Thời sự
Công bố Luật Sửa đổi bổ sung về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: Tiếp tục thử lửa mô trường kinh doanh
Bảo Duy - 12/12/2016 08:20
Hôm nay (12/12), Luật Sửa đổi bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư chính thức được Văn phòng Chủ tịch nước công bố, theo lệnh của Chủ tịch nước.

Danh mục 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã rất rõ ràng. Thời hạn hiệu lực cũng rất rõ, từ 1/1/2017, trừ quy định về điều kiện kinh doanh của hai ngành là kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị và sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô sẽ đợi đến 1/7/2017.

Nhưng với giới đầu tư kinh doanh, mọi sự chưa hẳn rõ ràng như vậy. Thậm chí, đã có lời bàn rằng, môi trường kinh doanh Việt Nam đang bước vào giai đoạn thử lửa mới. Lần này, vai trò quyết định đường hướng vẫn là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và những người đứng đầu các bộ, ngành.

.

Có nhiều lý do để chia sẻ quan điểm này.

Thứ nhất, thời gian để các bộ, ngành hoàn tất yêu cầu công bố điều kiện kinh doanh của 13 trong số 15 ngành, nghề vừa được bổ sung vào Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư chỉ còn khoảng nửa tháng.    

 Thực tiễn cho thấy, không dễ để thực hiện đầy đủ các yêu cầu này.

Lý do là theo quy định của Luật Đầu tư, điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đó phải được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Theo quy định của Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày các luật, pháp lệnh, nghị định được ban hành, các bộ, ngành phải gửi văn bản đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cập nhật điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp…

Nhưng đến thời điểm này, sau một năm rưỡi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư được công bố, trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, vẫn còn những ngành, nghề kinh doanh chỉ có vỏ, nhưng không có ruột, nghĩa là không có nội dung các điều kiện kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc suốt một năm rưỡi qua, không một nhà đầu tư, doanh nghiệp nào có thể chạm được vào cơ hội kinh doanh này. Song, câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước với các ngành, nghề này, với Chính phủ và với cả cộng đồng doanh nghiệp cũng không thể né tránh.

Thứ hai, trong danh mục 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới được công bố, có những ngành, nghề đã từng có trong danh mục này, nhưng được sáp nhập, hợp nhất lại. Trên văn bản, giấy tờ, việc chỉnh sửa chỉ đơn giản, mang tính kỹ thuật, nhưng thực tế tuân thủ của các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều câu hỏi không hề nhỏ. Một doanh nghiệp chỉ kinh doanh một phần trong ngành nghề được sáp nhập này sẽ phải tuân thủ các điều kiện như thế nào, trình tự, thủ tục có phức tạp hơn các quy định hiện tại không? Các doanh nghiệp đang kinh doanh lo ngại, họ có phải bổ sung thêm các điều kiện kinh doanh của phần hoạt động mà không kinh doanh do việc sáp nhập, hợp nhất mới không…

Thứ ba, với 2 ngành nghề kinh doanh có điều kiện có hiệu lực sau, các điều kiện kinh doanh cụ thể sẽ như thế nào, cơ hội doanh nghiệp tham gia tiếng nói ra sao…

Tựu trung, vẫn là những câu hỏi về trách nhiệm của những các cơ quan liên quan, trực tiếp là các công chức nhà nước, người đứng đầu các bộ, ngành trong việc hoàn tất các điều kiện kinh doanh của 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Danh mục mới vừa được công bố.

Cũng cần nhắc lại, đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp có một văn bản luật chỉ để sửa đổi một phụ lục của một đạo luật. Nhưng thực tế kinh doanh của doanh nghiệp đòi hỏi sự thay đổi này. Chính phủ đã lắng nghe, đã hành động kịp thời để cộng đồng kinh doanh ở Việt Nam có được môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, minh bạch.

Công việc còn nhiều. Cộng đồng đầu tư - kinh doanh đang mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục lắng nghe và hành động.

Tin liên quan
Tin khác