Chúng tôi luôn sát cánh cùng người dân Việt Nam
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội |
Theo cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư mới nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, Việt Nam nên đẩy mạnh chính phủ điện tử, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, fintech, điện toán đám mây; thiết lập chính sách cho phép sử dụng ví di động và các hệ thống thanh toán điện tử...
Việc thực hiện nhanh các mục tiêu kinh tế kỹ thuật số này có thể giảm vĩnh viễn chi phí hành chính và gánh nặng thời gian cho cả Chính phủ và doanh nghiệp, đồng thời thu hút các nhà đầu tư mới tìm kiếm các tiêu chuẩn toàn cầu và dễ dàng kinh doanh. Tất nhiên, cũng cần đảm bảo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư hiện tại.
Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ đã ưu tiên cải cách hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư luôn mong muốn có một môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, hợp lý, có thể dự đoán và coi trọng sự đổi mới.
Cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đều ủng hộ các kế hoạch vì một môi trường sạch hơn và một tương lai năng lượng sạch hơn. Chúng tôi khuyến khích mở rộng cánh cửa cho năng lượng tái tạo và chào đón đầu tư trong và ngoài nước vào năng lượng tái tạo, truyền tải, khí tự nhiên hóa lỏng và khí ngoài khơi. Các thành viên của AmCham mong muốn hợp tác để xây dựng ngành công nghiệp tái chế theo Luật Bảo vệ Môi trường, giúp làm sạch các tuyến đường thủy và thành phố của Việt Nam, đồng thời tạo nhiều việc làm mới.
Một vấn đề tác động lớn đến cả doanh nghiệp nước ngoài và trong nước là hệ thống thuế. Mặc dù mức thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam khá cạnh tranh, nhưng vẫn cao so với một số nước láng giềng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang phải gánh chịu việc kiểm toán và đánh giá lại không công bằng, không minh bạch, hoặc đang mất đi các ưu đãi khi luật hoặc cách giải thích thay đổi. Chúng tôi hy vọng sẽ thấy việc sử dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) tạo ra sự ổn định và khả năng dự báo cần thiết cho các doanh nghiệp của chúng tôi hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu có giá trị.
Các thành viên của AmCham đại diện cho hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài, hàng chục ngàn nhân viên trực tiếp, hàng trăm ngàn nhân viên gián tiếp, và một phần đáng kể trong xuất khẩu và thu thuế của Việt Nam. Chúng tôi luôn sát cánh cùng người dân Việt Nam và chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam để đảm bảo rằng, những cơ hội mới cho tương lai được hiện thực hóa.
Việt Nam là một đất nước đáng sống
Ông Paul Fisher, Giám đốc quốc gia của JLL Việt Nam |
Việt Nam là quốc gia hiếu khách. Điều này rất có ý nghĩa với bản thân tôi cũng như quyết định chuyển công tác từ Hồng Kông sang Việt Nam của tôi. Khi đến sinh sống và làm ăn tại một quốc gia khác, sự chào đón và hỗ trợ của người bản địa rất quan trọng. Với tôi, Việt Nam là một đất nước đáng sống. Chúng tôi yêu công việc và cuộc sống tại Việt Nam, yêu cả con người, văn hóa, ẩm thực… và nhiều thứ nữa.
Tôi có đội ngũ đồng nghiệp làm việc đầy nhiệt huyết tại Văn phòng JLL Việt Nam. Tinh thần, sự năng động của người Việt Nam, đặc biệt là doanh nhân Việt Nam thật tuyệt vời. Và tinh thần đó vẫn gia tăng mỗi ngày từ khi tôi đến nơi đây. Tôi cho rằng, tính cách năng động của người Việt bắt nguồn từ việc họ muốn có cuộc sống tốt hơn mỗi ngày, môi trường sống tốt hơn và cả nền giáo dục tốt hơn.
Dưới góc nhìn của tôi, Việt Nam có thuận lợi khi ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các nhà đầu tư trên toàn cầu. Hoạt động kinh doanh của JLL tại Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể trong 4 - 5 năm qua và tôi tin rằng, JLL sẽ tiếp tục giữ được đà phát triển này trong những năm tới.
Covid-19 bùng phát đã gây ra một số xáo trộn cho thị trường bất động sản tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp tích cực của Chính phủ, tác động đó chỉ là ngắn hạn và hoạt động kinh doanh đã trở lại bình thường. Các nhà đầu tư nước ngoài triển khai dự án tại Việt Nam vẫn rất kiên trì với chiến lược đầu tư tiếp tục mua tài sản hoặc hợp tác với các nhà phát triển đáng tin cậy trong nước.
Các loại hình bất động sản giờ đây đã đa dạng, phong phú hơn. Chúng tôi ghi nhận một lượng vốn đầu tư đáng kể vào lĩnh vực công nghiệp và hậu cần, có thể được coi là đầu tư trung và dài hạn và do đó ít bị ảnh hưởng bởi tính chất chu kỳ của thị trường bất động sản.
Ngoài ra, chúng tôi cũng ghi nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực “thay thế” bất động sản như trung tâm chăm sóc sức khỏe, trường học và trung tâm dữ liệu. Đây được xem là một bước tiến tích cực đối với thị trường bất động sản Việt Nam, chứng tỏ thị trường đang ngày càng hoàn thiện hơn, xóa bỏ rào cản thị trường một chiều, không còn tập trung chủ yếu vào phân khúc nhà ở.
JLL dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và vượt trội so với các nước trong khu vực, tiếp tục thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư nước ngoài trong tất cả các phân khúc của thị trường bất động sản. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã từng bước trở thành điểm đến hàng đầu cho ngành công nghiệp sản xuất tại Đông Nam Á và thu hút lượng vốn FDI đáng kể. Theo tôi, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện thứ hạng minh bạch nếu muốn thu hút thêm nguồn vốn này.
Phát triển các khu, cụm công nghiệp cạnh tranh
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam |
Trong hơn 3 thập kỷ qua, kinh tế Việt Nam đã phát triển khá vững chắc. Từ năm 2011, Đức và Việt Nam đã có “quan hệ đối tác chiến lược”. Với kim ngạch thương mại đạt gần 14 tỷ euro vào năm 2020 (gấp 3 lần so với năm 2011), Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong EU.
Hiện có hơn 500 doanh nghiệp Đức có đại diện tại Việt Nam, sử dụng khoảng 47.000 lao động có trình độ. Các doanh nghiệp Đức lạc quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Theo kết quả khảo sát Kinh doanh thế giới AHK của chúng tôi, một nửa số người tham gia khảo sát mong đợi doanh nghiệp của họ tại Việt Nam phát triển hơn nữa trong năm 2021.
Tuy nhiên, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn một số vấn đề cần cải thiện. Trong cuộc khảo sát nói trên, các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam đã chỉ ra những rủi ro đối với sự phát triển của họ tại Việt Nam. Đó là khung chính sách kinh tế (68%), rào cản/ưu đãi thương mại (32%), sự chắc chắn về mặt pháp lý (27%), tỷ giá hối đoái (23%) và sự thiếu hụt công nhân lành nghề (18%).
Việc tham gia các hiệp định FTA thế hệ mới cũng sẽ tạo ra thách thức cho các sản phẩm của Việt Nam, về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khả năng cạnh tranh toàn cầu, nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm. Theo các chuyên gia của chúng tôi, doanh nghiệp trong nước nên nhanh chóng cải thiện lợi thế cạnh tranh của mình. Việt Nam nên điều chỉnh chính sách để tăng tốc độ phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, trao đổi kinh nghiệm và số hóa.
Việt Nam cũng cần phát triển các khu, cụm công nghiệp cạnh tranh để thu hút được các khoản đầu tư FDI mới. Việt Nam cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trong một số lĩnh vực công nghệ cao để phát triển thương hiệu “made in Vietnam”. Đây là những chiến lược cần thiết, đúng đắn để phát triển bền vững.
Để tạo điều kiện cho người nước ngoài, căn cứ vào tình hình đại dịch trên thế giới, Việt Nam nên xem xét mở thêm các đường bay quốc tế và hỗ trợ thị thực lao động cho những người muốn ở lại làm việc lâu dài tại Việt Nam.
Chúng tôi thực sự vui mừng khi được tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam để góp phần vào sự phát triển kinh tế Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức.
Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
Ông Alain Cany, Chủ tịch Eurocham, Chủ tịch Tập đoàn Jardine Matheson |
Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, trong ngắn hạn, Chính phủ Việt Nam cần vạch rõ lộ trình mở cửa lại với thế giới, để các doanh nghiệp trong những lĩnh vực thiết yếu nhất của kinh tế tư nhân cũng như các nhà đầu tư nước ngoài có thể chuẩn bị kế hoạch của mình. Đồng thời, Chính phủ cũng cần đảm bảo rằng, các khoản chi gia tăng từ ngân sách nhà nước sẽ không cạnh tranh với khu vực tư nhân.
Trong dài hạn, phát triển hơn nữa nền tảng kinh tế kỹ thuật số thông qua việc xây dựng và vận hành chính phủ điện tử là vô cùng cần thiết và điều này cũng giải quyết được các mối bận tâm đang ngày càng tăng về môi trường trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn tới khu vực kinh tế tư nhân trên toàn cầu và cả ở Việt Nam trong hoạt động đầu tư vào các giải pháp năng lượng tái tạo và lĩnh vực này sẽ được tiếp tục thúc đẩy thông qua Quy hoạch điện VIII cũng như việc triển khai quy hoạch này. Thêm vào đó, các ngành nghề đầu tư có chất lượng cũng cần được khuyến khích đầu tư từ thành phần kinh tế tư nhân.