| ||
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất hai phương án lương tối thiểu năm 2014, tăng thêm từ 21-32% và 24-36% |
Theo kết quả khảo sát được Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện tại 68 doanh nghiệp tại các thành phố lớn, tiền lương trung bình năm 2013 của người lao động tại các doanh nghiệp đạt 3,667 triệu đồng/tháng.
Trong đó, lần lượt từ vùng I đến vùng IV là: 4,037 triệu đồng/tháng, 3,830 triệu đồng/tháng, 3,80 triệu đồng/tháng và 3,312 triệu đồng/tháng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có tới 62% người lao động có mức lương dưới 4 triệu đồng/tháng và 5,2% có lương dưới 2 triệu đồng/tháng.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, tiền lương của người lao động tại các khu công nghiệp gần như chỉ đủ chi chi phí thuê nhà và sinh hoạt thiết yếu, họ hầu như không có tích lũy.
Theo tính toán của Viện Công nhân - Công đoàn, mức sống tối thiểu của người lao động trong năm 2013 là 3,278 triệu đồng/tháng nếu tính cả chi phí nuôi con, nếu không tính chi phí nuôi con là 1,928 triệu đồng/tháng.
Theo dự báo của Viện Công nhân-Công đoàn, mức sống tối thiểu năm 2014 lần lượt từ vùng I đến vùng sẽ là 4,113 triệu đồng/tháng, 3,41 triệu đồng/tháng, 3,014 triệu đồng/tháng và 2,435 triệu đồng/tháng.
Dựa vào con số dự báo trên, Viện Công nhân - Công đoàn đề xuất hai phương án tăng lương tối thiểu vùng. Trong đó, phương án sẽ tăng thêm từ 400.000-850.000 đồng so với hiện nay, bằng khoảng 24-36%, nhằm đáp ứng khoảng 77-84% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong năm 2014.
Theo đó, lương tối thiểu từ vùng I đến vùng IV sẽ tăng lần lượt từ 2,35 đồng lên 3,2 triệu đồng, vùng II từ 2,1 triệu đồng lên 2,75 triệu đồng, vùng III từ 1,8 triệu đồng tăng lên 2,4 triệu đồng, vùng IV từ 1,650 triệu đồng lên 2,05 triệu đồng.
Với phương án hai, Viện Công nhân - Công đoàn đề xuất mức tăng thấp hơn, từ 350.000 - 750.000 đồng (bằng khoảng 21-32%) so với hiện nay, đáp ứng khoảng 75-82% nhu cầu sống tổi thiểu của người lao động.
Theo phương án này, lương tối thiểu vùng I tăng lên 3,1 triệu đồng, vùng II tăng lên 2,65 triệu đồng, vùng III tăng lên 2,3 triệu đồng, vùng IV tăng lên 2 triệu đồng.
Hai phương án tiền lương nói trên sẽ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất với Hội đồng tiền lương Quốc gia. Tuy nhiên, với cơ chế hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa được chính thức ra mắt hồi cuối tháng 7 vừa qua, từ nay, để đưa ra được mức tăng lương tối thiểu khối doanh nghiệp, các đại diện giới chủ sử dụng lao động và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ đưa ra mức tăng lương do mình đề xuất, sau đó tổ chức họp bàn để thống nhất một mức lương chung, trình Chính phủ xem xét quyết định.
Mà việc này, nói như Chủ tịch Hồi đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, "sẽ phải mất rất nhiều cuộc họp nảy lửa mới có thể đi đến quyết định cuối cùng, bởi doanh nghiệp đều muốn tăng ít, người lao động lại muốn tăng nhiều, còn Chính phủ thì vừa phải cân nhắc quyền lợi của cả hai bên, vừa phải dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô cũng như sức chịu đựng của doanh nghiệp".
Theo ông Huân, dự kiến trong tháng 10 tới đây Hội đồng Tiền lương Quốc gia mới có thể trình mức tăng lương cụ thể cho năm 2014 để Chính phủ quyết định.
Phan Long