Sáng 30/1/2019, trong không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Xuân Kỷ hợi 2019, hội trường lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vang lên những âm thanh đặc biệt.
Đó là tiếng đàn piano đầy ngẫu hứng của Nguyễn Trung Hiếu - đại diện cho cộng đồng người tự kỷ Việt Nam; là những bài ca sôi nổi tràn đầy sức sống từ Dàn hợp ca Hy vọng gồm 18 thành viên là những người khiếm thị, dưới sự dẫn dắt của GS. Tôn Thất Triêm - nghệ sỹ piano đạt nhiều giải thưởng danh giá quốc tế…
Những điều đặc biệt ấy tạo nên điểm nhấn cho buổi gặp mặt Chia sẻ Tầm nhìn 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Buổi gặp mặt Chia sẻ Tầm nhìn 2019 (Ảnh: Chí Cường) |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ, những nghệ sĩ - những người con nước Việt vô cùng đặc biệt là minh chứng cho niềm tin, cho sức mạnh và lòng quả cảm, vươn lên vượt qua chính mình, khẳng định chính mình, khẳng định chân lý “người khác làm được thì mình cũng làm được”.
Bóng dáng đất nước Việt Nam chứa đựng trong con người họ, luôn khát khao vươn lên, lớn mạnh với niềm tin vững chắc vào khả năng làm được những điều thần kỳ, chủ động vạch ra tương lai, quyết định tương lai của chính mình, các nước đi trước ta đã làm được thì nước ta cũng sẽ làm được, làm nhanh hơn, tốt hơn.
“Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ ước mơ và khát vọng về một nước Việt Nam thịnh vượng, hạnh phúc cho toàn dân. Năm Mậu Tuất sắp qua, năm Kỷ Hợi sắp tới, chúng ta không chỉ ước mơ và khát vọng về một năm phát triển bứt phá trên mọi lĩnh vực, mà còn về cả một chặng đường dài phía trước, vượt qua mọi chồng gai, khó khăn, thách thức; nắm bắt mọi cơ hội, giải phóng sức sản xuất, khơi thông nguồn lực, tìm kiếm những động lực đột phá mới của nền kinh tế, biến thách thức thành cơ hội và biến cơ hội thành hiện thực”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tầm nhìn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: Chí Cường) |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang tiến nhanh vào con đường phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, luôn lấy con người làm trọng tâm để xây dựng mô hình phát triển bao trùm, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, lấy người dân làm động lực, mục tiêu, trọng tâm trong quá trình phát triển. Mọi chính sách của Chính phủ nhằm hướng tới người dân, mang lại hạnh phúc và lợi ích cho người dân.
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã khẳng định được vị thế, vai trò của mình trên trường quốc tế với những thành quả đạt được rất lớn và quan trọng. Việt Nam từ một nước lạc hậu với trên 80% dân số sống ở nông thôn đã từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội và làm thay đổi căn bản diện mạo đất nước để vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường năng động. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng lớn mạnh, đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao.
Về kinh tế, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức khá trong thời gian dài, bình quân giai đoạn 1989-2018, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,8%, mức cao ở trong khu vực ASEAN. Quy mô nền kinh tế tăng gần 39 lần (từ 6,3 tỷ USD năm 1989 lên 244,9 tỷ USD năm 2018). GDP bình quân đầu người tăng gấp 27,4 lần (từ 94 USD năm 1989 lên 2587 USD năm 2018). Tuy nhiên, nếu so với một số nước trong khu vực thì quy mô của chúng ta vẫn còn khiêm tốn, chất lượng tăng trưởng còn thấp, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao. Năng suất lao động còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Nguy cơ tụt hậu so với thế giới và khu vực vẫn luôn hiện hữu.
Ở khía cạnh xã hội, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015 nhờ có chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Việt Nam đã xây dựng cách tiếp cận đúng đắn, lấy tăng trưởng kinh tế làm nền tảng, tạo nguồn lực để thực thi hiệu quả các chính sách xã hội, kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước đối với người nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội với tạo môi trường khuyến khích người nghèo, người yếu thế nỗ lực, tự vươn lên bằng chính sức của mình, hòa nhập với cộng đồng, xóa bỏ sự phân biệt trong xã hội nhằm tạo điều kiện để mọi người đều được hưởng lợi công bằng từ thành quả tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, số lượng người thiệt thòi, yếu thế vẫn còn nhiều trong xã hội. Do vậy, chúng ta không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà còn phải chăm lo đến công tác xã hội để hướng tới mục tiêu lớn là phát triển xã hội công bằng, thực hiện thành công Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030, lấy con người làm trọng tâm của phát triển, phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Chí Cường) |
Trong thời gian tới, kinh tế thế giới được dự báo sẽ có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn và khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao. Trong khi đó, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế mặc dù đã được cải thiện song còn nhiều hạn chế, nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế vẫn còn hiện hữu…
Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi tốc độ chúng ta cần đạt được trong những năm tới phải nhanh hơn, bứt phá hơn so với chính mình và đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. Để làm được điều này, nền kinh tế phải đồng thời duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và đi liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam giai đoạn tới cần phải dựa trên nền tảng cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các chính sách, giải pháp phù hợp, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực.