Nhân kỷ niệm 50 năm ASEAN hình thành và phát triển, sáng 19/7, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm, triển lãm, giao lưu “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam".
Năm 2017 là năm đánh dấu mốc quan trọng cho chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trải qua nửa thế kỷ với nhiều chuyển biến sâu sắc của tình hình quốc tế và khu vực, ASEAN đã trở nên lớn mạnh, đạt nhiều thành tựu mang tính bước ngoặt, được thế giới công nhận như một tổ chức hợp tác đa phương thành công nhất. Điều đó càng được khẳng định mạnh mẽ hơn khi Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành với 3 trụ cột: Chính trị, Kinh tế và Văn hoá xã hội vào ngày 31/12/2015.
Là một trong 3 trụ cột quan trọng trong cộng đồng ASEAN, sau hơn một năm thành lập, Cộng đồng kinh tế (AEC) đã phát huy vai trò kiến tạo môi trường, tăng cường cơ hội để các doanh nghiệp có thể tham gia sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN.
Tọa đàm 50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam (Ảnh: K.T) |
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định trong quá trình hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Bất chấp những cuộc khủng hoảng trong thời gian vừa qua, tốc độ phát triển của ASEAN đạt bình quân phát triển của thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới với 640 triệu dân.
Trong quá trình hội nhập liên kết, ASEAN đã đóng góp nhiều sáng kiến cho sự phát triển của khu vực như nhập khẩu nội khối, mở cửa thị trường dịch vụ, hải quan, quy định xuất xứ. Môi trường kinh doanh đầu tư ở khu vực cũng được cải thiện thông qua những sáng kiến, khuôn khổ trong lĩnh vực hợp tác, sáng tạo, bảo vệ sở hữu trí tuệ, kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông, FTA với các đối tác thương mại chính.
Tuy nhiên, AEC cũng tạo ra những thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt, trong đó nổi lên là áp lực cạnh tranh từ các nước ASEAN cả trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ.
Theo ông Lê Lương Minh, thực tế trên đòi hỏi ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần vượt qua những thách thức. Việt Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của ASEAN. Kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thành viên khác trong thương mại nội khối, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, với việc tham gia vào TPP, đàm phán RCEP và kí FTA với EU và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tận dụng được sức mạnh tập thể của ASEAN, trong khi đó đầu tư thương mại giữa Việt Nam và ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua. Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng từ khoảng 19 tỷ USD năm 2006 lên 41,36 tỷ USD năm 2016. ASEAN là thị trường lớn thứ 3 và cũng là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, hiện thực hoá AEC ở tầm phát triển mới chính là nhiệm vụ của chính phủ các nước thành viên và của cộng đồng doanh nghiệp. Thu hẹp khoảng cách phát triển trong nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các khu vực khác, thúc đẩy hội nhập kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN, tăng cường kết nối từ hạ tầng đến người dân là những việc các Chính phủ cần thúc đẩy.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá, doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng được những lợi thế của AEC khi thực sự đặt chân vào thị trường ASEAN, trở thành “người chơi” trên thị trường đó và là một người chơi có đủ năng lực. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ còn là người thụ hưởng mà phải trở thành người tham gia đặt ra luật chơi, chủ động quan tâm và đóng vai trò lớn hơn trong định hình ASEAN và AEC vì lợi ích của chính các doanh nghiệp.