| ||
Lương tối thiểu của người lao động khu vực nhà nước chỉ đáp ứng 30% mức sống tối thiểu. Ảnh: Đức Thanh |
Mặc dù, từ ngày 1/1/2013, lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp đã được điều chỉnh tăng thêm 17%, song theo khảo sát mới nhất của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), lương tối thiểu hiện cũng chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu sống tối thiểu.
Lương tối thiểu của người lao động khu vực nhà nước năm 2013 cũng chẳng khá hơn. Dù được điều chỉnh tăng thêm 100.000 đồng, đạt mức 1,15 triệu đồng/tháng, nhưng theo tính toán, mức lương này cũng chỉ đáp ứng hơn 30% nhu cầu sống tối thiểu. Và, dẫu chỉ tăng có 100.000 đồng, nhưng thời điểm áp dụng tăng lương cũng phải lùi đến tận ngày 1/7/2013, thay vì áp dụng từ đầu năm, hoặc ngày 1/5 như mọi khi.
Kết quả khảo sát này hoàn toàn không mới, nó gần như là một “điệp khúc” lặp đi, lặp lại nhiều năm nay, phản ánh thực trạng tiền lương không đủ để người lao động trang trải cuộc sống tối thiểu.
Vấn đề nằm ở chỗ, cải cách tiền lương hay điều chỉnh tiền lương tối thiểu không chỉ phụ thuộc vào mức sống của người lao động.
Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu khu vực nhà nước phải phụ thuộc vào ngân sách, còn lương khu vực doanh nghiệp lại phụ thuộc vào kết quả sản xuất - kinh doanh, năng suất lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Trong khi đó, bức tranh kinh tế - xã hội năm 2012 và quý I năm nay cho thấy nhiều vấn đề quan ngại, khi hầu hết các chỉ số kinh tế quan trọng đều giảm. Tốc độ tăng GDP năm 2012 là 5,03%, giảm so với 5,89% năm 2011. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP trong hai năm qua lần lượt giảm dần, xuống mức 36,4% và 29,5%. Chỉ có một con số tăng, đó là tỷ lệ doanh nghiệp khó khăn, phải giải thể hoặc phá sản.
Để tăng được 100.000 đồng lương tối thiểu khu vực nhà nước mỗi tháng, ngân sách đã phải chi thêm 21.700 tỷ đồng, đổi bằng việc cắt giảm chi thường xuyên. Vì vậy, đề xuất tăng thêm 250.000 đồng lương tối thiểu/tháng đã không thể thực hiện được do vượt quá khả năng chi trả của ngân sách.
Lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp cũng chỉ có thể tăng 17%, thay vì 35-37% như dự kiến ban đầu. Nếu điều chỉnh lương tối thiểu tăng theo đúng lộ trình, hoặc ngay lập tức ngang bằng với mức sống tối thiểu của người lao động vào thời điểm này, doanh nghiệp sẽ phá sản hàng loạt, tình trạng thất nghiệp sẽ tăng cao kỷ lục, phá vỡ kết cấu nền kinh tế.
Do vậy, mỗi năm lương chỉ tăng nhỏ giọt, tốc độ tăng lương không bằng với tốc độ lạm phát và tăng giá của các mặt hàng thiết yếu. Mỗi lần tăng lương lại có hàng chục cuộc họp, nghiên cứu, lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp được tổ chức. Tuy nhiên, mức lương và mức sống tối thiểu vẫn nằm cách xa nhau.
Đề án Cải cách tiền lương giai đoạn 2013-2020 sau nhiều lần trì hoãn cũng chưa thể trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 7 đang diễn ra. Thế nên, bao giờ lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động vẫn là điều xa xôi.
Phan Long