Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Nghị quyết này quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu cực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.
Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ gọi các lý do để đề nghị dừng Nghị quyết trên là các bất ổn trong văn bản.
Một là, có hiện tượng phí chồng phí, làm gia tăng gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. “Doanh nghiệp hiện đã chịu các chi phí sau tại cửa khẩu cảng biển Hải Phòng: phí vận chuyển, phí D/O, phí handling, phí vệ sinh container, phí THC, phí B/L, phí AMS, phí Telex, RL, phí CY moniter, phí Seal charge, phí CB Lissur, phí cân tải trọng container, phí Ex doc... Các phí này doanh nghiệp nộp qua Thành phố qua các công ty được TP.Hải Phòng kinh doanh dịch vụ cầu cảng, kho bãi có sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng ở khu vực cảng biển”, văn bản gửi Thủ tướng ghi rõ.
Hai là, mức phí quá cao và không chứng minh được nguyên tắc thu phí là để “cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí” quy định tại Điều 8, Luật phí và lệ phí năm 2015 cũng như quy định về phí của các bên tham gia WTO.
Ông Vương cho biết, trong phí mới ban hành, Hải Phòng không lý giải mức thu so với chi phí cần bù đắp.
Ba là, phân biệt đối xử nghiêm trọng giữa hàng hóa thông quan tại cửa khẩu cảng biển Hải Phòng với hàng hóa chuyển cảnh, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan. Một phụ lục chi tiết so sánh mức phí tại cửa khẩu cảng biển Hải Phòng trong giai đoạn 2013 - 2016 được đính kèm.
Bốn là, không tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Kiến nghị của Diễn đàn Kinh tế tư nhân cho biết, quá trình Nghị quyết 148, Hải Phòng không thực hiện đánh giá tác động và lấy ý kiến các đối tượng có liên quan, nhất là các đối tượng chịu tác động trực tiếp của quy định.
“Hầu hết doanh nghiệp chỉ biết đến văn bản này khi có thông báo của UBND Quận Hải An – đơn vị được giao xây dựng phương án thu phí và triển khai thu phí – về thời điểm thực hiện áp dụng thu phí, từ ngày 1/1/2017. Văn bản ký ngày 21/12/2016 gửi đến các doanh nghiệp”, ông Vương cho biết.
Và lý do thứ năm để Diễn đàn Kinh tế tư nhân đề nghị dừng Nghị quyết 148 của Hội đồng Nhân dân TP.Hải Phòng, đó là phát sinh thủ tục nộp phí với đối tượng mới là các hàng hóa thông quan tại cửa khẩu cảng biển Hải Phòng mà chưa có sự đánh giá tác động cần thiết, khiến hàng nghìn doanh nghiệp phải tiêu tốn nhiều thời gian và chi phí trực tiếp, cũng như chi phí cơ hội để thực hiện thủ tục.
Doanh nghiệp cho biết, thời gian hoàn thành 1 lần nộp phí thường từ trên 30 phút đến 1 giờ, chưa kể các khâu chuẩn bị và vướng mắc phát sịnh khác làm ảnh hưởng đến quá trình thông quan hàng hóa.
BIỂU SO SÁNH MỨC PHÍ ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ TẠI CẢNG BIỂN HẢI PHÒNG TỪ NĂM 2013-2016
I. Đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan:
STT | Nội dung | Đơn vị tính | Mức phí thu theo QĐ 2261/2013 | Mức phí thu theo QĐ 152/2015 | Mức phí thu theo NQ 148/2016 |
1 | Container 20 feet hàng khô | đồng/container | 800.000 | 1.300.000 | 2.200.000 |
2 | Container 40 feet hàng khô | đồng/container | 1.600.000 | 2.600.000 | 4.400.000 |
3 | Container 20 feet hàng lạnh | đồng/container | 1.000.000 | 1.600.000 | 2.300.000 |
4 | Container 40 feet hàng lạnh | đồng/container | 2.000.000 | 3.200.000 | 4.800.000 |
5 | Đối với hàng lỏng, hàng rời | đồng/tấn | 15.000 | 25.000 | 50.000 |
II. Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu:
STT | Nội dung | Đơn vị tính | Mức phí thu theo QĐ 2261/2013 | Mức phí thu theo QĐ 152/2015 | Mức phí thu theo NQ 148/2016 |
1 | Container 20 feet | đồng/container | Không thu | Không thu | 250.000 |
2 | Container 40 feet | đồng/container | Không thu | Không thu | 500.000 |
3 | Hàng lỏng, hàng rời | đồng/tấn | Không thu | Không thu | 20.000 |
Nguồn: Diễn đàn Kinh tế tư nhân - Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam