Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục "đọc tên" các đơn vị chậm cổ phần hóa. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Trao đổi cụ thể hơn với báo chí chiều 9/10, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ tài chính khẳng định, cơ chế chính sách cho quá trình cổ phần hóa đã tháo gỡ nhưng vẫn còn sự e ngại từ phía nhà đầu tư.
"Nhà đầu tư nước ngoài có vào nhưng đặt bút mua thì chưa nhiều vì còn e ngại với sự công khai, minh bạch thông tin," ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp chỉ đạo công khai khi xác định giá trị doanh nghiệp nhưng quan trọng hơn nữa là minh bạch. Sự minh bạch ở đây được, ông Tiến nhấn mạnh, là sự khẳng định số liệu đã công khai có chính xác và tin cậy được hay không.
Nguyên nhân khác được lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp chỉ ra là khó khăn về con người, mà cụ thể ở đây, là lãnh đạo các doanh nghiệp. Một vấn đề khiến nhiều lãnh đạo dè chừng là mất vị trí và đặc biệt là có thể "lộ" ra những tồn tại gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình cổ phần hóa.
Chính nguyên nhân trên theo ông khiến việc tổ chức, thực hiện cổ phần hóa vẫn còn sự "du di," không quyết liệt.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tiến, việc hoàn thành kế hoạch không quan trọng bằng chất lượng cổ phần hóa. Mục tiêu đặt ra trước đó, theo ông là để các bộ, ngành quyết tâm phấn đấu.
"Cốt lõi là thay đổi tư duy lãnh đạo sau cổ phần hóa, có thể phải thay đổi nhân sự, chấp nhận nguyên tắc thị trường, phải đăng ký trên thị trường chứng khoán để thị trường 'soi'," ông Đặng Quyết Tiến nói.
Theo ông, cơ quan chức năng sẽ tham mưu để đưa chế tài xử lý với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện quyết toán. Việc chậm trễ trên, theo ông xuất phát vì vẫn còn “vấn đề” tồn tại và rất khó để xử lý những vấn đề sau cổ phần hóa như vậy.
Ông Tiến cũng cho biết, sắp tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục "đọc tên" các đơn vị chậm cổ phần hóa. Điều này theo ông để các đơn vị thấy vướng ở đâu phải báo cáo lên các bộ hoặc lên Thủ tướng Chính phủ nếu cần.