Lĩnh vực giáo dục được các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước rất quan tâm. |
Khởi nghiệp công nghệ giáo dục hút vốn ngoại
Mới đây, Tập đoàn Giáo dục EQuest đã thu hút một khoản đầu tư mới từ Công ty đầu tư toàn cầu KKR. Thỏa thuận này nằm trong kế hoạch của KKR nhằm tăng gấp ba lần đầu tư vào Việt Nam trong thập kỷ tới.
Các khoản đầu tư của KKR vào Việt Nam đã vượt 1 tỷ USD vào năm 2020 sau khi một tập đoàn do KKR đứng đầu mua cổ phần của Vinhomes JSC, nhà phát triển bất động sản lớn nhất trong nước.
Trong giáo dục, nhà đầu tư ngoại rất hứng thú với các công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục (edtech). Đây được xem là một trong những khoản đầu tư nóng nhất hiện nay tại Việt Nam, thu hút rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia.
Đơn cử, ELSA - một ứng dụng trên thiết bị di động giúp người học cải thiện kỹ năng phát âm - đã giành được 15 triệu USD đầu tư trong vòng tài trợ do Vietnam Investments Group và SIG đồng dẫn đầu. Trong khi đó, một công ty khởi nghiệp edtech khác là Edmicro đã gọi vốn thành công từ các công ty đầu tư mạo hiểm là BEENEXT, Qualgro và Insignia Ventures Partners (trụ sở tại Singapore).
Nhận định về xu hướng này, bà Quế Vũ (Công ty Luật Rajah & Tann LCT) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư rằng, các thương vụ M&A tại Việt Nam đang ngày càng nhiều. Đặc biệt, M&A trong lĩnh vực giáo dục những năm gần đây đã trở thành xu hướng.
“Thế hệ trẻ sẵn sàng tiếp nhận các cơ hội giáo dục cho bản thân và con cái họ. Không chỉ trường quốc tế đáp ứng mọi bậc học, mà còn nhiều trung tâm tiếng Anh được mở ra để đáp ứng nhu cầu học tiếng Anh của nhiều lứa tuổi khác nhau. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM hiện có hơn 450 trung tâm Anh ngữ và hơn 50 trường học cung cấp chương trình quốc tế”, bà Quế Vũ nói.
Thị trường edtech sẽ có quy mô lên đến 4 tỷ USD
Lĩnh vực giáo dục được các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước rất quan tâm. Một số khoản đầu tư tư nhân đáng chú ý có thể kể đến là Mekong Capital đầu tư vào Yola, TGP đầu tư vào VAS, Cognita đầu tư vào Trường Quốc tế TP.HCM, IAE đầu tư vào Đại học Western, EQT đầu tư vào Anh văn Hội Việt Mỹ, North Anglia tiếp quản BIS, KKR đầu tư vào EQuest.
Ông Nguyễn Trí Hiển, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ giáo dục Thiên Hà Xanh cho biết, thị trường edtech của Việt Nam đã thu hút khoảng 45 triệu USD vốn đầu tư trong năm 2020, chưa kể các giao dịch không được tiết lộ. Nhiều công ty nước ngoài đã tích cực giới thiệu công nghệ giáo dục của họ tại Việt Nam. Một loạt nền tảng edtech mới đã được tung ra thị trường để đáp ứng nhu cầu học tập trực tuyến đang gia tăng.
“Thị trường edtech ước tính sẽ đạt 4 tỷ USD vào cuối năm nay”, ông Hiển nhận định.
Gần đây nhất, Astrid, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực dạy tiếng Anh đến từ Thụy Điển đã chính thức tham gia thị trường Việt Nam. Ứng dụng của công ty này có giao diện vui vẻ và hấp dẫn, khuyến khích người dùng chơi và học tiếng Anh.
Trong khi đó, NPX Point Avenue có trụ sở tại Singapore, một công ty edtech cung cấp các dịch vụ giáo dục phổ thông, cũng nhận được 12 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A do Công ty cổ phần tư nhân Gaw Capital của Hồng Kông dẫn đầu. Khoản tài trợ này sẽ giúp Công ty mở rộng hiện diện tại Việt Nam.
Bên cạnh các công ty khởi nghiệp edtech, các chuyên gia cho rằng, đầu tư vào các trường mẫu giáo và trung học sẽ tiếp tục phát triển mạnh, bao gồm các cơ sở mới, các giao dịch mua bán và sáp nhập và cổ phần tư nhân. Phân khúc này được chú ý nhiều hơn bất kỳ phân khúc nào khác trong những năm gần đây và luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư chiến lược và tài chính.
Một phân khúc tiềm năng khác để đầu tư là giáo dục đại học (cao đẳng, đại học). Một báo cáo cho thấy, các gia đình Việt Nam thường dành một nửa thu nhập để cho con đi du học tại các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài. Mỗi năm, người Việt Nam chi 3 tỷ USD cho giáo dục ở nước ngoài. Nếu thị trường giáo dục đại học của Việt Nam có thể cải thiện chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, thì rất nhiều sinh viên Việt Nam sẽ cân nhắc học tập trong nước, thay vì ra nước ngoài.