Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Nam cho biết, Quảng Nam có 115.500 ha đất nông nghiệp và 726.500 ha đất lâm nghiệp. Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn từ thiên tai, dịch bệnh và suy giảm kinh tế chung, nhưng nông nghiệp Quảng Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng ổn định, tăng bình quân 4,5%/năm. Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao đóng góp giá trị sản xuất khá lớn.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Quảng Nam đặc biệt chú trọng các hoạt động trồng và chế biến các loại nông sản, hoa quả; chăn nuôi và chế biến các sản phẩm gia súc, gia cầm; lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) ngành nông nghiệp.
. |
Theo Sở NN&PTNT, nổi bật nhất của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chính là chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất trồng trọt, tạo ra hiệu quả kinh tế cao. Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, hiện nay, một số huyện trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành các vùng sản xuất lúa giống tập trung bằng cách liên kết với các doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định.
Cụ thể, năm 2015, Công ty Giống Thái Bình liên kết với HTX Đại Minh, huyện Đại Lộc sản xuất trên diện tích tập trung khoảng 110 ha lúa giống BC15, ngoài ra, có khá nhiều doanh nghiệp cũng theo hình thức liên kết sản xuất lúa giống trên diện tích khoảng 30 - 50 ha. Công ty TNHH Thương mại Việt Thắng liên kết với các HTX, tổ hợp tác của huyện Duy Xuyên sản xuất dưa leo Nhật Bản, bí đỏ, ớt trên diện tích khoảng 50 ha để xuất khẩu sang Nhật.
Về chăn nuôi, với việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi, Công ty CP liên kết với các hộ nông dân hợp tác nuôi gà và Công ty Thái Việt hợp tác nuôi heo. Cho tới nay, những liên kết này có quy mô sản xuất khá lớn và đang trong xu thế đi lên.
Quảng Nam vốn được gắn với thương hiệu của sâm ngọc linh, nên sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến hoạt động đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp về công nghệ trong việc trồng và phát triển cây sâm ngọc linh ở huyện Nam Trà My. Đây là hoạt động để xây dựng khu vực này thành trung tâm bảo tồn sâm ngọc linh, đưa loại sâm quý hiếm này trở thành sản phẩm quốc gia mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được biết, mới đây, sâm ngọc linh ở Nam Trà My (cùng với Kon Tum) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ trao giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ.
-Quyết định số 41/2014/QĐ - UBND (ngày 4/12/2014) về quy định nội dung ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, giai đoạn 2014 - 2020
-Nghị Quyết số 179/2015/NQ - HĐND (ngày 11/12 /2015) về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020
-Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND (ngày 12/4/2016) về quy định một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016 - 2020
Ngoài việc thu hút các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Quảng Nam cũng đã triển khai hợp tác với các quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao để phát triển lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Cụ thể, tháng 11/2016, Quảng Nam đã thống nhất với nhóm chuyên gia đến từ Israel để lập dự án đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tam Phú (TP. Tam Kỳ).Theo đó, mô hình được triển khai thí điểm rộng hơn 200 ha, triển khai theo hình thức hợp tác ba bên: tỉnh Quảng Nam, doanh nghiệp Israel đóng góp kinh phí, kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam tham gia trong nghiên cứu triển khai là giống lúa và hoa màu chất lượng cao, thích nghi với biến đổi khí hậu.
Trong Danh mục Ưu tiên kêu gọi đầu tư Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020, nông nghiệp công nghệ cao có một số dự án quan trọng như: Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển giống cây trồng, vật nuôi kỹ thuật cao tại địa bàn các huyện; Dự án Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô công nghiệp tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước, Núi Thành; Trung tâm Nghiên cứu phát triển và sản xuất tinh dầu, dược liệu từ nguồn thảo dược sẵn có như quế Trà My, sâm ngọc linh, trầm hương, ba kích… tại các huyện miền núi.
“Chủ trương xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá của tỉnh, được đề cập trong Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, Giám đốc Huỳnh Tấn Đức cho biết.