Với thỏa thuận vừa được ký về cộng gộp lượng vải từ Việt Nam và vải nhập từ Hàn Quốc, hàng may từ Việt Nam vào EU có thể đạt tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ tới 50%, tận dụng được ưu đãi thuế quan của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường này.
Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU mới chỉ đạt 4,3 tỷ USD, chiếm khoảng 2% thị phần của thị trường này. |
Giảm áp lực quy tắc xuất xứ
Nỗi lo về quy tắc xuất xứ từ vải khi sản xuất hàng xuất khẩu sang EU đã phần nào được giải tỏa khi Hàn Quốc và Việt Nam vừa ký kết triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may giữa hai nước trong EVFTA.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng lên khi Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước trong EVFTA đi vào thực thi.
Theo EVFTA, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, để được cắt giảm thuế quan, doanh nghiệp dệt may phải đảm bảo yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ chặt chẽ. Trong đó, quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của EVFTA yêu cầu vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam, hoặc các nước thành viên EU, hoặc các nước đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU (Hàn Quốc, Nhật Bản).
Nếu Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) yêu cầu xuất xứ từ khâu sợi trở đi để được hưởng thuế ưu đãi, thì với EVFTA, quy tắc xuất xứ bớt đi 1 công đoạn. Nhưng, điều khiến ngành dệt lo lắng nhất là quy tắc xuất xứ từ vải, bởi hiện tại, nguồn sản xuất vải gần như vẫn tắc nghẽn tại Việt Nam vì nhiều lý do.
Do đó, thỏa thuận đạt được với Hàn Quốc về sử dụng vải nhập khẩu từ quốc gia này có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may từ Hàn Quốc để sản xuất và hưởng ưu đãi thuế, do Hàn Quốc đã ký FTA với EU.
Số liệu của Vitas cho thấy, 5 năm qua, Việt Nam nhập khẩu vải từ Hàn Quốc lớn thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) với giá trị nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng 17 - 18% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam.
Xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2019, nhưng ngành dệt may mới có 30% lượng vải sản xuất trong nước. Kim ngạch nhập vải năm 2019 lên tới trên 13 tỷ USD.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá, với thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa 2 nước trong Hiệp định EVFTA, hàng may từ Việt Nam vào EU có tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ tới 50% nhờ được cộng gộp cả lượng vải nhập từ Hàn Quốc.
Điều này hết sức thuận lợi cho ngành để được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào EU. Do đó, các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ cân nhắc sử dụng nhiều hơn vải từ Hàn Quốc để thực hiện các đơn hàng xuất sang EU, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải.
Nhiều dư địa tại EU
Thị trường EU có nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may lớn với kim ngạch nhập khẩu hơn 250 tỷ USD mỗi năm. Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU mới chỉ đạt 4,3 tỷ USD, chiếm khoảng 2% thị phần của thị trường này.
Con số trên cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU vẫn còn rất nhỏ so với dung lượng thị trường. Do vậy, khi EVFTA có hiệu lực, các chuyên gia kinh tế dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào EU sẽ tăng nhanh khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định.
Dệt may Việt Nam kỳ vọng tăng gấp đôi thị phần tại EU sau 5 năm (khoảng 5%), kim ngạch xuất khẩu đạt 2 con số.
Trong bản báo cáo phân tích về ngành dệt may và cơ hội với EVFTA, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khẳng định, dư địa tăng trưởng xuất khẩu của dệt may tại EU còn nhiều.
EU chiếm 34% tổng nhập khẩu hàng dệt may thế giới, nhu cầu hàng may mặc tăng 3%/năm, nhưng Việt Nam chỉ chiếm thị phần rất nhỏ (khoảng 2,2%). Theo VDSC, cơ hội cho dệt may Việt Nam tại EU rất lớn, song cơ hội tận dụng ưu đãi từ EVFTA phụ thuộc khả năng chuyển đổi nguồn nguyên liệu.
Vitas thì khuyến nghị, tiếp sau Hàn Quốc, Việt Nam tiếp tục triển khai đàm phán với Nhật Bản để doanh nghiệp sử dụng vải Nhật Bản được cộng gộp xuất xứ và hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
“Nếu tính cả lượng vải nhập từ Nhật Bản, mỗi năm, dệt may Việt Nam có thêm gần 1 tỷ USD lượng vải nhập khẩu có đủ điều kiện hưởng thuế 0% xuất khẩu đi EU”, Vitas tính toán.
EVFTA đi vào thực thi từ đầu tháng 8/2020 có ý nghĩa quan trọng trong việc mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho ngành dệt may vào EU, đặc biệt trong bối cảnh ngành dệt may đã chịu tác động không nhỏ của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài và mới đây là đại dịch Covid-19.
Cụ thể, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.
Cùng với lợi ích về xóa bỏ thuế quan, yêu cầu quy tắc xuất xứ “từ vải” của EVFTA kết hợp với yêu cầu “từ sợi trở đi” của CPTPP sẽ tiếp tục thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ thượng nguồn đến cắt may thành phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành dệt may Việt Nam và giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.