Điểm nóng
“Cơn lốc” điện mặt trời quét qua, quy hoạch đất đai bị phá nát - Bài 5: Đừng để "hòa cả làng"
Nhiệt Băng - 19/08/2021 09:09
Hàng ngàn tấm pin điện năng lượng mặt trời cấp tập mọc lên ở miền Trung - Tây Nguyên dù vi phạm, vẫn không dễ bị “nhổ bỏ”. Cơn lốc đầu tư này chưa thể được xử lý dứt điểm.
Trong làn sóng “đổ bộ” đầu tư dự án điện mặt trời, tại nhiều địa phương thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra tình trạng lấy đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng để làm điện mặt trời, “núp bóng” mô hình kinh tế trang trại, lắp đặt trái phép trên mái nhà xưởng… Những dự án xây dựng bất chấp pháp luật này không chỉ phá nát quy hoạch đất đai, mà còn “góp phần” khiến hệ lụy của “cơn sốt” điện mặt trời trở nên trầm trọng hơn.
Các dự án điện mặt trời mái nhà nở rộ trong thời gian qua, đi kèm không ít bất cập ảnh: nhiệt băng

 

Chủ đầu tư thừa nhận sai sót

Sau khi Báo Đầu tư phản ánh vấn nạn nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà “ký sinh” trái phép trên nóc nhà xưởng tại các khu công nghiệp (KCN) ở Lâm Đồng, phản hồi phóng viên Báo Đầu tư vào chiều 11/8/2021, ông Lương Văn Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc thừa nhận những sai sót trong quá trình thực hiện công trình điện mặt trời trên mái nhà xưởng tại KCN Lộc Sơn (TP. Bảo Lộc) mà Báo đã nêu.

“Các nội dung thiếu sót mà Báo đưa, chúng tôi đang thi công, chứ không phải không làm. Việc thi công bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của Covid-19”, ông Hà phân trần.

Cũng theo ông Hà, Vinasolar Bảo Lộc đang “sửa lại các thủ tục giấy tờ”, chứ không phải không có giấy tờ và đang “chờ cấp lại mấy giấy phép nữa”, như giấy phép đầu tư và hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Khi phóng viên Báo Đầu tư hỏi, vì sao trên mái nhà xưởng của Vinasolar Bảo Lộc lại xuất hiện công trình điện năng lượng mặt trời của 2 công ty khác “ký sinh”, ông Hà cho biết: “Đó là hai công ty “nhỏ” của chúng tôi, vì theo quy định, một công ty không được làm dự án điện mặt trời mái nhà quá 1 MW. Chúng tôi tách ra để làm được 3 MW. Các công ty này đều có hợp đồng thuê mái với Vinasolar Bảo Lộc. Chúng tôi sản xuất điện phục vụ hoạt động nhà máy của Công ty, một phần bán cho điện lực”.

Vi phạm, nhưng vẫn xoay chuyển được “thế cờ”?

Về phía điện lực, ngày 10/8, trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Thái Đắc Toàn, Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng (PC Lâm Đồng) cho biết, đến nay, PC Lâm Đồng chưa thanh lý một hợp đồng mua bán điện năng lượng mặt trời mái nhà nào mà lý do là chủ đầu tư vi phạm các quy định về đất đai và xây dựng.

Trước đó, vào ngày 23/2/2021, kiểm tra thực tế tại KCN Lộc Sơn, ông Phan Văn Đa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Ban Quản lý các KCN yêu cầu Vinasolar Bảo Lộc tháo dỡ và di dời ra khỏi dự án toàn bộ hệ thống điện năng lượng mặt trời đã đầu tư không đúng quy định. Ông Đa còn đề nghị PC Lâm Đồng không đấu nối và mua điện từ dự án này.

Đó là chưa kể, Thông báo số 64, ngày 11/3/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, ông Đa đã yêu cầu Sở Công thương, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng và UBND TP. Bảo Lộc tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan vì buông lỏng công tác quản lý nhà nước, để Vinasolar Bảo Lộc đầu tư, kinh doanh điện mặt trời không đúng quy định.

Ngày 16/3/2021, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 101 gửi PC Lâm Đồng, đề nghị không đấu nối và mua điện mái nhà từ toàn bộ dự án của Vinasolar Bảo Lộc (tại KCN Lộc Sơn).

Ngạc nhiên là, trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Toàn cho biết, PC Lâm Đồng không dừng đấu nối, vì Vinasolar Bảo Lộc có văn bản “xin” đừng ngừng đấu nối để họ “bổ sung giấy tờ”.

“Sau chỉ đạo của UBND tỉnh (tức yêu cầu của ông Phan Văn Đa vào ngày 23/2/2021 về việc tháo dỡ, không đấu nối, mua bán điện - PV), PC Lâm Đồng có làm việc với Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, Vinasolar Bảo Lộc có trình bày văn bản khác của tỉnh cho phép họ được tiếp tục thực hiện dự án, nên điện lực không làm gì hết”, ông Toàn nói.

Ông Hà cũng bất ngờ thông tin, ngày 23/4/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản do ông Phan Văn Đa, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký cho phép Vinasolar Bảo Lộc tiếp tục đầu tư và xây dựng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng KCN Lộc Sơn. Phóng viên Báo Đầu tư đề nghị ông Hà cung cấp văn bản này, nhưng ông Hà chưa cung cấp.

Chiều 12/8/2021, phóng viên Báo Đầu tư gọi điện thoại cho ông Phan Văn Đa để xác minh thông tin trên. Tuy nhiên, ông Đa nói đang bận họp về phòng, chống Covid-19 và bảo phóng viên liên hệ với Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng.

Phóng viên Báo Đầu tư gọi điện thoại cho ông Võ Văn Phương, quyền Trưởng ban, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng, song ông này nói “bận họp”.

Cách cuối cùng, phóng viên đã nhắn tin vào số máy điện thoại của ông Đa để hỏi về các nội dung nêu trên. Rất tiếc, đến thời điểm này, “câu trả lời” mà phóng viên nhận được vẫn là sự im lặng.

Trong khi đó, ông Hà cho biết, hiện tại, PC Lâm Đồng không có ý kiến về công trình điện mặt trời trên mái nhà xưởng của Vinasolar Bảo Lộc, mà chỉ bảo “hoàn chỉnh nhanh thủ tục, giấy tờ bên dưới công trình”.

Điện lực và chính quyền chưa thống nhất quan điểm

Tại Khánh Hòa, hàng ngàn tấm pin năng lượng mặt trời lắp dựng trái phép trên đất trồng cây hàng năm khác và đất rừng sản xuất tại xã Cam Thịnh Đông vẫn đang chờ định đoạt “số phận”.

Ông Lê Ngọc Thạch, Phó chủ tịch UBND TP. Cam Ranh tái khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư: “Sau khi UBND TP. Cam Ranh ban hành loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai đối với các công trình điện mặt trời trên đất trồng cây hàng năm khác, đất rừng sản xuất, thì có một cá nhân là ông D.L.T (phường Cam Phú, TP. Cam Ranh) có đơn khiếu nại. Tuy nhiên, sau đó, ông này nhận thức được hành vi, nên rút đơn và cam kết khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất”.

Theo ông Thạch, công trình của ông D.L.T chưa đóng điện. Ngoài quyết định xử phạt vi phạm hành chính, UBND TP. Cam Ranh buộc các cá nhân vi phạm phải tháo dỡ các tấm pin năng lượng mặt trời, trả lại hiện trạng ban đầu của đất.

Trái lại, ông Trần Đăng Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện lực tỉnh Khánh Hòa cho rằng: “Chính quyền xã đôi khi không rành quy định”. Theo ông Hiền, việc xây dựng công trình điện năng lượng mặt trời chỉ cần đăng ký kê khai kinh tế trang trại với chính quyền xã.

Trong khi đó, ông Thạch khẳng định: “Hành vi vi phạm về đất đai của các cá nhân xây dựng công trình điện năng lượng mặt trời ở xã Cam Thịnh Đông là rõ như ban ngày”.

Đáng chú ý, tại Khánh Hòa, không chỉ các công trình điện mặt trời kết hợp mô hình kinh tế trang trại công suất dưới 1 MW, mà cả những dự án điện mặt trời “khủng” cũng vi phạm thủ tục.

Theo kết quả kiểm toán ngày 16/4/2021 của Kiểm toán Nhà nước, Dự án Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn (192 ha tại xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) của Công ty cổ phần Năng lượng Long Sơn chưa đảm bảo điều kiện khởi công theo quy định tại Điều 107, Luật Xây dựng. Nhưng, tháng 12/2020, nhà máy điện mặt trời này vẫn đóng điện thành công (công suất 220 kV - 170 MWp), rồi hòa lưới điện quốc gia.

Còn tại Ninh Thuận, sau khi Báo Đầu tư nêu thực trạng hồ thủy lợi bị “xẻ thịt” để làm dự án điện năng lượng mặt trời, phúc đáp phóng viên Báo Đầu tư vào ngày 11/8, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư các dự án điện mặt trời hồ Bầu Zôn và Bầu Ngứ thực hiện các biện pháp xử lý, nâng cao trình tấm pin theo đúng quy định.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn chủ đầu tư các thủ tục để hoàn thiện việc cấp phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định; đồng thời chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư các dự án lập quy chế phối hợp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Cùng với đó, UBND tỉnh Ninh Thuận thông tin, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (chủ hồ thủy lợi Bầu Zôn, Bầu Ngứ…), đến nay, các chủ đầu tư và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã hoàn thiện, ký kết quy chế phối hợp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi để có cơ sở thực hiện nhằm đảm bảo an toàn, vận hành cho công trình.

Đối với các vấn đề tồn tại về cao trình tấm pin, UBND tỉnh Ninh Thuận phản hồi: “Chủ đầu tư Dự án Điện mặt trời hồ Bầu Ngứ đã thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành để tổ chức đánh giá và đề xuất các giải pháp để xử lý các vấn đề tồn tại về cao trình tấm pin. Ngày 29/6/2021, chủ đầu tư Nhà máy Điện mặt trời hồ Bầu Ngứ có văn bản gửi các đơn vị liên quan để lấy ý kiến về giải pháp khắc phục cao trình lắp đặt tấm pin.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra các giải pháp theo quy định, các điều kiện đảm bảo an toàn, vận hành công trình và thống nhất giải pháp khắc phục, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương tổ chức thực hiện việc khắc phục hoàn thành trước tháng 9/2021. Việc thực hiện có phần chậm do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 và thực hiện việc giãn cách xã hội.

Riêng đối với dự án điện mặt trời trong lòng hồ Bầu Zôn, cao trình lắp đặt tấm pin đã đảm bảo theo quy định. Hiện nay, các chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện trình hồ sơ cấp phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, đảm bảo chặt chẽ, an toàn đối với việc quản lý vận hành, công trình thủy lợi”.

Ninh Thuận chấn chỉnh, kiểm tra toàn diện các dự án điện mặt trời mái nhà

Ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tại Ninh Thuận, hệ thống điện mặt trời kết hợp mô hình kinh tế trang trại chủ yếu là điện mặt trời mái nhà quy mô công suất dưới 1 MW, không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch phát triển điện lực và thẩm quyền thẩm định, đấu nối, ký kết hợp đồng thuộc về công ty điện lực.

Theo ông Cảnh, hệ thống điện mặt trời mái nhà kết hợp mô hình kinh tế trang trại thời gian qua còn tồn tại một số vấn đề, như: phần lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái đã hoàn thành, nhưng chậm triển khai đầu tư trang trại nông nghiệp, hoặc đầu tư nông nghiệp còn mang tính hình thức. Ngành điện chưa phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc thẩm định, đấu nối và ký kết hợp đồng mua bán điện, dẫn đến một số công trình thi công xây dựng đỡ các tấm pin mặt trời chưa được cấp có thẩm quyền có ý kiến, sử dụng đất chưa đúng mục đích, nhưng đã ký kết hợp đồng mua bán điện.

“UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo chính quyền các huyện kiểm tra chấn chỉnh việc cấp chứng nhận đầu tư trang trại, yêu cầu phải đảm bảo thực hiện đúng quy định, đồng thời chỉ đạo Sở Công thương làm việc với công ty điện lực để kiểm soát chặt chẽ việc đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện đảm bảo phù hợp. Sau khi Covid-19 được kiểm soát ổn định, Sở Công thương sẽ chủ trì cùng các ngành chức năng kiểm tra thực địa toàn diện đối với điện mặt trời mái nhà theo từng lĩnh vực chuyên ngành để xử lý theo quy định”, ông Cảnh khẳng định.
Tin liên quan
Tin khác