Cồn Đen bây giờ như một tấm thảm được dệt nên bởi nhiều cây xanh. Dọc theo cồn cát là dải thông xanh, thảm thực vật còn nguyên sơ, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển độc đáo. Đây cũng là nơi trú ngụ của 500 loài động vật thủy sinh, 200 loài chim, trong đó có khoảng 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước, có nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách Đỏ như: cò thìa, mòng bể, rẽ mỏ thìa, cà trắng bắc… tạo nên một vùng sinh thái hấp dẫn.
Sau khi được UNESCO công nhận, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Quy hoạch chung và đưa vào khai thác Khu du lịch sinh thái Cồn Đen với diện tích 1.150 ha, gồm toàn bộ khu vực Cồn Đen và một phần diện tích thuộc xã Thái Đô. Theo quy hoạch tổng thể Cồn Đen có bãi tắm biển, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, khu du lịch văn hóa tổng hợp, trung tâm mua sắm, hệ thống cây xanh...
Cồn Đen có bãi tắm biển, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, khu du lịch văn hóa tổng hợp, trung tâm mua sắm, hệ thống cây xanh, đáp ứng tốt nhất nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. |
Khu du lịch sinh thái Cồn Đen còn kết nối với các tour, tuyến du lịch rừng ngập mặn gần 4.000 ha ở xã Thụy Trường, Khu du lịch Đồng Châu, Cồn Vành (Tiền Hải), các điểm du lịch dọc theo sông Trà Lý về TP. Thái Bình, các điểm di tích lịch sử văn hóa, đền, chùa, du lịch đồng quê và các vùng nuôi trồng thủy sản...
Đến Cồn Đen, du khách vừa thỏa sức tìm hiểu thế giới thiên nhiên ven biển kỳ thú, tắm biển, chơi trò chơi dân gian đi cà kheo trên cát, chơi bóng đá, bóng chuyền bãi biển, cắm trại dưới rừng thông xanh, bơi thuyền trong bát ngát rừng bần, rừng đước, được cào ngao, câu cá và thưởng thức món đặc sản biển như nộm sứa, gỏi nhệch, gỏi móng tay, cua luộc, tôm chao, nước mắm Diêm Điền, Minh Phú…
Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Phú cho biết: “Đầu năm 2006, Công ty đã được UBND tỉnh Thái Bình giao 70 ha trong tổng số 1.150 ha Khu du lịch sinh thái Cồn Đen. Cũng năm đó, Dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái Cồn Đen được quy hoạch. 10 năm qua, Minh Phú đã làm hồi sinh một vùng Cồn Đen mà trước đó chỉ là cồn cát hoang sơ. Minh Phú đã đầu tư xây dựng 2 km đê kè chắn sóng, làm hàng chục km đường bộ, nâng cấp mặt bằng cồn lên cao tới 2,5 m so với mặt nước biển, trồng gần 50 ha rừng phi lao phòng hộ phủ xanh mát mặt cồn”.
Ngoài ra, Công ty Minh Phú đã xây dựng trụ sở, hệ thống nhà hàng, khu nhà nghỉ, khu giải trí karaoke, massage, bể bơi, công viên, khu rừng cắm trại, dịch vụ tham quan tìm hiểu, du lịch khám phá sinh thái biển và nghỉ qua đêm tại rừng ngập mặn, bước đầu đi vào hoạt động, thu hút đông đảo khách tham quan, nghỉ dưỡng. Minh Phú đang tiếp tục đầu tư xây dựng khách sạn 3 sao, hội trường, nhà ăn lớn, kè đê chắn sóng… Đặc biệt, huyện Thái Thụy và tỉnh Thái Bình đã đầu tư con đường bê tông vượt biển dài 8 km nối đất liền với Cồn Đen thơ mộng, giúp du khách dễ dàng tiếp cận nơi đây.
Được biết, diện tích chưa khai thác của Cồn Đen còn nhiều, đây là một địa chỉ hấp dẫn đang chờ các nhà đầu tư trong và ngoài nước tới phát triển du lịch. Giám đốc Vũ Trung Kiên cũng mong rằng các cơ quan ban ngành của tỉnh cần sớm hoàn thiện hồ sơ pháp lý và các thủ tục cần thiết cho chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Cồn Đen, để các nhà đầu tư yên tâm xây dựng, phát triển chiến lược lâu dài, góp phần xã hội hóa công cuộc xây dựng quê hương, đồng thời tiếp tục có những cơ chế khuyến khích đầu tư... đưa Cồn Đen trở thành hòn ngọc xanh long lanh trên bản đồ du lịch Việt Nam.