Ngày 5/10/2015, các quốc gia thành viên (bao gồm 12 quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Việt Nam, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Chile, Mỹ và Canada) đã hoàn thành việc đàm phán TPP.
Diễn giả chính tại hội thảo là bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam; ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương và gần 100 lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư, kinh doanh thuộc khu vực Duyên hải Bắc Bộ, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã và đang có các quan hệ kinh doanh, thương mại, xuất nhập khẩu trực tiếp với các đối tác Mỹ.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Phí Văn Dực, Giám đốc VCCI tại Hải Phòng cho biết, việc tham gia vào Hiệp định TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, cả về phương diện kinh tế, thể chế và xã hội. Còn ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho rằng những kiến thức, thông tin được chia sẻ tại Hội thảo của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý sẽ giúp cho các cơ quan quản lý, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Hải Phòng trong việc hoạch định các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển của mình.
Chuyên gia kinh kế Phạm Chi Lan trình bày tại hội thảo |
Chuyên gia kinh kế Phạm Chi Lan cho biết 4 trụ cột của cộng đồng kinh tế ASEAN là thị trường và cơ sở sản xuất chung, khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế công bằng, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Tầm nhìn AEC đến năm 2015 có 5 đặc trưng cơ bản: Hội nhập sâu và gắn kết cao; Năng động sáng tạo và có năng lực cạnh tranh cao; Tăng cường kết nối và hợp tác ngành; Con người làm trung tâm, hướng tới con người, bao dung và có khả năng kháng chịu cao và ASEAN toàn cầu. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hoàn thành những hoạt động chưa được thực hiện 2016 và tiếp tục cam kết những hoạt động đối với Hội nghị cấp cao Campuchia - Lào - Myanma - Việt Nam cho tới 2016. Trọng tâm thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs).
Tuy nhiên, bà Lan cũng thẳng thắn, sự sẵn sàng cho hội nhập AEC của các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao. Lợi thế mà doanh nghiệp Việt nam sẽ có như, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, TPP cam kết mở cửa khá cao cho Việt Nam, khoảng 78 - 95% số dòng thuế được xóa bỏ thuế nhập khẩu. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5 - 10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạnh thuế quan. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su...
Tại hội thảo, các bài trình bày, phát biểu của khách mời, diễn giả, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các doanh nghiệp đều nhận định rằng: “Việc Việt Nam gia nhập TPP sẽ mang lại cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng mới trong khu vực TPP,... Các mặt hàng như dệt may, da giày của Việt Nam sẽ có thế mạnh trong việc mở rộng thị trường tại Mỹ, Canada và các thị trường lớn khác... Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội hợp tác, đầu tư với các nhà đầu tư lớn từ các nước TPP và bên ngoài TPP để hưởng các lợi ích do TPP mang lại”. Trách nhiệm tiếp theo sẽ thuộc về các nhà quản lý, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh?!
“Việt Nam và Hoa Kỳ đa bình thường hóa quan hệ 20 năm qua. Và trong thời gian đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng, đặc biệt là qua 2 dấu mốc: Hiệp định song phương giữa 2 nước có hiệu lực vào cuối năm 2001 và Việt Nam gia nhập WTO năm 2007. Sau khi hiệp định FTA giữa Việt Nam Hoa kỳ có hiệu lực thì thuế xuất khẩu hàng của Việt Nam sang Hoa Kỳ được hưởng mức ngang bằng với hầu hết các nước xuất khẩu của Hoa Kỳ cùng với những nước có hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ. Chính vì thế, hàng xuất khẩu Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, điển hình như năm 2012 tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2011”. Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với thách thức không nhỏ, trong đó có thách thức về các vụ kiện thương mại như trợ cấp và bán phá giá sẽ tăng lên tại Mỹ và các nền kinh tế khác, nếu Việt Nam chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường (MES) thì thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ lớn hơn. Các nước TPP sẽ sử dụng nước thứ 3 để xem xét biên độ áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp đối với các mặt hàng của Việt Nam bị coi là được trợ cấp và bán phá giá, do đặc điểm kinh tế nước thứ ba thường cao hơn Việt Nam, nên mức thuế áp cho hàng Việt Nam thường cao hơn thực tế, gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, việc được Mỹ và các nước sớm công nhận có nền kinh tế thị trường là chuẩn bị quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tham gia thành công TPP và các liên kết kinh tế khác.
Trước đó, năm 2006, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với cam kết lộ trình được công nhận có nền kinh tế thị trường (Market Economic Status - MES) trong 12 năm (2006 - 2018). Việt Nam có thể rút ngắn lộ trình này, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp trong các vụ kiện chống trợ cấp và bán phá giá với các nước, nếu được đa số nước WTO công nhận có MES sớm hơn năm 2018. Do đó, Việt Nam đang tích cực vận động các nước WTO công nhận có MES, trong đó Mỹ là đối tác cần vận động quan trọng nhất.
Cũng tại hội thảo này, 100 lãnh đạo doanh nghiệp tham gia đã ký vào thư kiến nghị gửi bà Penny Pritzker, Bộ trưởng Bộ Thương Mại Hoa Kỳ xem xét sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, để Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào Hiệp định TPP. Bên cạnh những cơ hội sẽ là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp không chỉ ở thị trường quốc tế mà ngay tại thị trường trong nước, khi phải đối mặt cạnh tranh một cách bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị trước khi bước vào một sân chơi mới.