Thời sự
Công bố Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Mekong
Trúc Giang - 05/04/2022 20:31
Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Mekong sẽ thúc đẩy sự quan tâm, động lực và góp phần kết nối các nguồn lực để hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Các đại biểu thực hiện nghi thứ công bố Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Mekong

Chiều ngày 5/4, tại TP. Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức Hội nghị “Đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” và công bố Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Initiative - MII), nhằm tăng cường đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4IR) ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, đối với ĐBSCL, ngày 28/02/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong Quy hoạch, mục tiêu tổng quát đã chỉ rõ: phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới; một trong các cơ sở cần chú trọng là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực số khu vực ĐBSCL” nhằm đánh giá về thực trạng đổi mới sáng tạo của khu vực, trao đổi về các khó khăn, thách thức, cũng như các cơ hội để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ công nghệ số đáp ứng yêu cầu phát triển theo mục tiêu và các định hướng của Quy hoạch phát triển vùng.

Cũng tại Hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu và công bố Sáng kiến đổi mới sáng tạo tại khu vực ĐBSCL (Mekong Innovation Innitiative – MII) trong đó, bao gồm những hoạt động cụ thể năm 2022.

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Sáng kiến MII sẽ thúc đẩy sự quan tâm, động lực và góp phần kết nối các nguồn lực để hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho ĐBSCL”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị

Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc quốc gia USAID tại Việt Nam chia sẻ: “USAID rất vui mừng được mở rộng hợp tác cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hỗ trợ Việt Nam trong việc tìm kiếm các phương pháp đào tạo mới để phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam có cơ hội lớn trong việc tận dụng tiềm năng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư để phát triển mạnh mẽ và chuyển đổi kinh tế. Để làm được điều này cần trang bị các kỹ năng số cho lực lượng lao động nhằm tận dụng nền kinh tế tri thức để phát triển nhiều lĩnh vực”.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết, mục tiêu của MII nhằm huy động các nguồn lực và giải pháp hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại ĐBSCL; Hỗ trợ phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo cho khu vực; Thúc đẩy, nâng cao nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; Phát triển bền vững về môi trường và bình đẳng giới cho khu vực.

MII nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ Hoạt động “Nguồn nhân lực cho Đổi mới sáng tạo – Hệ sinh thái khởi nghiệp" (USAID WISE) đã được công bố bởi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris trong chuyến thăm Việt Nam năm 2021. WISE là hoạt động hợp tác giữa USAID và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm hỗ trợ tăng cường kỹ năng chuyên biệt của thị trường lao động Việt Nam, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh cho lực lượng lao động của Việt Nam. WISE sẽ hỗ trợ MII phát triển nguồn nhân lực số cho khu vực ĐBSCL. Đây là một trong những hoạt động của WISE nhằm giảm thiểu bất bình đẳng giới cũng như thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, góp phần phát triển nền kinh tế số trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam.

Trong thời gian hoạt động, các hoạt động thuộc MII được tài trợ bởi USAID WISE dự kiến sẽ đào tạo 500 học viên khu vực ĐBSCL về các kỹ năng chuyển đổi số và thương mại điện tử, mở ra cơ hội việc làm mới và cung cấp cho khu vực một lực lượng lao động đã được trang bị các kỹ năng số.

Ngoài ra, chương trình MII còn nhận được tài trợ của nhiều đối tác quan trọng khác, có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như:

1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được cung cấp miễn phí dịch vụ điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu.

500 gói dịch vụ tra cứu thông tin doanh nghiệp ở nước ngoài miễn phí nhằm phục vụ hoạt động xuất khẩu và hợp tác thương mại.

500 website được xây dựng miễn phí cho người dân và doanh nghiệp để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm Mekong trên nền tảng số.

5.000 suất học bổng đào tạo về công nghệ thông tin dành cho sinh viên và người lao động.

3.000 nông dân, tiểu thương được hỗ trợ, đào tạo miễn phí về chuyển đổi số và bán hàng trên mạng xã hội, các kênh trực tuyến.

800 doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn, cấp kinh phí để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đăng ký sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử, sử dụng khu làm việc chung, xúc tiến thương mại và đầu tư phát triển thị trường quốc tế.

Tại Hội nghị “Đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực số khu vực ĐBSCL”, các đại biểu đã nêu lên thực trạng cùng những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cần giải quyết.

Từ thực trạng đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chia sẻ, các start-up hiện nay gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, từ gọi vốn cộng đồng, nhà đầu tư mạo hiểm hay cả tín dụng từ ngân hàng. Các yếu tố hành lang pháp lý, chính sách cũng là các rào cản của quỹ đầu tư mạo hiểm.

Bên cạnh đó, yếu tố công nghệ chưa được đề cao, chủ yếu ứng dụng để phát triển kinh tế hộ gia đình, còn các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong các dự án được hỗ trợ thật sự chưa có. Việc phát hiện các ý tưởng kinh doanh khả thi để khởi sự còn hạn chế do đa phần các ý tưởng với quy mô hộ kinh doanh, mua bán nhỏ lẻ; Chất lượng nguồn nhân lực tham gia trong dự án khởi nghiệp còn hạn chế kiến thức về nghiên cứu thị trường, quản trị dự án, nghiên cứu phát triển sản phẩm...

Ông Nguyễn Văn Mười cho biết, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng đề án thành lập Hội đồng hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, còn vướng các quy định trong việc bố trí vốn ngân sách tham gia cùng các doanh nghiệp, các doanh nghiệp còn lo ngại việc rủi ro, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, cơ chế hoạt động... 

Việc thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo quy định tại Điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do các nhà đầu tư tư nhân góp vốn thành lập. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, các nhà đầu tư tư nhân chưa mạnh dạn trong việc thành lập các Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, vì việc đầu tư khởi nghiệp sáng tạo có rất nhiều rủi ro.

Từ đó, ông Mười kiến nghị: “Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vào Điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cơ chế cho phép Nhà nước sử dụng ngân sách nhà nước để thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp, thay vì lựa chọn các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đủ điều kiện để cùng đầu tư thông qua tổ chức nhà nước của địa phương. Việc hình thành Quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do ngân sách nhà nước thành lập cùng với nguồn vốn doanh nghiệp sẽ tạo nhiều thuận lợi cho cơ quan chính quyền trong việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của địa phương”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ để xuất cần xây dựng các chương trình hỗ trợ, khuyến khích phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sát với thực tế. Các chính sách, chương trình hỗ trợ không nên chỉ tập trung vào việc khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp mà cần khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp không nên phân bổ dàn trải mà có sự chọn lọc, ưu tiên định hướng khởi nghiệp cho các lĩnh vực mũi nhọn. Bên cạnh đó, cần triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ phát triển thị trường để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: “Trên cơ sở kết quả của Hội nghị ngày hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến để tham mưu cơ chế, chính sách cũng như phối hợp với các cơ quan, tổ chức xây dựng các chương trình, dự án cụ thể nhằm góp phần hỗ trợ đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực cho khu vực ĐBSCL”.



Tin liên quan
Tin khác