Doanh nhân
Con ếch Việt “đem chuông đi đánh xứ người”
- 21/03/2011 00:00
Hỏi ông là ai, Aln Phan mỉm cười bảo: “Tôi chỉ là một con ếch nhỏ từ xứ Việt quê mùa, đem chuông đi đánh xứ người”.
TIN LIÊN QUAN

Và rằng, dù chỉ là một “con ếch”, nhưng ông đã sống một cuộc sống phiêu lưu đầy kỳ thú.

Tôi thì lại nghĩ khác, 42 năm làm ăn ở Mỹ, ở Trung Quốc, ở Mexico… ắt hẳn không chỉ là một cuộc phiêu lưu kỳ thú, mà thực sự là những trải nghiệm vô cùng quý giá, để hôm nay, ông chắt lọc kinh nghiệm sống, kinh nghiệm kinh doanh và đầu tư để chia sẻ với doanh nhân Việt.

Trải nghiệm thú vị

Giống như “ếch ngồi đáy giếng”, tôi không biết Alan Phan là ai, cho đến khi, ông nhắc tới Donafoods - một cái tên khá quen thuộc với người Việt. Đây là công ty đầu tiên mà ông chính thức đầu tư và làm quản lý, lúc đó chuyên làm đồ hộp và khởi đầu là của một Hoa kiều ở Chợ Lớn thời xưa. Và rồi tò mò, tìm trên Google mới thấy, ông khá nổi tiếng trên mạng. Không phải tất cả thông tin đều là về ông, nhưng 11,7 triệu kết quả tìm kiếm trong vòng 0,21 giây thì đâu phải chuyện đùa!

Chịu khó gợi chuyện, Alan Phan có rất nhiều chuyện để kể về Donafoods, bởi công ty này gần như gắn với bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời ông. Lẽ ra, sau khi du học ở Mỹ về, Alan Phan đã có thể an lòng với “chân” giảng viên ở Đại học Kỹ thuật Phú Thọ (nay là Đại học Bách khoa TP.HCM), hay tiếp tục nuôi mộng ước quay lại Mỹ học để lấy bằng tiến sĩ, rồi trở thành một giáo sư đại học tại cường quốc đó. Nhưng rồi như duyên tiền định, nghiệp kinh doanh đã bám riết lấy ông cho đến tận hôm nay.

“Nếu không có chuyện vô tình gặp anh chàng người Do Thái của Tập đoàn Eisenberg tại Sài Gòn thì mọi chuyện đã khác. Chính tập đoàn này đã huấn luyện và đưa tôi vào môi trường kinh doanh của họ. Và tôi khám phá ra rằng, mình có một tài năng bẩm sinh trong việc bán hàng, từ sản phẩm tiêu dùng nhỏ đến các công trình, thiết bị lớn”, Alan Phan kể như vậy.

Thực ra, ông đến với Donafoods cũng bắt đầu từ các hợp đồng cung cấp thiết bị của Eisenberg. Ông chủ cũ của Donafoods không đủ tiền để tiếp tục đầu tư, nên để cứu vãn hợp đồng đã ký và thậm chí cả khoản hoa hồng của mình, Alan Phan đã tập hợp bạn bè để cùng góp vốn mua lại dự án. Thành công đến khá nhanh. Năm 1971, lần đầu tiên Việt Nam có đồ hộp xuất khẩu. Và đó là sản phẩm của Donafoods.

Nhưng Donafoods chỉ là sự khởi đầu cho tên tuổi của Alan Phan sau này. Bởi dấu ấn đậm nét nhất của ông phải là những năm tháng rong ruổi ở Mỹ, ở Mexico, ở Trung Quốc…, với Wall Street, Hartcourt, hay Quỹ đầu tư VIASA…

Kể chuyện kinh doanh ở Mỹ, hay Trung Quốc, Alan Phan có thể nói cả ngày không hết, và những chuyện đó, có in thành một tập sách cũng không đủ. Bởi 42 năm có quá nhiều thăng trầm, quá nhiều trải nghiệm, với những thành công và thất bại đan xen.

Không phải ai cũng biết, chỉ từ 600 USD đầu tiên (năm 1975, khi sang Mỹ, Alan Phan đã bỏ lại hết tài sản ở Việt Nam), sau thời gian lăn lộn ở Wall Street, rồi nhận lời đi cả những nơi hiểm nguy nhất, xa xôi nhất mà không một quản lý Mỹ nào muốn đi, thì tới năm 1998, ông đã xây dựng thành công và điều hành Hartcourt, một công ty có thị giá lên tới 670 triệu USD tại thị trường chứng khoán. 32% cổ phần là của Alan Phan.

23 năm, nào loay hoay với nhà máy bút viết và dụng cụ văn phòng ở Trung Quốc, rồi nhà máy sản xuất hộp truyền hình cáp ở Mexico, hết qua Hồng Kông, rồi lại quay về Trung Quốc đại lục, khi ở Mỹ, lúc ở Mexico…, Alan Phan - có thể nói, đã có lúc ở đỉnh cao của thành công, của danh vọng và tiền tài.

Nhưng cũng có lúc ông thất bại. Ở Mexico. Ở Trung Quốc. Và có thể nói, với cả Hartcourt.

“Khi cổ phiếu của Hartcourt lên như diều, từ 0,75 USD lên đến 20 USD vào những năm 1998-2000, tôi đã bắt đầu trở nên mù quáng và thấy mình là một đại gia tài ba, có thể tạo dựng một Microsoft, Cisco System, hay Yahoo mới của Trung Quốc”, Alan Phan kể và rất bình tĩnh thừa nhận rằng, khi ấy, ông kiêu căng và liều lĩnh, và đã bắt đầu phát triển Hartcourt ào ạt mà không kịp nhận ra rằng, bong bóng “dotcom” - thứ đã mang đến thành công cho Hartcourt - đã bắt đầu xìu xuống.

Năm 2002, thị giá của Hartcourt chỉ còn hơn 100 triệu USD, trong khi vẫn phải đối mặt với các vụ kiện. “Tôi buộc phải tái cấu trúc Hartcourt thành 5 công ty nhỏ hơn để tránh áp lực và dù thắng kiện, tôi đã rời Hartcourt sau 17 năm làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc”, Alan Phan trầm ngâm kể và cho biết, sau đó, ông quyết định qua Australia học thêm tiến sĩ về quản trị kinh doanh và thành lập quỹ đầu tư riêng cho gia đình - VIASA Fund.

Không kể nhiều về VIASA, tư lự, Alan Phan nói, ông không ngờ chặng đường kinh doanh của mình đã trải qua 42 năm. Và chúng là những hồi ức, kinh nghiệm và xương máu, luôn thú vị khi nhìn lại, luôn đắng cay khi trải nghiệm.

“Những biến cố thăng trầm ấy là những tiến trình cần thiết cho sự trưởng thành. Oái oăm hơn cả là khi mình biết cách chơi để thắng, thì trọng tài lại thổi còi kết thúc trận đấu”. Tôi đã bật cười khi nghe ông nói câu đó. Phải, cuộc đời quả là lắm oái oăm. Nhưng có sao đâu, bởi nhờ những trải nghiệm vô cùng quý giá ấy, mà hôm nay, ông có thể chắt lọc kinh nghiệm sống, kinh nghiệm kinh doanh và đầu tư để chia sẻ với doanh nhân Việt.

Và những bài học quý giá

Alan Phan đã tham gia thỉnh giảng ở khá nhiều trường đại học ở Mỹ và Trung Quốc. Ông viết sách cũng nhiều. Toàn những kinh nghiệm quý sau bao năm bôn ba ở xứ người, khi ở đỉnh cao của thành công, lúc trắng tay và phải làm lại từ đầu.

Nghe ông kể chuyện mình, chỉ thấy rất rõ một điều, ông chưa bao giờ giấu giếm những thất bại của mình. Và hình như, cũng chưa bao giờ thôi lạc quan, thôi nỗ lực. Vẫn tự nhận mình là một con ếch (dù tôi thấy, rõ ràng con ếch đó không hề ngồi dưới đáy giếng), ông bảo, thấy vui vì đã có được những cuộc phiêu lưu kỳ thú. “Đừng lo sợ, nghi ngại, hãy đi tìm những cuộc phiêu lưu cho đời mình”, ông nói thế.

Tự dưng tôi nhớ đến một bài trả lời phỏng vấn chớp nhoáng mà tờ Young Entrepreneur của Đại học Pennsylvania thực hiện với TS. Alan Phan. 20 câu hỏi và trả lời rất ngắn gọn:

Lời khuyên ông muốn chia sẻ với các doanh nhân mới?

Kiểm tra sức khỏe: cả thể chất và tâm thần.

Điều gì mỗi doanh nhân cần phải luôn nhớ?

Không bao giờ để cho cạn tiền.

Kẻ thù tồi tệ nhất của doanh nhân?

Bản thân anh ta. Không ai có thể phá hoại chuyện làm ăn nhanh hơn chính bản thân mình.

Một kinh nghiệm mà mỗi doanh nhân cần phải biết?

Thất bại.

Đúng. Thất bại là một kinh nghiệm mà mỗi doanh nhân cần phải biết.

Chính từ những thành công và thất bại của mình, Alan Phan bảo, ông không bao giờ ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nhân Việt. Lần về nước này cũng vậy. Sẽ là những câu chuyện, những kinh nghiệm sau 42 năm làm ăn kinh doanh tại Mỹ và Trung Quốc. Hai thị trường lớn ấy, nếu giới doanh nhân Việt đang hướng tới, thì cũng cần lắm, nghe những câu chuyện của ông.

Này nhé, ông có 5 đúc kết về những yếu tố giúp một doanh nghiệp thành công. Đó là động lực, lòng tham và ngọn lửa trong người; là thời gian và nỗ lực; là sức khỏe để đối phó với áp lực; là liều lĩnh, dám làm, dám chấp nhận rủi ro và là kinh nghiệm, quan hệ, kiến thức.

Còn kinh nghiệm? 42 năm có đủ không? Tư duy làm ăn của người Mỹ và người Trung Quốc rất khác nhau. Nếu doanh nhân Mỹ làm việc rất có mục tiêu, dù là kiếm tiền hay tìm kiếm thành công. Đó là mục tiêu duy nhất trong việc kinh doanh. Trong khi đó, mục tiêu của doanh nhân Trung Quốc phức tạp hơn. Động lực chính thúc đẩy họ là sự tôn trọng của bạn bè, gia đình, xã hội…

Kinh nghiệm tiếp khách ư? Chính Alan Phan đã có lần phải chụp ngay con cá có dính một con ruồi để cho vào miệng ăn. Muốn nôn ngay lúc đó, nhưng ông chỉ biết nhoẻn miệng cười. Nhờ vậy mà sau lần đó, Donafoods ký được hợp đồng xuất khẩu 15 container đồ hộp đầu tiên.

Làm ăn với người Mỹ, đừng quên có thể bị kiện bất cứ lúc nào. Rắc rối pháp lý luôn là câu chuyện “thập diện mai phục”. “Theo kinh nghiệm, tôi không ký bất kỳ thứ gì tại Mỹ nếu không có luật sư tham vấn trước”, Alan Phan nói thế…

Và còn vô vàn chuyện khác có thể kể. Nào chuyện kiếm vốn, chuyện đạo đức và kỷ cương quản trị, chuyện quan hệ làm ăn, rồi cả những cơ hội và rủi ro… Nếu có thời gian, có nhiều thứ lắm để nghe và học từ Alan Phan. Và đó thực sự là những kinh nghiệm quý.

TS. Alan Phan

Du học Mỹ từ năm 1963; tốt nghiệp bằng cử nhân tại Penn State (USA), MBA tại American Intercontinental (USA), Ph.D tại Sussex (UK) và DBA tại Southern Cross (Australia). Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại các trường đại học Mỹ (Colorado, Columbia, Cal State) và Trung Quốc (Fudan, TongJi).

Là doanh nhân Việt Nam đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 1987. Năm 1999, Tập đoàn Hartcourt của ông đạt mức thị giá lên đến 670 triệu USD. Tập đoàn này hiện đã tách thành 5 công ty (HRCT, SRRY, ETLK, ENVI và SPXP) và tiếp tục niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Hiện là Chủ tịch Quỹ đầu tư VIASA (quỹ riêng của gia đình) và là chuyên gia tư vấn về các thị trường đang nổi cho một số công ty đa quốc gia tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Ông cũng là cổ đông lớn tại 6 công ty đại chúng ở Trung Quốc và Mỹ.

Hôm nay (21/3), tại TP.HCM (Khách sạn Continental) và ngày kia (23/3), tại Hà Nội (Khách sạn Bảo Sơn), TS. Alan Phan sẽ có buổi chia sẻ với các doanh nhân Việt Nam về 42 năm kinh nghiệm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc. Tọa đàm do Thái Hà Books tổ chức.

Tin liên quan
Tin khác