| ||
Ông Phạm Minh Huân khẳng định, năm 2014 lương tối thiểu vùng khối doanh nghiệp chắc chắn sẽ tăng |
Trao đổi với Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn bên hành lang Lễ ra mắt Hội đồng Tiền lương Quốc gia sáng nay (6/8), Tân Chủ tịch Hội đồng Phạm Minh Huân cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Lễ ra mắt, Hội đồng sẽ nhanh chóng họp bàn để thảo luận và quyết định phương án lương tối thiểu vùng khối doanh nghiệp cho năm 2014.
Ông Huân cho biết, kể từ nay, Chính phủ sẽ nhận được những tư vấn trực tiếp về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu khối doanh nghiệp từ Hội đồng Tiền lương Quốc gia, thay cho cơ chế tư vấn gián tiếp cũ (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tự nghiên cứu, đưa ra các mức tăng lương, trình Chính phủ xem xét, quyết định).
Với thành phần Hội đồng gồm 15 thành viên là các đại diện giới chủ sử dụng lao động, công đoàn và cơ quan đại diện Chính phủ, tiền lương tối thiểu sẽ được thảo luận trên cơ chế tham vấn.
Để quyết định mức điều chỉnh lương tối thiểu, Hội đồng sẽ họp để đại diện ba bên tự đưa ra mức tăng mong muốn rồi cùng bàn bạc dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô, khả năng của doanh nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng và mức sống tối thiểu của người lao động.
Từ những số liệu tham chiếu đó, các bên sẽ thảo luận và thống nhất một phương án hợp lý nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích của cả người lao động lẫn giới chủ cũng như phù hợp với tình hình kinh tế để Hội đồng trình Chính phủ quyết định.
Vì vậy, theo ông Huân, dự tính mức lương tối thiểu vùng năm 2014 như thế nào hiện chưa thể trả lời. “Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là lương tối thiểu vùng sẽ phải tăng”, ông Huân khẳng định.
Ngoài ra, dù khủng hoảng kinh tế vẫn đang tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng lương tối thiểu khối doanh nghiệp hiện vẫn thấp, chỉ đáp ứng khoảng 60% đời sống người lao động nên không thể không tăng.
“Chính phủ cũng đã thông qua lộ trình tăng lương tối thiểu vùng đến năm 2015 phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Hiện doanh nghiệp đang khó khăn thì có thể xem xét giãn lộ trình này, giảm mức tăng hàng năm cho phù hợp, còn việc tăng chắc chắn vẫn phải làm”, ông Huân nhấn mạnh lại.
Ngay trong Dự thảo Luật Tiền lương tối thiểu đang được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng, dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua vào năm 2014 cũng đã đề xuất cơ chế tiền lương phù hợp hơn.
Trong đó, tiền lương tối thiểu sẽ không buộc phải điều chỉnh hàng năm như hiện nay, thay vào đó việc có quyết định tăng hay không phụ thuộc vào các điều kiện thực tế của nền kinh tế, “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng như mức sống của người lao động.
Quy định này của Dự thảo Luật Tiền lương tối thiểu cũng như cơ chế tham vấn về tiền lương của Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp, khi mà họ có thể góp ý trực tiếp hơn trong việc điều chỉnh tiền lương để bảo vệ quyền lợi của mình.
Quan điểm này cũng được ông Phạm Gia Túc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng là một trong các cơ quan đại diện cho giới chủ sử dụng lao động góp mặt trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia khẳng định.
“Lương tối thiểu của người lao động còn thấp hơn mức sống tối thiểu, nên việc lương tối thiểu tiếp tục phải tăng lên là việc các doanh nghiệp đều khá đồng thuận. Vấn đề là tăng bao nhiêu, tăng vào thời điểm nào để không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và sự tồn tại của doanh nghiệp”, ông Túc cho biết.
Nếu lương tăng quá nhanh vào thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đang chật vật đối phó với khủng hoảng kinh tế có thể sẽ phải đóng cửa. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực.
“Tất nhiên, lao động giá rẻ không phải là lợi thế cạnh tranh bền vững để bám mãi vào đó mà phải cải thiện năng suất lao động, thay đổi công nghệ. Nhưng những yếu tố Việt Nam cải thiện rất chậm nên tiền lương thấp vẫn đang là một lợi thế của Việt Nam”.
Theo ông Túc, nói như vậy để thấy rằng, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu bị chi phối bởi nhiều yếu tố, hoàn toàn không phải là điều đơn giản. “Trong các cuộc họp bàn về lương tối thiểu vùng cho năm 2014 sắp tới, chúng tôi cũng sẽ có những quan điểm của mình, sao cho Hội đồng có thể chọn được mức tăng phù hợp nhất”, ông Túc nói.
Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, kinh nghiệm hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia của Hàn Quốc cho thấy, để quyết định được mức điều chỉnh lương, phía Hàn Quốc đã phải mất tới 12 phiên họp, tranh cãi căng thẳng.
“Giới chủ luôn muốn lương tăng thấp, còn người lao động lại muốn cao. Nên xây dựng cơ chế tiền lương chưa bao giờ là việc đơn giản. Các cuộc họp tới đây của Hội đồng chắc chắn cũng sẽ không thiếu sự căng thẳng”, ông Huân dự đoán.
Phan Long