Thông tin doanh nghiệp
Con đường xây dựng nền tảng tiêu dùng - bán lẻ của Masan
Đăng Khôi - 05/01/2021 21:33
Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay chi phối, Masan đều xác định không mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua nền tảng phục vụ chiến lược chung của Tập đoàn.
Kênh mua sắm hiện đại dự kiến chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025

Khởi sự từ nước tương Chin-su

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan khởi đầu lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh với sản phẩm gia vị. Sau đó, nhìn thấy tiềm năng trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, Tập đoàn đã mở rộng sang nhiều mảng kinh doanh khác như mì ăn liền, thức uống, thực phẩm chế biến… Năm 2002, Masan tung sản phẩm nước tương Chin-su ra thị trường và nhanh chóng giành được tiếng vang. Sau thành công của Chin-su, Masan tiếp tục gặt hái thành công khi giới thiệu thương hiệu “Nam Ngư” và “Tam Thái Tử”.

Năm 2007, Masan chính thức tham gia ngành thực phẩm tiện lợi với nhãn hiệu mì ăn liền Omachi, sau đó là Kokomi và từng bước mở rộng thị phần, trở thành nhà sản xuất hàng đầu trên thị trường mì ăn liền Việt Nam.

Không chỉ xây dựng các thương hiệu của riêng mình, Masan còn thông qua các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) nhằm thúc đẩy mở rộng danh mục sản phẩm như mua lại 24,9% cổ phần Vĩnh Hảo vào tháng 2/2013, tăng tỷ lệ sở hữu tại Vĩnh Hảo lên 63,5% vào tháng 4/2013, mua Công ty Bia và Nước Giải khát Phú Yên vào tháng 9/2014. Để đặt chân vào lĩnh vực cà phê đóng gói, năm 2011, Masan đã thực hiện M&A với Vinacafe Biên Hòa - nhà sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất tại Việt Nam. Hiện Masan là cổ đông lớn chiếm tới 98,8% vốn điều lệ của Vinacafe Biên Hòa.

Tháng 12/2019, Masan Group đã sáp nhập mảng bán lẻ từ Vingroup. Thoả thuận nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.

Masan là cổ đông sở hữu đa số cổ phần (nắm 70% cổ phần) của công ty mới - The CrownX. Quý II/2020, Masan đã hoàn tất mua thêm 12,6% cổ phần tại The CrownX, với tổng giá trị tiền mặt là 826 triệu USD, nâng tổng sở hữu tại The CrownX lên 82,6%.

Chinsu là thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Việt

Không dừng lại ở đó, Masan HPC, một công ty con thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan đã mua thành công 52% cổ phần của Công ty cổ phần Bột giặt Net (NETCO) vào tháng 2/2020, đánh dấu sự lấn sân của Masan sang ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình.

Ở mảng kinh doanh thịt, sau gần 2 năm phát triển mảnh kinh doanh thịt heo mát với thương hiệu MEATDeli, tháng 10/2020, Masan MEATLife đã đầu tư góp vốn 51% vào Công ty 3F VIỆT - một doanh nghiệp nội địa đi đầu về các sản phẩm từ gia cầm như thịt gà mát đóng gói và các sản phẩm chế biến từ thịt gà. Rất nhanh chóng, đến tháng 12/2020, sản phẩm gà tươi MEATDeli đã được ra mắt tại siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ khu vực Hà Nội.

Triết ký kinh doanh “Đặt người tiêu dùng làm trọng tâm”

Tổng giám đốc Masan, ông Danny Le cho biết: “Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua nền tảng phục vụ chiến lược chung của Masan”.

Từ ngày đầu thành lập, Masan đã chọn các hộ gia đình là đối tượng phục vụ chính. Mục tiêu của tập đoàn này là gia tăng số lượng sản phẩm trong rổ hàng tiêu dùng hằng tháng của các hộ gia đình. Đại diện Masan cho biết: “Dù đã chuyển đổi thành công nhiều ngành hàng FMCG, nhưng các sản phẩm của Masan hiện mới chỉ phục vụ 1% chi tiêu tiêu dùng của người Việt”.

Việc mua lại VinCommerce (VCM) nằm trong chiến lược đặt người tiêu dùng làm trọng tâm của Masan. Sau M&A với VinCommerce, Tập đoàn đặt ra mục tiêu phục vụ người tiêu dùng trực tiếp, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối của VinCommerce để tối ưu năng lực sản xuất.

Tầm nhìn của VCM là trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng cho các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của xu hướng bán lẻ hiện đại.

Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%. Đồng thời, trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng thay đổi sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm với các tiêu chí: an toàn, chất lượng, dịch vụ và trải nghiệm mua sắm là những yếu tố quan trọng hàng đầu.

Đối với các nhà sản xuất, mối liên kết hợp tác với VinCommerce còn nhằm tạo sân chơi công bằng cho các các đối tác, giành lại thị phần bán lẻ cho người Việt Nam và hướng tới vươn tầm khu vực. Do vậy, rõ ràng, chiến lược của Masan khi M&A hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+  không phải để bán hàng do Tập đoàn sản xuất. Trước khi sở hữu VinMart/VinMart+, Masan đã nắm trong tay hệ thống phân phối gồm 300.000 điểm bán lẻ truyền thống, VCM cũng chỉ là một kênh phân phối hàng Masan. Hiện nay, 90% hàng hóa tại VinMart có xuất xứ nội địa.

Theo Kế hoạch Chiến lược phát triển mới giai đoạn 2021-2025, VinCommerce đặt mục tiêu hệ thống sẽ sở hữu 300 siêu thị VinMart, 10.000 cửa hàng VinMart+ khắp 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, VinCommerce có kế hoạch bắt tay với 100 đối tác chiến lược nhằm tăng cường mức đầu tư, đổi mới sản phẩm và xây dựng mô hình hợp tác win - win. Đây là những đối tác có cùng mục tiêu cung cấp sản phẩm có chất lượng vượt trội, cam kết hàng hóa có nguồn gốc sản xuất rõ ràng.

Đại diện VinCommerce khẳng định: “Quan điểm của VCM là tất cả các nhà cung cấp đều bình đẳng, lựa chọn của người tiêu dùng là quyết định cuối cùng”. Với tất cả các nhà cung cấp, đơn vị này đều ký kết minh bạch và có chính sách giám sát nhân viên, đảm bảo hợp tác dựa trên nền tảng tin cậy, liêm chính, công bằng và hai bên cùng có lợi. 

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Masan, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Masan Consumer cho biết: “Tôi tin rằng, tất cả các ngành hàng tiêu dùng Việt Nam rồi sẽ được các công ty Việt Nam làm chủ trong tương lai. Đây là một trong những thành trì lớn của ngành hàng tiêu dùng”.

 

Bên cạnh các kết quả kinh doanh vượt trội, Masan và các công ty thành viên cũng là những doanh nghiệp đi đầu trong các công tác hỗ trợ cộng đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, Tập đoàn đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng như: ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân Đồng bằng sông Cửu Long chống hạn mặn, cứu trợ đồng bào miền Trung trong đợt bão lũ lịch sử, cải thiện cơ sở vật chất, góp phần nâng cao đời sống và an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương trong cả nước.

Tính đến nay, tổng ngân sách các hoạt động vì cộng đồng của Masan và các công ty thành viên trong năm 2020 là gần 30 tỷ đồng.

 

Tin liên quan
Tin khác