Về cơ bản, các tổ chức tài chính, ngân hàng (TCNH) hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ được giao, kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động.
Nhưng hầu hết trong số 6 tổ chức TCNH đạt lợi nhuận không cao hoặc giảm so với năm 2011. Tại nhiều thời điểm trong năm 2011, một số đơn vị không bảo đảm tỷ lệ an toàn; nhiều hoạt động của tổ chức TCNH chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ mất vốn lớn.
| ||
Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam mua sắm tài sản 6 lần, nhưng không thực hiện đúng quy định về hồ sơ chào hàng |
Đặc biệt, hầu hết các đơn vị được kiểm toán chưa thực hiện nghiêm Nghị quyết 11/NQ-CP trong việc hạn chế, không khuyến khích đầu tư, cho vay lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.
Theo số liệu của KTNN, năm 2011, lợi nhuận trước thuế của BIDV chỉ đạt hơn 4.149 tỷ đồng, giảm tới 10,2% so với năm 2010; MHB chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 102 tỷ đồng, giảm 1,21% so với năm 2010; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu của PVI đạt 10,5% - giảm 0,66% so với năm 2010.
Như vậy, nếu trừ đi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 là 18,13% thì lợi nhuận thực của các đơn vị được kiểm toán đạt rất thấp.
Báo cáo của KTNN cũng cho biết, năm 2011, tại một số tổ chức TCNH, việc quản lý các khoản bằng tiền chưa chặt chẽ và hiệu quả; kiểm kê tài sản, công nợ chưa đầy đủ; mua sắm và quản lý tài sản chưa đúng quy định về đấu thầu; huy động vốn còn vi phạm quy định về trần lãi suất; hoạt động kinh doanh ngoại tệ chưa tuân thủ quy định.
Đơn cử, trong năm, BHTG mua sắm tài sản 6 lần, nhưng không thực hiện đúng quy định về hồ sơ chào hàng; 10 chi nhánh của BIDV huy động vượt trần lãi suất 3,2 tỷ đồng; còn cả hệ thống của MHB huy động vượt trần lãi suất 59,7 tỷ đồng.
“Năm 2011, tất cả các tổ chức TCNH hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận đều có hoạt động đầu tư, góp vốn liên doanh, liên kết, song hiệu quả đầu tư, góp vốn đạt rất thấp, nhiều khoản đầu tư không thu được lợi nhuận hoặc suy giảm giá trị hoặc có nguy cơ mất vốn khá cao”, Báo cáo của KTNN cho biết.
Cụ thể, thu nhập từ hoạt động đầu tư, góp vốn mua cổ phần/tổng giá trị đầu tư của BIDV chỉ đạt từ 3,1% đến 3,4% - nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với hiệu quả đầu tư của MHB với hiệu quả chỉ đạt 0,07%. Còn tại PVI, tỷ suất lợi nhuận đầu tư dài hạn/tổng vốn đầu tư chỉ đạt bình quân 5%.
Tổng giá trị chứng khoán vốn đầu tư sẵn sàng để bán trong năm 2011 của BIDV, theo tính toán của KTNN đã giảm tới 62% giá trị còn PVI giảm gần 32% giá trị vốn đầu tư ngắn hạn, giảm 51% đối với khoản tiền mà PVI đầu tư vào Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam.
Riêng đối với MHB, theo số liệu của KTNN, nhà băng này gần như mất trắng 102 tỷ đồng đầu tư vào Công ty cổ phần Chứng khoán MHB vì Công ty con của MHB này năm 2011 đã có số lỗ lũy kế 114 tỷ đồng.
Ngoài ra, MHB cũng khó có thể thu hồi được nhiều khoản đầu tư tư năm 2007 – 2008 như khoản đầu tư 54,8 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Bất động sản và Xây dựng Mekong; 100 tỷ đồng đầu tư mua cổ phiếu của Công ty Ngọc Phong, 33 tỷ đồng đầu tư vào Công ty cổ phần Phát triển đô thị Bông sen vàng, 184 tỷ đồng ủy thác đầu tư với Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Lộc Việt.
Mạnh Bôn