp này.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có tới 3 điều quy định về đất đai. Vì thế, ông có nghĩ rằng, cần phải đợi đến khi thông qua Hiến pháp, mới thông qua Luật Đất đai sửa đổi?

Không có bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào được trái với Hiến pháp. Khi thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi nhận thấy, có rất nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến đất đai, đặc biệt là việc thu hồi đất. Vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng, khi chưa thông qua bản Hiến pháp mới, thì nên tạm dừng việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi lại, bởi nếu thông qua, mà sau này Hiến pháp quy định khác, thì lại phải sửa.

Có người nói, lĩnh vực đất đai đang rất nóng, rất phức tạp, nên không quá cầu toàn, không nên quá cứng nhắc. Nhưng theo quan điểm của tôi, không phải chỉ có Luật Đất đai, mà bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào cũng vậy, đã không ban hành, sửa đổi thì thôi, đã ban hành, sửa đổi, thì phải đi vào cuộc sống.

Khi cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi trước đây, tôi và nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng kiến nghị cần phải nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, nhưng cuối cùng, Dự thảo vẫn được thông qua theo đúng lịch trình. Kết quả là, Luật Khoáng sản sửa đổi không đi vào cuộc sống, tài nguyên vẫn bị sử dụng lãng phí, khai thác bừa bãi.

Ông nói rằng, một trong những nội dung quan trọng nhất là thu hồi đất, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng chưa phản ánh đúng thực tiễn?

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Điều này không cần phải bàn cãi. Nhưng đất đai được Nhà nước giao, cho thuê hoặc tổ chức, cá nhân thuê lại, mua lại, thì quyền sử dụng đất (QSDĐ) là tài sản của tổ chức, cá nhân và được pháp luật bảo hộ.

Nhà nước thu hồi QSDĐ của người dân nhằm phục vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia hay phát triển kinh tế - xã hội, thì phải đối xử với QSDĐ của người dân như đối xử với tài sản của người dân, tức là phải trưng mua theo giá thị trường, chứ không thể thu hồi đất theo giá áp đặt. Nếu Nhà nước vẫn thu hồi QSDĐ của người dân theo giá áp đặt, thì tình trạng khiếu nại, khiếu kiện chưa thể giảm. Khi thảo luận Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, QSDĐ có phải là tài sản của tổ chức, cá nhân hay không, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Nếu mọi dự án đều phải trưng mua QSDĐ, sẽ dẫn tới tình trạng chỉ cần 1 - 2 hộ gia đình, cá nhân không đồng ý, thì cả dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phải “trùm mền”?

Theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, người có tài sản trưng mua (ở đây là QSDĐ) được thanh toán tiền và được bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp. Người có tài sản trưng mua phải chấp hành quyết định trưng mua của người có thẩm quyền. Theo đó, trong một diện tích đất nào đó thuộc diện phải thu hồi, nếu chỉ còn 20 - 30% số người sử dụng đất không đồng ý với giá trưng mua, thì Nhà nước có quyền sử dụng mệnh lệnh hành chính bắt buộc phải thực hiện.

Ở đây, tôi cũng xin lưu ý rằng, khi thu hồi đất bằng biện pháp trưng mua, Nhà nước phải mua theo sát giá đất giao dịch trên thị trường trong điều kiện bình thường và chỉ thực hiện trưng mua đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và dự án phát triển kinh tế - xã hội mà thôi.

Thưa ông, quan điểm Nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội không nhận được sự đồng tình của rất nhiều người dân?

Tôi nhấn mạnh rằng, Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất dưới hình thức trưng mua để lấy quỹ đất phục vụ dự án phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định đầu tư.

Còn tất cả các dự án phát triển kinh tế - xã hội, dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh khác muốn sử dụng đất của tổ chức, cá nhân phải theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm lợi ích hợp pháp của người có QSDĐ theo đúng nghĩa QSDĐ là tài sản của tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ.

Tin liên quan
Tin khác