Doanh nghiệp
Công nghệ “phá bĩnh”, đòn bẩy tăng năng suất cho Việt Nam
Lê Quân - 23/09/2019 09:46
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Raymond Malon, cố vấn kinh tế cấp cao của Chương trình Cải cách kinh tế Australia - Việt Nam (Aus4Reform) cho rằng, những công nghệ “phá bĩnh” trong cách mạng công nghiệp 4.0 là lời giải cho bài toán nâng cao năng suất của Việt Nam, giúp cởi trói nguồn lực để hướng đến “sân chơi” các quốc gia thu nhập cao.
Ông Raymond Malon, cố vấn kinh tế cấp cao của Chương trình Cải cách kinh tế Australia - Việt Nam (Aus4Reform).

Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lên 18.000 USD vào năm 2030 là khả thi. Theo ông, Việt Nam cần đáp ứng điều kiện gì để đạt được mục tiêu này?

Mục tiêu thu nhập bình quân đầu người 18.000 USD vào năm 2030 (tính theo sức mua tương đương) là khả thi với điều kiện Việt Nam phải có những chính sách phù hợp và diễn biến quốc tế “thuận buồm, xuôi gió”.

Cụ thể, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7,5%/năm. Nếu dân số tăng 1%, thì GDP cần phải bứt tốc lên 8,5%/năm.

Thực tế, chỉ có vài quốc gia Đông Á như Trung Quốc và Hàn Quốc duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như vậy trong nhiều thập kỷ. Việc học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước là rất cần thiết đối với Việt Nam. Trong đó, bài học đáng lưu tâm là chuyển đổi mô hình phát triển mới, tập trung vào nâng cao năng suất. Nghĩa là, khi dư địa tăng trưởng dựa trên tài nguyên trở nên hạn hẹp, thì cần phải chuyển hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các tài nguyên đó.

Việt Nam cần xác định rõ và thực hiện mục tiêu cải cách một cách cụ thể, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên sang mô hình tăng trưởng năng suất cao, dựa vào đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Đổi mới sáng tạo và công nghệ 4.0 được xác định là yếu tố tạo đột phá cho năng suất lao động Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Các quốc gia rơi vào bẫy thu nhập trung bình thường có mức đầu tư thấp, đa dạng hóa các lĩnh vực kinh tế còn hạn chế, tốc độ thay đổi cơ cấu chậm, mức độ bất bình đẳng tương đối cao và thị trường lao động trì trệ...

Thật may, kinh tế Việt Nam không vấp phải những yếu kém đó. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn cần nỗ lực thúc đẩy tăng năng suất và khả năng hấp thụ của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.

Nền kinh tế càng có năng suất cao, đồng nghĩa với việc sử dụng vốn và lao động đạt hiệu quả cao và đi kèm sự thịnh vượng. Có thể thấy rõ điều này trong lập luận của ông Paul Krugman, nhà kinh tế học người Mỹ, đoạt giải Nobel về kinh tế học năm 2008, khi cho rằng, “khả năng cải thiện mức sống của một quốc gia phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc tăng năng suất lao động”.

Các nhà phân tích cho rằng, với sự biến đổi không ngừng của công nghệ, thế giới có thể chứng kiến thêm “cuộc tăng tốc” về năng suất lao động. Những công nghệ “phá bĩnh” như trí tuệ nhân tạo, robot và in 3D đang phát triển chóng mặt và làm thay đổi hệ thống kinh tế và xã hội theo cách khó đoán định. Tuy khó lường, nhưng các công nghệ này vẫn là yếu tố tác động mạnh đến năng suất lao động, nhu cầu nhân lực và thị trường việc làm tại Việt Nam trong tương lai.

Chìa khóa nào để Việt Nam bước vào “sân chơi” các quốc gia thu nhập cao, thưa ông?

Kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, phát triển khu vực tư nhân và nền kinh tế thị trường cạnh tranh là hướng đi tất yếu để huy động đầu tư và khuyến khích sáng tạo đổi mới để tăng năng suất.

Năng suất của Australia tăng cao từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi chủ trương của các nhà lãnh đạo đất nước “giao thoa” với nhu cầu cải cách trên thực tiễn.

Australia và nhiều quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã thành lập ủy ban năng suất quốc gia hoặc các tổ chức tư vấn để tháo gỡ những nút thắt trong năng suất lao động và tạo đồng thuận quốc gia về tăng năng suất.

Việt Nam có thể nghiên cứu và xem xét thành lập một cơ quan bán chuyên trách về nâng cao năng suất, trong đó huy động sự tham gia của 3 bên, gồm Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.

Chẳng có “phương thuốc bách bệnh” hay “viên đạn ma thuật” nào cho công tác quy hoạch chiến lược của Việt Nam trong 5 - 10 năm tới.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các kế hoạch ngắn hạn nên tập trung vào những ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng, đề ra chiến lược để đạt được các mục tiêu đó, giám sát và điều chỉnh chính sách để bắt kịp với sự thay đổi trong nước và quốc tế.

Quá trình này rất cần sự tham gia thường xuyên của các bên liên quan, nhất là phía doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, để “bắt bệnh” các nút thắt, từ đó đề ra “phương thuốc trị bệnh”.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cần tập trung hơn vào xây dựng các thể chế kinh tế thị trường, nuôi dưỡng và chắp cánh cho những ý tưởng mới, đổi mới sáng tạo. Các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý cần phải giữ “độc lập” với các lợi ích kinh tế. Ngoài ra, phải đảm bảo để chính sách và môi trường pháp lý đều hướng đến lợi ích cao nhất - lợi ích quốc gia.

Tin liên quan
Tin khác