Thời sự
Tranh cãi “nảy lửa” về lương tối thiểu vùng năm 2014
Phan Long - 06/09/2013 12:54
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp hàng chục phiên về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2014. Đại diện giới chủ và người lao động tranh cãi “nảy lửa”, còn kết quả cuối cùng sẽ trong tháng 9 này.
Cơ quan đại diện người lao động đề nghị tăng từ 21-36%, phía giới chủ |phản đối kịch liệt và đề nghị chỉ tăng hơn 10%

Trao đổi với báo phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn ngày 6/9, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Phạm Minh Huân cho biết, dù vừa mới ra mắt được tròn 1 tháng (6/8), tuy nhiên Hội đồng đã có rất nhiều phiên họp bàn “nảy lửa” về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2014.

Tại các cuộc họp, các cơ quan đại diện giới chủ sử dụng lao động, người lao động và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đều đã đưa ra các phương án đề xuất tăng lương theo tính toán của mình.

Về phía đại diện người lao động, dựa trên kết quả khảo sát tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động 6 tháng đầu năm 2013 của Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề xuất hai phương án tăng.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Mai Đức Chính cho biết, qua tính toán, mức sống tối thiểu của người lao động năm 2014 từ vùng I đến vùng IV sẽ là: 4,113 - 3,41 - 3,014 và 2,435 triệu đồng/tháng.

Vì vậy, phương án một, theo đề xuất của cơ quan này, sẽ tăng lương tối thiểu từ 24-36% (450 - 850 nghìn đồng) so với hiện nay, nhằm đáp ứng từ 77 - 84% mức sống tối thiểu của người lao động.

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng I sẽ tăng từ 2,35 triệu đồng hiện nay lên 3,2 triệu, vùng II từ 2,1 triệu lên 2,75 triệu, vùng III từ 1,8 triệu lên 2,4 triệu, vùng IV từ 1,650 triệu lên 2,05 triệu.

Theo phương án, mức tăng sẽ thấp hơn, từ 21-32% (bằng 350-750 nghìn đồng) nhằm đáp ứng từ 75-82% nhu cầu sống tối thiểu. Cụ thể, lương tối thiểu từ vùng I đến vùng IV lần lượt là: 3,1 - 2,65 - 2,3 và 2 triệu đồng/tháng.

Về mức lương đề xuất của các cơ quan đại diện giới chủ sử dụng lao động cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Phạm Minh Huân từ chối tiết lộ.

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, mức lương cao nhất là của vùng I cho năm 2014 mà các đại diện giới chủ đưa ra chỉ có 2,6 triệu đồng/tháng, tức là tăng 250 nghìn đồng/tháng so với mức hiện tại là 2,35 triệu đồng/tháng, bằng khoảng hơn 10%.

“Tại các phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, đại diện giới chủ kêu ca rất nhiều về tình trạng khó khăn hiện nay, cũng như phản bác kịch liệt về mức lương đề xuất của Tổng Liên đoàn, vì cho rằng tăng như vậy là quá cao”, ông Mai Đức Chính chia sẻ.

Theo ông Chính, các con số đề xuất của Tổng Liên đoàn đều dựa trên kết quả khảo sát cụ thể, đồng thời, phải tăng như vậy mới đảm bảo lộ trình tăng lương mà Chính phủ đã thông qua là đến năm 2015, lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.

“Cách đây vài tháng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, do tình trạng khó khăn nên có thể giãn lộ trình này đến năm 2017. Nhưng phía doanh nghiệp lại muốn kéo dài lộ trình này đến tận năm 2020. Đến nay, Chính phủ vẫn chưa đưa ra một mốc cụ thể nào, nên chúng tôi cứ bám vào mốc 2015 để tính toán, cố gắng đảm bảo tốt hơn đời sống người lao động”, ông Chính nói.

Theo ông Chính, dù mức tăng lương tối thiểu cao nhất cho vùng I lên 3,2 triệu đồng/tháng cũng vẫn chỉ mang tính chất danh nghĩa, bởi hiện mức lương bình quân mà các doanh nghiệp trả cho người lao động đã cao hơn 3,2 triệu đồng/tháng từ lâu.

Tăng lương tối thiểu tăng cũng chỉ lấy đó làm tham chiếu để đóng các loại bảo hiểm cho lao động, còn lương thực lĩnh của người lao động vẫn vậy. Chính trong các cuộc họp, đại diện Tập đoàn Dệt may cũng đã khẳng định, từ lâu, lương trung bình mà các doanh nghiệp của họ trả cho người lao động đều ở mức từ 4 triệu đến hơn 5 triệu đồng/tháng.

“Thế nên chi phí tăng phát sinh đối với doanh nghiệp chỉ là phần trăm đóng bảo hiểm trên số lương tối thiểu tăng thêm, sẽ không quá sức như họ kêu ca”, ông Chính lý giải.

Từ chối cung cấp thông tin cụ thể, tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, vai trò của Hội đồng Tiền lương là họp bàn, lắng nghe tiếng nói các bên để đưa ra con số phù hợp.

Vì thế, theo thông lệ, các con số được chọn cuối cùng có thể sẽ ở khoảng giữa, làm sao đảm bảo tối đa quyền lợi của cả người lao động, doanh nghiệp cũng như phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô.

Tăng quá cao ngay lập tức cũng sẽ có những hệ lụy phát sinh, không chỉ gây khó cho doanh nghiệp, mà chính người lao động cũng sẽ chịu áp lực. Khi giới chủ mất thêm chi phí, họ sẽ tìm cách bù đắp bằng việc siết chặt, nâng định mức lao động, người lao động sẽ vất vả hơn.

“Hiện các doanh nghiệp, đặc biệt là khối có vốn đầu tư nước ngoài đang kêu rất nhiều, khi cho rằng năm nào Chính phủ cũng tăng lương, gây áp lực cho họ. Sắp tới chúng tôi sẽ liên tục phải tiếp các doanh nghiệp để bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, trong tháng 9, Hội đồng vẫn sẽ cố gắng chốt mức tăng cuối cùng để trình Chính phủ quyết định, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị”, Thứ trưởng Huân khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác