Thời sự
Cơn chấn động Brexit có thể lan sang thị trường ngoại hối
Thùy Liên - 27/06/2016 08:14
Cuối tuần qua, thị trường tài chính toàn cầu rơi vào hoảng loạn khi người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (Brexit). Trong nước, thị trường chứng khoán, vàng và ngoại tệ cũng biến động theo. Đã có những dự báo cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ phải điều chỉnh tỷ giá.
TIN LIÊN QUAN

Lo vàng, tỷ giá vọt tăng, chứng khoán giảm

Ngay sau khi sự kiện Brexit diễn ra, thị trường trong nước đã có phản ứng tương tự khi chứng khoán rực đỏ - có lúc giảm tới 5,4% , vàng điên loạn - tăng tới 2 triệu đồng/lượng, tỷ giá biến động không ngừng. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những biến động này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, diễn biến này có cả yếu tố tâm lý lẫn nguyên nhân khách quan.

Cụ thể, Brexit kéo theo bất ổn tài chính, khiến nhà đầu tư thế giới có tâm lý trú ẩn vào vàng, làm cho giá vàng thế giới tăng mạnh, còn thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh, dẫn đến thị trường vàng và chứng khoán trong nước phản ứng theo. Đối với chứng khoán trong nước, việc lao dốc mạnh ngoài tác động của thị trường thế giới thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là yếu tố tâm lý.

Brexit có thể tạo ra những biến động đáng kể về tỷ giá. Ảnh: Đức Thanh

Riêng với tỷ giá, trong ngày đầu tiên Brexit, tỷ giá đã tăng vọt buổi sáng, do yếu tố tâm lý, nhưng sau đó đã nhanh chóng hạ nhiệt vào đầu giờ chiều.

“Tuy tác động của Brexit với Việt Nam không quá lớn, song NHNN phải theo dõi chặt chẽ thị trường trong vài tuần tới, bởi vì bảng Anh và euro vẫn đang trong xu thế mất giá, còn yên Nhật, USD sẽ lên giá”, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo.

Lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán nhận định, thời gian tới, do ảnh hưởng của Brexit, vàng có thể tiếp tục đi lên, dĩ nhiên, mức độ tăng không còn “điên loạn” như cuối tuần qua. Ngược lại, chứng khoán sẽ tiếp tục giảm điểm.

Các chuyên gia nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, Brexit sẽ biến thị trường chứng khoán thành tâm điểm của các phản ứng tiêu cực. Bên cạnh đó, Brexit cũng khiến bảng Anh và euro mất giá, USD lên giá. Điều này sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu bằng USD vào thị trường EU đắt đỏ hơn, gây áp lực cho các nhà xuất khẩu lớn, trong đó có Trung Quốc. Hệ quả là, Trung Quốc có thể phá giá thêm đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Đây là yếu tố đáng lo nhất với Việt Nam.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Nếu Trung Quốc phá giá mạnh nhân dân tệ, thì Việt Nam cũng phải phá giá theo. Thực tế, tiền đồng vẫn đang chịu nhiều áp lực và nếu áp lực từ châu Âu, từ Trung Quốc… tiếp tục gia tăng, cộng với nhu cầu ngoại tệ tăng 6 tháng cuối năm, áp lực lạm phát và lãi suất sẽ khiến Việt Nam có thể phải phá giá tiền đồng”.

Cũng theo chuyên gia này, giá vàng sẽ tiếp diễn xu hướng tăng trong vòng ít nhất 3 tháng tới trong khi thị trường chứng khoán sẽ vẫn khó khăn.

Khó xảy ra cơn sốc về tỷ giá

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư cuối tuần qua về áp lực đối với tỷ giá và hành động của NHNN trước sự kiện Brexit, đại diện NHNN cho hay, NHNN đang theo dõi sát tình hình để có phương án xử lý kịp thời. Tương tự, với câu hỏi Brexit tác động thế nào đến thị trường xuất khẩu, lãnh đạo Bộ Công thương cũng hết sức dè dặt cho hay, còn quá sớm để đưa ra câu trả lời, hiện Bộ Công thương yêu cầu các cục, vụ liên quan bám sát tình hình.

Hiện giới chuyên gia nhận định rất khác nhau về diễn biến tỷ gia thời gian tới cũng như tác động của Brexit. Có những ý kiến cho rằng, tỷ giá sẽ sớm phải điều chỉnh. Cụ thể, nhóm nghiên cứu VCBS nhận định: “Sau khi được giữ ổn định trong 6 tháng đầu năm, sự kiện Brexit có thể tạo ra những biến động đáng kể về tỷ giá”.

Ở khía cạnh ngược lại, đa số chuyên gia cho rằng, phản ứng của thị trường Việt Nam trong ngày đầu tiên diễn ra Brexit mang nặng yếu tố tâm lý, đặc biệt là với vàng và tỷ giá. Hiện nay, dự trữ ngoại hối đang ở mức khá, cán cân thương mại đang thặng dư, chính sách điều hành tỷ giá mới và quan điểm ổn định tỷ giá của NHNN, nỗ lực thu hút vốn FDI, cách cách môi trường kinh doanh… sẽ khiến tỷ giá khó có sự tăng sốc.

“Với Việt Nam, tác động của Brexit chỉ tương đối, chứ không phải là quá lớn. Về tỷ giá, tôi cho rằng tỷ giá vẫn sẽ ổn định thời gian tới, do cung - cầu vẫn được đảm bảo, những biến động gần đây chủ yếu do yếu tố tâm lý. Điều đáng mừng là, NHNN đang điều hành tỷ giá theo rổ tiền tệ, chứ không chỉ neo theo USD. Khi điều hành theo rổ tiền tệ, có đồng tiền tăng giá, có đồng tiền xuống giá, nên tính tổng thể sẽ không thay đổi nhiều”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Một yếu tố hỗ nữa hỗ trợ tỷ giá ổn định, theo TS. Cấn Văn Lực, là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất, ít nhất là trong quý III/2016. Thực tế, ngay sau khi Brexit diễn ra, nhiều nhà phân tích sừng sỏ nhận định, Fed thậm chí còn giảm lãi suất.

Cụ thể, Chủ tịch Quỹ Warburg Asset Management và nhà kinh tế học Carsten Klude nhận định, Brexit đã làm đảo lộn con đường lãi suất của Fed. Nếu thị trường tiếp tục biến động do ảnh hưởng của Brexit, thì khả năng Fed sẽ hạ lãi suất từ tháng 7 tới cho đến tận cuối năm.

Rõ ràng, tình hình thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp nếu các nước nối gót Anh để rời EU và Trung Quốc phá giá nhân dân tệ. Tuy nhiên, trong rất nhiều sự kiện tài chính lớn của thế giới, ngoài những tác động tâm lý ban đầu, thị trường tài chính Việt Nam dường như vẫn đứng ngoài cuộc, không bị ảnh hưởng nhiều. Các chuyên gia dự báo, tuần này, các tác động của Brexit tới vàng, tỷ giá và chứng khoán sẽ dịu dần.

Đối với doanh nghiệp, trước mắt, những doanh nghiệp vay bằng USD và yên Nhật sẽ gặp bất lợi với Brexit, doanh nghiệp vay bằng bảng Anh và euro được lợi hơn.

Với xuất khẩu, xuất khẩu của Việt Nam sang EU hiện chiếm gần 15%, nhưng sang Anh chỉ 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy, ảnh hưởng của Brexit với thương mại là không lớn và không trực tiếp.

Tin liên quan
Tin khác