Ngân hàng - Bảo hiểm
Công nghệ thúc đẩy tài chính tiêu dùng phát triển
Nhuệ Mẫn - 29/05/2018 18:54
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0, với sự ra đời của một loạt công nghệ đột phá đã và đang khiến các công ty tài chính phải nỗ lực nhiều hơn bao giờ hết để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng ngày càng lớn về chất lượng sản phẩm, cũng như trải nghiệm người dùng trong hoạt động tài chính tiêu dùng.

Công nghệ tối ưu trải nghiệm người dùng

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Dịch vụ tài chính (EY Việt Nam) cho biết, trong vài năm trở lại đây, không chỉ những ngân hàng lớn, mà các công ty tài chính cũng không ngừng đầu tư vào nền tảng công nghệ số nhằm tối ưu trải nghiệm người dùng và quy trình cho vay, từ đó gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường, cũng như mở rộng thị phần trong nước và quốc tế. Chuyển động này đem đến những lợi ích nhất định cho người dùng.

Theo bà Dương, đột phá công nghệ rút ngắn khoảng cách của người vay tiêu dùng với sản phẩm tài chính. Cụ thể, khách hàng ngày nay mong muốn được giải ngân trong vài giờ, thậm chí vài phút, thay vì vài ngày như trước đây.

Đối với quy trình cho vay truyền thống của các ngân hàng, điều này gần như "bất khả thi". Trong khi đó, thời gian phê duyệt khoản vay tại các công ty tài chính ngày càng nhanh chóng nhờ khả năng tích hợp nhiều nguồn thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), danh sách tín dụng đen, lịch sử mua hàng, thanh toán tín dụng và thậm chí là thông tin người dùng từ mạng xã hội…

Ứng dụng riêng của FE Credit trên điện thoại thông minh

“Hiện tại, các công nghệ tiên tiến nhất còn cho phép xử lý tự động một khoản vay trong thời gian vài phút. Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay có thể chủ động đề nghị vay và cung cấp thông tin vay tại bất cứ địa điểm nào và vào bất cứ lúc nào, thay vì phụ thuộc vào giờ làm việc của nhân viên bán hàng/tín dụng như phương thức cho vay truyền thống”, bà Dương nói.

Thực tế, Việt Nam chưa có hình thức cho vay tự động (digital lending) đúng nghĩa. Hiện người vay có thể yêu cầu vay và nhận được kết quả phê duyệt vay thông qua ứng dụng số, mà không cần hẹn gặp mặt và hỗ trợ từ nhân viên của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các công ty tài chính đang ngày một nỗ lực để áp dụng công nghệ tiên tiến nhất cho mục tiêu tăng cường trải nghiệm khách hàng và hiệu quả hoạt động.

"Chẳng hạn, kênh chăm sóc khách hàng trực tuyến trên nền tảng công nghệ của FE Credit giúp khách hàng sử dụng các tiện ích trên nền tảng Zalo, thay vì phải đi đến điểm giao dịch, hoặc gọi vào tổng đài, lên website, hay tải ứng dụng riêng của FE Credit", bà Dương nêu ví dụ.

Bà Đỗ Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Chuyển đổi kinh doanh Home Credit Việt Nam chia sẻ, khi lựa chọn Home Credit là đối tác tài chính, khách hàng sẽ nhận được mọi thông tin cần thiết một cách linh hoạt và chủ động, được phục vụ chu đáo trên mọi phương thức liên lạc. Bà Vân Anh cho biết, khách hàng có thể dễ dàng cài đặt ứng dụng Home Credit trên điện thoại thông minh và thanh toán bằng cách quét mã QR, đồng thời dễ dàng theo dõi tình trạng thanh toán và các dịch vụ khác trên ứng dụng này.

“Tận dụng sức mạnh của công nghệ đã và đang mang lại các trải nghiệm thú vị cho khách hàng. Tiếp cận khách hàng tiềm năng qua ứng dụng công nghệ khẳng định sự nhạy bén của các công ty tài chính trong tham vọng chinh phục thị trường tài chính tiêu dùng tiềm năng, với phần lớn khách hàng trẻ.

Vài năm gần đây, thị trường này phát triển thần tốc, trong khi ngân hàng còn đối mặt với những hạn chế nhất định về tín dụng tiêu dùng, hệ thống công nghệ thông tin kế thừa cồng kềnh, thì các công ty tài chính đã nhanh chân tiếp cận và tạo niềm tin với khách hàng”, bà Dương nhấn mạnh.

FinTech cho vay tiêu dùng: Chào đón và thận trọng

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, các công ty FinTech đang thâm nhập ngày càng sâu vào thị trường tài chính Việt Nam. Những công ty này là “phiên bản tài chính” của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại như kỹ thuật blockchain để cung cấp dịch vụ tài chính.

Thực chất, các công ty FinTech không phải là những định chế tài chính như ngân hàng hay các công ty tài chính. Họ không huy động vốn trực tiếp từ các thành phần kinh tế và cho vay trực tiếp các thành phần kinh tế khác, mà là một trung gian tài chính để các thành phần kinh tế kết nối trực tiếp với nhau.

TS. Hiếu cho biết, các công ty FinTech có vai trò kết nối những thành phần kinh tế một cách ngang hàng với nhau (gọi là chương trình "P2P lending on line”).

Những hoạt động này bổ sung cho những hoạt động tín dụng của các ngân hàng và công ty tài chính, nhưng khác biệt ở chỗ, các khách hàng của chương trình P2P sẽ tự cho nhau vay mà không thông qua việc gửi tiền vào ngân hàng hay công ty tài chính, để rồi từ đó ngân hàng hay công ty tài chính tìm người đi vay để cho vay.

Nhiều công ty FinTech trở thành “Uber” hay “Grab” trong lĩnh vực tài chính. Hình thức kết nối này chưa được luật pháp thừa nhận và quy định một cách cụ thể, mặc dù nhiều công ty FinTech đã và đang hoạt động tích cực.

Rủi ro cho người cho vay và người đi vay là những giao dịch này thường là những hợp đồng dân sự, hay đôi khi chỉ là những thỏa thuận không có văn tự, được các bên thỏa thuận mà không chịu sự quản lý bởi các quy định của Ngân hàng Nhà nước và quy định khác của pháp luật liên quan đến tín dụng cá nhân.

“Điều này có thể dẫn đến những rủi ro như cho vay nặng lãi, không minh bạch và gian lận trong việc tính lãi suất, những điều kiện cho vay mang tính tín dụng đen và lừa đảo. Đặc biệt, việc thu hồi nợ có thể rất tùy tiện theo sự hiểu biết và giải thích của các bên, thậm chí có khả năng vượt ra ngoài các giới hạn của luật pháp và thông lệ thị trường”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng: “Tài chính tiêu dùng vẫn còn là vấn đề mới, không chỉ với khách hàng, mà còn với người cho vay và cơ quan quản lý. Trong khi đó, ngày càng có những vấn đề phát sinh như FinTech cho vay tiêu dùng, cho vay ngang hàng (P2P)… đặt ra những yêu cầu, thách thức cho cơ quan quản lý trong việc đảm bảo an toàn cho cả người đi vay, người cho vay và hệ thống tiền tệ. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước đã, đang và sẽ phải cố gắng, cũng như cần thêm thời gian để hoàn thiện văn bản pháp lý liên quan đến những vấn đề này".

Tin liên quan
Tin khác