Phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Nguyễn Hải Minh cho biết, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà cả doanh nghiệp EU cũng như doanh nghiệp nước thứ 3 đã và sắp đầu tư vào Việt Nam đều mong đợi sự kiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực kể từ ngày mai (1/8).
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). |
Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trông đợi gì ở EVFTA?
Chúng tôi đã tiến hành thăm dò, khảo sát nhiều doanh nghiệp châu Âu và được biết, hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm đến hiệp định thương mại tự do (FTA) này. Sự trông đợi của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu không chỉ là đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường sắp đạt 100 triệu dân, hay đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, mà xa hơn là sự kết nối giữa 2 khu vực kinh tế.
Trên thế giới có 2 khu vực kinh tế thành công nhất, là hình mẫu của sự hợp tác giữa các nước trên thế giới là EU và ASEAN. EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) được ký kết và thực thi không chỉ gắn kết về đầu tư, thương mại… giữa các thành viên EU với Việt Nam, mà rộng hơn là sự gắn kết giữa hai khu vực kinh tế này. Đây là điều mà cộng đồng doanh nghiệp châu Âu mong đợi, vì khi họ đã hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam, thì chính Việt Nam trở thành cầu nối để doanh nghiệp châu Âu tiếp cận ASEAN.
Khi hai bên chưa ký kết hoặc tham gia FTA nào, EU vẫn là một trong 6 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Ông có tin rằng, thực hiện EVFTA, mối quan hệ hai chiều sẽ gia tăng nhanh?
Các chuyên gia kinh tế tin rằng, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU sẽ gia tăng mạnh mẽ sau thời điểm 1/8/2020 nhờ việc cắt giảm thuế quan và hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên không có sự cạnh tranh mà bổ sung cho nhau.
Tôi cũng tin như vậy, nhưng tốc độ tăng thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện. Không phải hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng là ngay lập tức “tràn” vào thị trường EU, mà còn phải đáp ứng quy tắc xuất xứ, bảo vệ môi trường, không vi phạm các quy định về lao động…
Về lâu dài, xu hướng gia tăng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào EU chắc chắn vẫn tiếp diễn, vì một khi thị trường đã được mở cửa, EVIPA được thực thi, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam, kéo theo doanh nghiệp từ nước thứ ba đầu tư vào Việt Nam. Và để đáp ứng được quy tắc xuất xứ, các doanh nghiệp phải tăng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam và tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị, chi tiết, máy móc từ EU. Vì vậy, hoạt động thương mại hai chiều gia tăng là điều tất yếu, nhưng tăng ra sao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.
Đó là những yếu tố nào?
Xu hướng dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài ra khỏi Trung Quốc ngày càng rõ nét, nhưng điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp châu Âu nói riêng đầu tư vào Việt Nam, dù Việt Nam là sự lựa chọn đầu tư được đánh giá khá cao, vì bên cạnh Việt Nam còn có nhiều đối thủ “nặng ký” như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan…
Khi chọn địa điểm đầu tư, doanh nghiệp châu Âu quan tâm đến 3 nhân tố là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thủ tục hành chính (thể chế). Rất mừng là cả 3 vấn đề này đều được Việt Nam đặc biệt quan tâm và đang từng bước cải thiện, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
EuroCham đánh giá cao nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam. EuroCham hy vọng và tin tưởng rằng, thời gian tới, cùng với việc thực hiện CPTPP, EVFTA, Chính phủ đẩy mạnh tiến trình cải cách thủ tục hành chính, tạo ra môi trường hấp dẫn hơn với doanh nghiệp châu Âu mong muốn chuyển hướng đầu tư đến Việt Nam.
Việt Nam nổi lên là nền kinh tế năng động, hấp dẫn, ổn định vĩ mô, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện, nhưng vì sao doanh nghiệp châu Âu chưa là những đối tác hàng đầu của Việt Nam?
Trước khi đưa ra quyết định đầu tư, các doanh nghiệp châu Âu thường lên kế hoạch rất chắc chắn, tính đến nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan, cả hiện tại và dự báo tương lai và trên cơ sở bảo đảm được sự ổn định. Vì vậy, dù là đối tác thương mại hàng đầu, song đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp châu Âu còn khiêm tốn.
Sau khi EVFTA và EVIPA được ký kết và đi vào thực hiện, thì những tính toán của nhà đầu tư EU trong việc lập kế hoạch, thiết kế lộ trình, hoạch định chiến lược đầu tư đã rõ ràng vì được bảo đảm bằng 2 hiệp định này. Tôi tin rằng, dòng vốn đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được cải thiện, song tốc độ cải thiện thế nào còn phụ thuộc vào việc đáp ứng được mong đợi của nhà đầu tư về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính.
Kinh nghiệm thực thi các FTA trước đó đã cho thấy, khi hiệp định mới có hiệu lực, cộng đồng doanh nghiệp rất háo hức, nhưng chỉ sau một thời gian, thì “bầu nhiệt huyết” giảm dần. Ông có tin rằng, EVFTA không đi vào lối mòn này?
Việt Nam đã tham gia 13 FTA, nhưng ngoài CPTPP, hầu hết các FTA chỉ liên quan đến cắt giảm thuế quan, trong khi mức cắt giảm có lộ trình khá dài và không mạnh. Chính vì vậy, sau khi FTA có hiệu lực một thời gian, mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng giảm dần. Ngay cả với CPTPP, mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng có giới hạn, vì Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia FTA với các thành viên, trừ Canada, Mexico, Pêru.
Tuy nhiên, với EVFTA thì khác. Ngoài cam kết cắt giảm thuế quan rất nhanh, rất mạnh, Hiệp định còn cam kết rất nhiều lĩnh vực phi thuế quan khiến mức độ ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều. Doanh nghiệp có thể tận dụng được rất nhiều cơ hội từ hiệp định này, chứ không phải 30-40% như bình quân 12 FTA trước đó.