Năm 2013, lạm phát 7%, lương tối thiểu tăng 9,5%; năm 2014, lạm phát mục tiêu là 7%, nếu không tăng lương tối thiểu, thì thu nhập của công chức, viên chức bị giảm. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tính đến điều này chưa, thưa ông?
Ủy ban Tài chính - Ngân sách và các bộ, ngành cũng đã tính toán, nhưng do thu ngân sách quá khó khăn, nên trước mắt, lương tối thiểu cứ tạm giữ 1,15 triệu đồng/tháng. Trong bối cảnh thu chi khó khăn mà giữ được mức lương tối thiểu như trên đã là cố gắng rất lớn của Bộ Tài chính.
| ||
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển |
Trước mắt có thể là như vậy, nhưng giả sử năm 2014 hoặc năm 2015, thu ngân sách khả quan hơn, thì lộ trình tăng lương tối thiểu chắc phải được đặt ra?
Chúng tôi cũng mong như vậy, nhưng nói thật là… rất khó, vì huy động từ thuế, phí vào ngân sách những năm trước đây thường tương đương 23-24% GDP, có những năm lên tới 26-27% GDP, nhưng mấy năm gần đây giảm rất mạnh, để tăng sức cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích người dân bỏ vốn ra làm ăn, thực hiện cam kết quốc tế.
Cụ thể, năm 2011, huy động từ thuế và phí vào ngân sách bằng 22% GDP, năm 2012 giảm xuống chỉ bằng 20% GDP, năm 2013 bằng 18,4% và năm 2014 chỉ bằng 17,4% GDP.
Tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách so với GDP giảm, nhưng GDP tăng liên tục, năm 2013 tăng 5,4% và năm 2014 dự kiến tăng 5,8%, có nghĩa là về tuyệt đối, ngân sách vẫn tăng, thưa ông?
Nhưng ngân sách còn biết bao nhiêu khoản phải chi không thể cắt giảm, thậm chí nhiều khoản còn phải tăng chi như chính sách cho người có công; xóa đói giảm nghèo; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi; chi trả nợ gốc và lãi các khoản trước đây đã huy động để đầu tư…
Với các sắc thuế và thuế suất hiện hành, tốc độ tăng trưởng GDP như dự kiến, ngân sách không những đã phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu thường xuyên; cắt giảm chi hội họp, đi công tác, mua sắm ô tô…, mà cực chẳng đã, còn phải cắt giảm cả khoản chi cho đầu tư phát triển từ 201.600 tỷ đồng năm 2013 xuống chỉ còn 156.000 tỷ đồng năm 2014.
Đây là mức đầu tư thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (năm 2012 đầu tư 195.000 tỷ đồng, năm 2011 là 193.800 tỷ đồng), dù mức trần bội chi sẽ được điều chỉnh lên 5,3% GDP.
Như vậy thì đến bao giờ mới hoàn thành bước 1 lộ trình cải cách tiền lương là “lương tối thiểu phải bảo đảm cuộc sống tối thiểu”?
Về cá nhân, tôi rất muốn nâng lương tối thiểu, thậm chí cần phải đẩy mạnh hơn nữa lộ trình cải cách tiền lương. Nhưng, như tôi đã nói ở trên, trong bối cảnh này, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải chia sẻ khó khăn với ngân sách.
Nâng lương tức là đầu tư cho con người, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng. Không nâng lương có nghĩa là đi ngược nguyên tắc này, ông có nghĩ như vậy không?
Ai cũng hiểu như vậy, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn này lấy gì để nâng lương, không thể in thêm tiền hay vay nợ để nâng lương và cũng chẳng ai cho mình vay nợ để làm điều này. Giải pháp tối ưu nhất vào lúc này là khu vực hành chính, sự nghiệp phải chia sẻ với ngân sách nhà nước, phải thắt lưng buộc bụng.
Về lâu dài, công chức, viên chức không thể thắt lưng buộc bụng mãi khi lạm phát cứ tăng ít nhất 6-7%/năm...?
Chính phủ sẽ mạnh tay cắt giảm bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả tới mức như nhiều người nói, hiện có tới 30 - 40% số công chức “có cũng như không”.
Phải thực hiện quyết liệt việc tinh giảm bộ máy hành chính thì mới có tiền trả tương xứng cho những người làm việc trong bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công được.
Mạnh Bôn