Cuộc họp diễn ra vào chiều nay, 13/2, do Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (VPSF) đứng ra tổ chức. Tham dự có đại diện Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistic, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nma và Hiệp hội doanh nhân Nhật Bản tại Việt Nam.
Lý do của lần tập hợp này, theo bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Phó tổng thư ký VPSF cho biết, sau 2 lần VPSF có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về tác động bất lợi việc thu phí hạ tầng cảng biển khu vực Hải Phòng, theo Nghị quyết 148 của Hội đồng nhân dân TP.Hải Phòng, lần thứ nhất là ngày 13/1/2017 và lần thứ hai sau đó 10 ngày, sau khi VPSF đã được Văn phòng Chính phủ mời tham dự cuộc họp khẩn để trình bày quan điểm, trao đổi thông tin và lắng nghe ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan đến vấn đề này.
“Chúng tôi và các hiệp hội hôm nay tiếp tục đánh giá chuyên môn hơn để có ý kiến về tác động của Nghị quyết trên theo từng hiệp hội để có thêm căn cứ có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ”, bà Thủy cho biết.
Trong các kiến nghị trước, VPSF đã phân tích những nội dung khó hiểu của Nghị quyết 148 của HĐND TP. Hải Phòng, như không tuân thủ trình tự, thủ tục lấy ý kiến doanh nghiệp chịu tác động, không đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố tối thiểu 30 ngày để lấy ý kiến các đối tượng có liên quan; không đánh giá tác động chính sách và thủ tục hành chính xuất hiện tại Nghị quyết hoặc nếu có đánh giá thì chỉ mang tính hình thức…
VPSF cũng đã kiến nghị Chính phủ dừng hiệu lực một phần hoặc toàn bộ Nghị quyết 148 vì có dấu hiệu ban hành trái pháp luật và theo điều 165 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Lần này, VSPF và các hiệp hội doanh nghiệp đã tính toán thêm, với các mức thu phí mới, Hải Phòng sẽ thu ít nhất 2.300 tỷ đồng từ khoản các phí hạ tầng càng biển, tăng rất mạnh so với kế hoạch 1.700 tỷ đồng của Hải Phòng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp phải chịu áp lực lớn do không kịp trở tay, vì toàn bộ các đơn hàng, hợp đồng, hợp đồng, giá sản phẩm và dịch vụ liên quan cho năm 2017 đều đã đàm phán, ký kết với các đối tác trước đó.
Ngoài ra, việc ban hành Nghị quyết diễn ra khi Hải Phòng chưa hề bố trí đủ hoặc hợp lý các nguồn lực thực hiện, mọi việc thực hiện đều thủ công dẫn tới nhiều hệ luỵ vô cùng bất cập cho doanh nghiệp.
“Theo khảo sát nhanh từ các Hiệp hội, để thực hiện xong việc nộp phí/1 lần thông quan, mỗi doanh nghiệp phải bố trí ít nhất 1 nhân viên chuyên trách và mất tầm 90 phút để hoàn tất việc nộp phí. Nếu việc nộp phí diễn ra cuối ngày, doanh nghiệp còn mất chi phí lưu kho, bãi qua ít nhất 1 đêm, chưa kể bị chậm hàng, đình đốn kinh doanh… do không kịp giờ làm thủ tục thông quan”, bà Thủy phân tích từ tập hợp các kiến nghị.
Cùng với các hiệp hội doanh nghiệp trogn nước, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cũng có kiến nghị cần phải giải thích rõ lý do của quy định này.
Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, phí quá cao. Hiện các doanh nghiệp Nhật Bản phải trả phí vận chuyển ra tận cảng hơn 4 triệu/1 container 40 fit, nhưng đi một đoạn ngắn vào cảng lại thu phí 500.000 đồng.
“Tư duy thu phí có vấn đề, việc ban hành ra văn bản chưa đúng trình tự”, bà Huyền đặt vấn đề.