Nhằm thực hiện thành công Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 2471/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã giao cho Cục Xuất nhập khẩu và Báo Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan biên soạn xuất bản thường niên Báo cáo hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo kế hoạch, Bộ Công thương sẽ tổ chức lễ công bố Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2016 vào ngày 29/3/2017 tại Hà Nội.
Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2016 được xây dựng từ nguồn thông tin chính thức về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm ngành hàng, từng thị trường và công tác chỉ đạo của ngành Công thương trong điều tiết, xúc tiến hoạt động xuất nhập khẩu với những phân tích và dự báo sâu sắc.
Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2016 sẽ được công bố vào ngày 29/3 tới đây, với những phân tích và dự báo sâu sắc. |
Đây sẽ là ấn phẩm hữu ích giúp cho các cơ quan hữu quan, các tổ chức kinh tế và các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin tham khảo phục vụ trong quá trình hoạch định chính sách và kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, qua đó góp phần cho hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng bền vững.
Bộ Công thương cho hay, năm 2016, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhiều nền kinh tế lớn và là đối tác thương mại - đầu tư quan trọng của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn. Thương mại thế giới giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 2,3%, là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009; thị trường tài chính - tiền tệ và giá các mặt hàng chiến lược diễn biến phức tạp, không ổn định đã tác động tiêu cực đến mức độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, điểm đáng ghi nhận trong báo cáo là kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2016 đã đạt 349,16 tỷ USD.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015.
Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Năm 2016, cả nước có 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD so với 23 mặt hàng của năm 2015. Các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 28,4%, ước đạt 50,04 tỷ USD, tăng 4,8%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 70,22% ước đạt 123,55 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2015.
Cũng trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường truyền thống là châu Á, châu Âu và châu Mỹ tiếp tục có tăng trưởng dương.
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ tăng cao nhất, tăng 13,2%, tiếp đến là thị trường châu Âu tăng 11,3%. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Á ước đạt 85,2 tỷ USD, tăng 6,9%.
Trong khi xuất khẩu sang thị trường châu Phi và châu Đại Dương có sụt giảm, cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Đại Dương ước đạt 3,23 tỷ USD, giảm 0,1%; sang thị trường châu Phi ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2015.
Thị trường Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dẫn đầu với 38,1 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2015. Tiếp đến là thị trường EU đạt 34 tỷ USD, tăng 10%; Trung Quốc đạt 21,8 tỷ USD, tăng 27,4%; Nhật Bản đạt 14,6 tỷ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc đạt 11,5 tỷ USD, tăng 29%; riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 17,4 tỷ USD, giảm 4,7%.