Lãnh đạo các nước thành viên TPP tại buổi làm việc bên lề Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 23. Ảnh: TTXVN |
Các bên cũng nhất trí thời hạn 2 năm để quốc hội các nước phê chuẩn hiệp định. Như vậy, TPP có thể có hiệu lực vào năm 2018.
Ngày ký kết 4/2/2016 sẽ diễn ra chỉ một ngày sau ngày 3/2/2016 – thời gian sớm nhất mà Tổng thống Barack Obama có thể ký TPP theo đạo luật quyền đàm phán nhanh (fast-track). Đạo luật này yêu cầu Tổng thống phải thông báo trước ít nhất 90 ngày cho Quốc hội về ý định ký hiệp định. Hôm 5/11 vừa qua, ông Obama đã chính thức thông báo Quốc hội về ý định này.
Cũng sau cuộc họp hôm qua, lãnh đạo các nước TPP đã ra tuyên bố chung mặc dù không đề cập đến việc thảo luận ngày ký kết chính thức. "Chúng tôi vui mừng nhận thấy toàn văn Hiệp định TPP đã sẵn sàng cho việc rà soát và xem xét trước khi được ký kết. Chúng tôi mong sắp tới sẽ ký kết để nhanh chóng xem xét và thông qua Hiệp định TPP theo đúng thủ tục nội bộ ở mỗi nước thành viên. Tiếp đó chúng tôi sẽ tập trung vào thực thi toàn diện hiệp định để người tiêu dùng, công và nông dân, doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn đều có thể bắt đầu nhận thấy những lợi ích chung càng nhanh càng tốt”, tuyên bố chung nêu rõ.
Trả lời phỏng vấn báo giới, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho rằng, thách thức lớn nhất để TPP có hiệu lực đó là đạt được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ.
Về vấn đề này Tổng thống Obama vẫn tỏ ra khá lạc quan. Phát biểu sau cuộc họp với người đồng cấp Philippines Benigno Aquino, Tổng thống Obama tin tưởng rằng mặc dù khó khăn nhưng cuối cùng Quốc hội Mỹ cũng sẽ phê chuẩn TPP.
Về phần mình, Tổng thống Philippines Aquino cho biết, hiện vấn đề có gia nhập TPP hay không vẫn còn đang gây tranh cãi ở nước này do đó Philippines sẽ chưa tham gia ít nhất cho đến sau bầu cử Tổng thống vào ngày 9/5/2016.
12 thành viên của TPP bao gồm: Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru và Singapore. Các quốc gia thành viên hiện tại của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. Hiệp định sẽ không có hiệu lực nếu không có sự tham gia của cả Mỹ và Nhật Bản.