Đây là những doanh nghiệp có tiềm năng và hiệu quả kinh doanh tốt nhờ tăng cường áp dụng và đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, cách tân.
Chương trình nhằm nâng cao nhận thức và tôn vinh tầm quan trọng của đổi mới, sáng tạo, cách tân trong phát triển đất nước và doanh nghiệp.
Danh sách VIE 10 ngành Dược và phương pháp nghiên cứu được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình https://vie10.vn
Ngành dược Việt Nam 2023-2024: Gia tăng sức đề kháng
Ngành công nghiệp dược phẩm của Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023, với doanh thu tăng trưởng ước tính khoảng 15-20% so với năm trước, tốc độ tăng trưởng kép khoảng 10% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2023. Trong khi doanh thu phân phối qua kênh OTC của nhiều doanh nghiệp dược phẩm tăng trưởng thấp, thậm chí sụt giảm thì sự phục hồi của kênh phân phối thuốc qua đấu thầu tại các bệnh viện và các sở y tế (kênh ETC) đã trở thành động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong ngành.
Doanh thu trên kênh ETC (bệnh viện) đạt 3,4 tỷ USD tăng 18%, chiếm 40% quy mô thị trường. Có sự tăng cường đầu tư từ các công ty dược phẩm nước ngoài vào thị trường Việt Nam, cũng như sự tăng cường đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó ngành dược Việt Nam đã tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, từ thuốc thông thường đến các sản phẩm dược phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân và sản phẩm dành cho người già.
Một số doanh nghiệp dược điển hình trong VIE10 đã đạt được thành tựu đáng kể trong hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2023 có thể kể đến như: Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.994 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế gần 300 tỷ đồng, tăng 35%. Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar), theo báo cáo tài chính vừa công bố, lợi nhuận sau thuế năm 2023 cao kỷ lục, đạt 269,3 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2022. Chuỗi nhà thuốc Long Châu tăng trưởng hơn 60%, đem về doanh thu gần 16.000 tỷ đồng.
Trong môi trường chính sách thuận lợi, kênh ETC sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành dược trong năm 2024. Kênh OTC dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định tương đương với mức tăng trưởng chung của ngành khoảng 7% nhờ hệ thống phân phối rộng lớn của các chuỗi cửa hàng thuốc bán lẻ và hơn 62.000 nhà thuốc truyền thống thói quen mua thuốc tại các cửa hàng bán lẻ thay vì đến bệnh viện của phần đông người dân. Giá trị ngành dược phẩm năm 2024 dự báo đạt 7.89 tỷ USD (tăng trưởng 9.1% so với cùng kỳ). Trong đó, kênh ETC tăng trưởng mạnh hơn OTC nhờ sự bao phủ bảo hiểm toàn dân đã đạt 93%.
Tương lai ngành dược Việt Nam: Cách tân để thắng
Trong chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược, Việt Nam phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 - cấp độ cao nhất, theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới. Với mục tiêu đó, Việt Nam đang chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất thuốc mới, đẩy mạnh phát triển dược lâm sàng, tăng cường giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý... hướng tới trở thành trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo y tế mới trong khu vực.
Theo các nghiên cứu về đổi mới sáng tạo và cách tân, có 4 loại hình đổi mới sáng tạo là Đổi mới sáng tạo đột phá, Đổi mới sáng tạo bền vững, Đổi mới sáng tạo gián đoạn và Nghiên cứu cơ bản tuỳ theo tính chất đặc thù của từng loại hình. Trong khảo sát các doanh nghiệp dược trong VIE10 tháng 4 của Viet Research cho thấy, hơn 70% các doanh nghiệp dược trong VIE10 đã và đang tiến hành Đổi mới sáng tạo bền vững. Loại hình đổi mới sáng tạo này được đặc trưng bởi việc xây dựng lộ trình chiến lược hướng tầm nhìn dài hạn với ngân sách phân bổ hàng năm cho các hoạt động R&D, tập trung vào đổi mới quy trình sản xuất kinh doanh, sản phẩm, quản trị và nhân sự.
Đón đầu triển vọng tăng trưởng của kênh ETC, một loạt các doanh nghiệp dược trong VIE10 đã chủ động đầu tư nâng cấp hạ tầng sản xuất kinh doanh trong chiến lược đổi mới sáng tạo cách tân dài hạn như Dược Hậu Giang, Imexpharm, Bidiphar, Traphaco, Dược phẩm Cửu Long… đã mạnh tay đầu tư/lên kế hoạch đầu tư vào các dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn cao như EU-GMP hoặc tương đương để sản phẩm đủ khả năng tham gia đấu thầu tại các phân khúc thuộc nhóm đầu..
Trong bối cảnh năng động của ngành dược phẩm, sự đổi mới luôn là động lực, thúc đẩy những tiến bộ trong nghiên cứu, phát triển và chăm sóc bệnh nhân. Trong nghiên cứu về đổi mới cách tân và phát triển của Viet Research trong ngành dược phẩm cho thấy nổi lên top 3 xu hướng đột phá về đổi mới sáng tạo cách tân trong ngành dược phẩm. Từ việc tích hợp trí tuệ nhân tạo đến cuộc cách mạng về phân tích, tiếp thị và quản lý chuỗi cung ứng, những xu hướng này không chỉ thay đổi cách thức hoạt động của các công ty dược phẩm mà còn hứa hẹn những đột phá giúp cải thiện kết quả chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.
Tương lai của ngành dược, thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe đang được viết nên bởi AI tạo sinh, thúc đẩy sự đổi mới và hiểu biết sâu sắc. Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo, mở rộng tiếp thị kỹ thuật số và áp dụng công nghệ đám mây không chỉ là xu hướng; mà còn là những trụ cột để ngành dược phẩm xây dựng một tương lai hiệu quả hơn, dễ tiếp cận hơn và lấy bệnh nhân làm trung tâm. Bằng cách khai thác những công nghệ này, các công ty dược phẩm có thể tăng tốc quá trình nghiên cứu thuốc, tăng cường chăm sóc bệnh nhân và đảm bảo tính toàn vẹn trong chuỗi cung ứng của mình.
Lễ Công bố và Vinh danh các doanh nghiệp trong Danh sách Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2024 ngành Dược sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2024 với chủ đề Cách tân để Phát triển tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 24/6/2024 và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình https://vie10.vn/ và trên các kênh truyền thông đại chúng.