Yêu cầu truy xuất nguồn gốc
“Trước khi mua bất kỳ thực phẩm nào về dùng, tôi cần biết nguồn gốc của nó. Ngoài ra, tôi còn muốn biết thực phẩm đó đã được nuôi trồng thế nào, hàm lượng ra sao, có nhiễm chất cấm gì không. Thế nên tôi luôn ưu tiên mua các sản phẩm có tem truy xuất để đảm bảo sức khỏe gia đình”, chị Phương Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) - một người tiêu dùng cho biết.
Sử dụng công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc thanh long xuất khẩu sang Australia |
Với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm lại càng khắt khe hơn. Theo bà Đặng Thị Phương Ninh, Giám đốc Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec), doanh nghiệp của bà đang tìm kiếm phương thức cho việc truy xuất nguồn gốc hàng xuất khẩu, đặc biệt khi muốn xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ... Việc truy xuất sẽ giúp sản phẩm mang tính minh bạch, rõ ràng hơn, giúp bạn hàng tin tưởng nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao uy tín và kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp.
Công ty Cofidec đang phối hợp với Hội Công nghệ cao TP.HCM tìm kiếm phương pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện tử cho sản phẩm cà tím để có thể xuất khẩu sang Nhật Bản vào cuối năm nay.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc nước ngoài yêu cầu truy xuất nguồn gốc nông sản không phải là chuyện mới, mà họ đã làm từ lâu. Không chỉ các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ…, mà nay, thị trường dễ tính như Trung Quốc cũng có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Trong thời đại công nghiệp 4.0 nên vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng phải hướng đến số hóa, công nghệ cao.
Giải pháp tối ưu
Để đáp ứng được vấn đề truy xuất nguồn gốc, theo TS. Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp: "Ứng dụng công nghệ 4.0, trong đó có blockchain trong nông nghiệp, sẽ giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong việc minh bạch thông tin sản phẩm. Khi áp dụng, khách hàng có thể biết được các sản phẩm của Việt Nam có nguồn gốc từ đâu, được chăm sóc thế nào, ai là người chăm sóc, qua tay bao nhiêu doanh nghiệp…”.
Bà Trần Đặng Cẩm Vân, Tổng thư ký Câu lạc bộ doanh nhân Tiền Giang chia sẻ, trước vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, khi chưa có cách để giải quyết triệt để, vô hình trung đánh đồng người kinh doanh chân chính và những người kinh doanh không đàng hoàng. Công nghệ blockchain có 2 tiêu chí là minh bạch và bất biến, đây sẽ là cơ hội sàng lọc, phân loại rõ ràng giữa người làm đúng và không đúng, bởi với doanh nghiệp làm đúng, họ sẵn sàng đưa ra các thông tin trong quá trình sản xuất đến người tiêu dùng.
Áp dụng công nghệ tối ưu này, mới đây những lô hàng thanh long sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Dragon fruit được xây dựng trên nền tảng công nghệ blockchain đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sang Australia, đánh dấu bước tiến mới của ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ. Với phần mềm truy xuất nguồn gốc này, người tiêu dùng Autralia có thể biết rõ tất cả công đoạn trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến tiêu dùng của trái thanh long Việt Nam.
Là doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Dragon fruit, ông Phạm Hoài Tâm đến từ Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) cho biết, sau khi áp dụng phần mềm nói trên cho các lô hàng xuất khẩu, sản phẩm của Công ty dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính. Đồng thời, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng được nhanh chóng và hiệu quả.
Công nghệ blockchain với những ưu thế sẵn có đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Walmart - tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới, vừa yêu cầu các nhà cung cấp áp dụng phương thức truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ này, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Lộ trình Walmart đưa ra cho các nhà cung cấp trực tiếp là cuối tháng 1/2019 và cuối tháng 9/2019 cho toàn bộ chuỗi cung ứng. Sau Walmart, các chuỗi bán lẻ lớn tại châu Âu, Australia cũng đang chuẩn bị áp dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc. Đây là yêu cầu tất yếu cho các sản phẩm nông nghiệp Việt nếu muốn tham gia sân chơi toàn cầu.