Thời sự
Con đường thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Australia
Andrew Goledzinowski - 06/02/2023 14:55
Các rào cản khiến đầu tư Australia tại Việt Nam không phát triển nhanh như kỳ vọng đều đang trong quá trình được khắc phục thông qua các hoạt động của Chính phủ hoặc quá trình hòa nhập tự nhiên về kinh tế và xã hội giữa hai nước.
Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam

Khoảng thời gian tuyệt vời với quan hệ giữa hai nước

Tôi đến Việt Nam vào một thời điểm may mắn. Những điều tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 đã qua đi và Việt Nam, cũng như Australia, đã vượt qua giai đoạn khó khăn này với hình ảnh đất nước và nền kinh tế toàn vẹn. Đây cũng là một khoảng thời gian tuyệt vời đối với quan hệ giữa hai nước. Quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Australia chưa bao giờ khăng khít như hôm nay.

Chuyến thăm chính thức đến Australia gần đây của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã khẳng định tính tự nhiên của quan hệ đối tác giữa hai nước. Thành tựu quan trọng nhất là tuyên bố chung giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Anthony Albanese về ý định nâng tầm quan hệ song phương lên mức cao nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu ngoại giao, tôi cho rằng, khía cạnh quan trọng nhất của chuyến thăm là sự tiếp đón nồng hậu mà tôi đã được chứng kiến - đặc biệt là trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới một số trường đại học tại Melbourne, trong đó có Đại học Swinburne nơi ngài từng theo học.

Mặc dù quan hệ Việt Nam - Australia đang rất tốt đẹp, nhưng vẫn còn nhiều điểm có thể cải thiện. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra rằng, thương mại song phương đang phát triển vượt bậc (tăng hơn 30% trong năm vừa qua), song đầu tư giữa hai nước vẫn chưa đạt được mục tiêu.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh chóng với kỳ vọng tăng trưởng hơn 8% trong năm nay. Australia là một nền kinh tế lớn trong cùng khu vực (chúng tôi khởi đầu năm 2022 với vị trí nền kinh tế lớn thứ 14 trên thế giới và đạt vị trí thứ 12 vào cuối năm). Tuy vậy, tổng đầu tư giữa hai nước vẫn dưới 3 tỷ đô-la Úc.

Đây là một con số khiêm tốn, đặc biệt khi Australia từng là nhà đầu tư dẫn đầu tại Việt Nam: ngân hàng quốc tế đầu tiên (ANZ); công ty luật nước ngoài đầu tiên (Philips Fox, hiện đã trở thành Allens); nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đầu tiên (Telecom Australia, hiện đã trở thành Telstra); đại học nước ngoài đầu tiên (RMIT).

Sinh viên ngành logistics thực tập tại cảng Cát Lái (TP.HCM)

Các rào cản đều đang trong quá trình được khắc phục

Tôi nhận thấy, có 7 nguyên nhân lý giải tại sao đầu tư Australia không phát triển nhanh như kỳ vọng và thật may mắn khi 7 rào cản này đều đang trong quá trình được khắc phục - thông qua các hoạt động của Chính phủ hoặc thông qua quá trình hòa nhập tự nhiên về kinh tế và xã hội giữa hai nước.

Thứ nhất, nguyên nhân đầu tiên lý giải việc vốn đầu tư của Australia tại Việt Nam chưa được như kỳ vọng liên quan đến các động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam trước đây. Cho tới gần đây, thành tựu kinh tế nổi bật của Việt Nam vẫn nằm trong ngành sản xuất, thâm dụng lao động và ở quy mô lớn. Đây không phải là lĩnh vực mà Australia có lợi thế.

Với tư cách một Đại sứ mới bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam, tôi rất bận rộn giao lưu với mọi người, nghiên cứu nhiều vấn đề và cố gắng hiểu đất nước sâu sắc và thú vị này.

Tuy nhiên, với việc nền kinh tế Việt Nam đang hiện đại hóa và số hóa, Việt Nam sẽ cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị. Đây chính là giao điểm giữa trình độ chuyên môn cao của Australia và tham vọng của Việt Nam. Các công ty Australia sẽ dần trở thành những đối tác được Việt Nam lựa chọn trên mọi lĩnh vực, từ công nghệ nông nghiệp tới công nghệ thông tin, các dịch vụ tài chính cao cấp và nhiều lĩnh vực khác. Một số công ty tuy nhỏ, nhưng rất tiên tiến.

Thứ hai, cả hai quốc gia đều đã cam kết sẽ đạt được mục tiêu mức phát thải bằng không. Australia đang chuyển mình từ nhà cung cấp các nguồn năng lượng hóa thạch trở thành nhà xuất khẩu các nguồn năng lượng tái tạọ, như hydrogen xanh. Hai Thủ tướng đã hứa hẹn, hai nước sẽ trở thành “siêu cường về năng lượng xanh”. Đồng thời, chúng tôi cũng đang đầu tư vào các cánh đồng điện gió tại Việt Nam, thông qua chương trình hợp tác với VinFast và Ngân hàng Thế giới (WB), nhằm triển khai các trạm sạc cho xe điện và xe buýt điện.

Thứ ba, các công ty công và các nhà đầu tư tổ chức của Australia thường rất cảnh giác về việc tham gia các thị trường được coi là nhiều rủi ro. Việt Nam đang tìm cách thay đổi những quan điểm này, bao gồm việc tìm ra giải pháp tinh giản, đẩy nhanh tốc độ và minh bạch thủ tục hành chính. Ngoài ra, chiến dịch chống tham nhũng của Nhà nước cũng được triển khai mạnh mẽ. Đây là những điểm đã nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Thủ tướng Việt Nam chủ trì vào tháng 12/2022 mà Đại sứ quán Australia có đóng góp hỗ trợ.

Thứ tư, việc Việt Nam thiếu vắng ngành khai khoáng hiện đại quốc tế tất yếu đã hạn chế đầu tư của Australia. Các công ty khai thác mỏ của Australia là một trong những công ty lớn và giàu kinh nghiệm nhất trên thế giới. Hơn nữa, sự vắng mặt của các công ty khai thác lớn của Australia đã gây ra một tác động khác, bởi họ thường là những đơn vị tiên phong tham gia thị trường, sự vắng mặt của họ tại Việt Nam đã gửi một tín hiệu sai lệch đến các doanh nghiệp tiềm năng khác.

Trên thực tế, Việt Nam là một địa điểm tốt để kinh doanh, như nhiều công ty Australia đang tìm kiếm. Tuy nhiên, những cải cách để tạo thuận lợi cho các công ty khai thác quốc tế chất lượng cao gia nhập là rất cần thiết và cấp bách, vì những giá trị mà các công ty này sẽ mang lại cũng như tín hiệu mà họ sẽ gửi đi.

Thứ năm, cho đến trước đại dịch Covid-19, Australia đã có 3 thập kỷ tăng trưởng kinh tế không bị gián đoạn - đây là một kỷ lục thế giới. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư thận trọng có thể giữ tiền của họ ở Australia và vẫn kiếm được mức lợi nhuận hợp lý. Lượng vốn này bao gồm 3.300 tỷ đô la Úc được quản lý trong các quỹ hưu trí của Australia. Các nhà đầu tư khác đã chọn Trung Quốc là nơi an toàn và quen thuộc để kinh doanh. Ngày nay, một bức tranh đầu tư khác đang nổi lên.

Các doanh nghiệp, thương nhân và các tổ chức đầu tư đã nhận ra giá trị của việc đa dạng hóa, trong đó có đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Mô hình sản xuất phòng bị (Just-in-case) đang dần thay thế mô hình sản xuất tức thời (just-in-time) trở thành mục tiêu chiến lược. Việt Nam đang ở vị thế tuyệt vời để hưởng lợi từ quá trình tái cân bằng toàn cầu này.

Nhưng đây vẫn là một môi trường cạnh tranh cao - đặc biệt đối với các khoản đầu tư mới về công nghệ cao. May mắn thay, Australia nhận thấy điều này và cũng giống như Việt Nam, chúng tôi có một cộng đồng lớn nói tiếng Việt, những người sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong việc dẫn dắt các cam kết kinh tế của Australia với Việt Nam.

Thứ sáu, có khoảng 350.000 người Australia có nguồn gốc từ Việt Nam. Họ tạo nên một trong những cộng đồng sôi nổi và năng động nhất ở Australia. Tại Melbourne, tiếng Việt là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi thứ hai. Trong những thập kỷ trước, ngôn ngữ là rào cản đối với hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, ngày nay đây là một cầu nối. Đó cũng là một lợi thế tự nhiên cho Australia.

Trong 4 tháng ở Việt Nam, tôi nhận thấy, ít nhất một nửa số doanh nhân Australia mà tôi gặp là người gốc Việt. Đây không phải là điều các chính phủ cần khuyến khích, mà đang diễn ra một cách tự nhiên và mối liên hệ quan trọng này sẽ tiếp tục phát triển vì lợi ích của cả hai nước.

Thứ bảy, mặc dù nguồn vốn tài chính là cần thiết cho sự phát triển trong tương lai của Việt Nam, nguồn lực con người có lẽ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn. Trình độ giáo dục và đào tạo từng là yếu tố quyết định chính đến chất lượng và quy mô đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đôi khi cũng là một yếu tố hạn chế.

Số hóa và tự động hóa sẽ tạo ra đòi hỏi nhiều hơn từ lực lượng lao động Việt Nam. Một lần nữa, Australia có thể hỗ trợ. Trước Covid-19, hơn 30.000 bạn trẻ Việt Nam đang học tập tại Australia. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng, con số này sẽ tăng lên - không chỉ trong lĩnh vực giáo dục đại học, mà còn trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, một lĩnh vực mà hệ thống giáo dục của Australia được công nhận rộng rãi là một trong những hệ thống tốt nhất thế giới. Giáo dục chắc chắn không chỉ làm phong phú cộng đồng, mà còn xây dựng mối liên kết giữa người với người, điều sẽ củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Tóm lại, tôi kỳ vọng rằng, đầu tư hai chiều trong tương lai sẽ trở thành một phần quan trọng hơn nữa trong câu chuyện Việt Nam - Australia - vì lợi ích to lớn của cả hai quốc gia.

Tin liên quan
Tin khác