Không có bạo lực song còn phản cảm
Theo ghi nhận, ngay từ sáng sớm ngày mùng 6 Tết Bính Thân, đoạn đường từ Quốc lộ 3 dẫn vào đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) đã chật cứng người đổ về. Lượng người kéo về đây càng lúc càng đông, ước tính lên tới cả chục ngàn người. Năm nay, Ban Tổ chức hội đã thắt chặt an ninh, bố trí lực lượng công an, bảo vệ và tình nguyện viên từ rất sớm. “Tiêu điểm” được bảo vệ chặt nhất là các cống vật hay bị tranh cướp như hoa tre, trầu, cau… được canh chừng với lớp bảo vệ là tình nguyện viên mặc lễ phục và lực lượng an ninh tạo thành 2 vòng ngăn cách giữa người xem và kiệu khiêng lễ vật. Vì vậy, đây là năm đầu tiên sau hàng chục năm, giò hoa tre sau khi tế Đức Thánh tại đền Thượng đã an toàn tuyệt đối trở về đền Hạ (đền Trình) theo đúng kịch bản.
Lễ hội Chùa Hương năm nay đã được tổ chức chuẩn bị chu đáo hơn các năm trước. |
Mặc dù không có cảnh xô xát giữa những người hành lễ và du khách, nhưng vẫn có những hình ảnh phản cảm khi hàng trăm thanh niên lao vào cướp lộc đầu năm, vì cho rằng, làm được như vậy, cả năm sẽ gặp nhiều may mắn. Nhiều thanh niên vì muốn chọn chỗ thuận tiện để cướp lộc, hoặc chỉ để xem lễ và ghi lại khoảnh khắc cướp lộc đã trèo lên cây, tường bao, thậm chí đứng cả lên bệ thờ ở đền Trình.
Theo quy định của Ban Tổ chức, năm nay các thanh niên không được mang gậy đến lễ hội nên không còn cảnh đánh nhau, xô xát như năm 2015, nhưng lực lượng an ninh đã phải làm việc hết sức vất vả để bảo vệ trật tự và ngăn chặn những hành vi quá khích.
Tại điểm chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, Bắc Ninh), mặc dù đã qua ngày hội chính (mùng 1 Tết), nhưng du khách thập phương vẫn ùn ùn kéo về do rơi vào đợt nghỉ kéo dài.
Các gian hàng cờ bạc trá hình thông qua các hình thức vui chơi có thưởng như bắn súng, phi tiêu, ném bóng, lăn bóng, giải cờ thế ăn tiền… vẫn mọc lên như nấm.
Ngoài những ồn ã, hỗn loạn, việc buông lỏng quản lý các dịch vụ trông giữ xe máy, ô tô và kinh doanh ăn uống cũng tạo nên những “hạt sạn khủng”. Theo phản ánh, giá một suất ăn không mấy ngon lành cũng lên đến 100.000 đồng, giá gửi xe đạp điện là 20.000 đồng, xe máy và ô tô cao hơn nhiều.
Tình trạng rải tiền lẻ tại các tượng Phật, kẹp tiền vào tay Phật vẫn còn khiến những người phục vụ chùa liên tục phải đi thu gom, mặc dù chùa đã có quy định nghiêm cấm, nhưng du khách vẫn phớt lờ các quy định đó.
Xung quanh việc rải tiền lẻ tại các chùa, PGS - TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng: “Việc rải tiền đã làm mất đi giá trị thiêng ở nơi thờ tự, bởi hình như họ cũng muốn gắn cho thần thánh những điều phàm tục là, nhận nhiều tiền thì phải ban nhiều lộc cho họ”.
Tại điểm mở hội đầu xuân khác là chùa Hương, theo phản ảnh của một số du khách đi khai hội chùa Hương năm nay đã không còn tình trạng cò mồi, lái đò chèo kéo khách và không có hình ảnh các quán ăn treo thịt thú rừng và các loại thịt gia súc, gia cầm tại lễ hội như những năm trước. Dù Ban Tổ chức chuẩn bị kỹ lưỡng, song vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khách và tình trạng tắc đò tại suối Yến vẫn diễn ra. Tình trạng quá đông khách cũng dẫn tới nhiều khách cả trẻ em, người lớn và thậm chí người già cũng leo trèo để tìm đường đi tắt cho nhanh.
Trao đổi với phóng viên trước đó, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương cho biết, Ban Tổ chức đã bố trí 15 tổ tuần tra trong toàn bộ khu vực lễ hội để tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời những tình hình an ninh trật tự mà có thể xảy ra, đồng thời cũng đã có những tình huống đặt ra và được tập huấn trước khi vào hội ví dụ như công tác phòng cháy, cháy nổ, hoặc chen lấn xô đẩy chỗ đông người hay đắm đò.
Tại lễ hội chợ Viềng (Nam Định) vừa diễn ra tối mùng 7, rạng sáng ngày 8 tháng Giêng, một số hình ảnh phản cảm cũng diễn ra như người ăn xin cả trẻ em, người lớn với những hình ảnh tật nguyền nằm lăn ra đất xin tiền, nhiều người mặc quần áo tu hành đi khất thực. Dịch vụ đổi tiền lẻ xuất hiện ngay ở ngay phủ chính Đền Thượng.
Trước những hình ảnh phản cảm của lễ hội, Phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Phạm Xuân Phúc cho rằng, lễ hội là hoạt động mang tính văn hóa cao, nên nếu kiểm tra phát hiện những hành vi chưa phù hợp cũng chỉ nhắc nhở.
Lễ hội Việt: không hấp dẫn khách quốc tế
Theo ghi nhận từ hoạt động của các công ty du lịch, tour tâm linh đã được hầu hết các đơn vị lữ hành triển khai mạnh mẽ. Trong đó, chùm tour hành hương miền Bắc có số lượng khách đông nhất là các điểm đến Bái Đính, Tràng An, Yên Tử, Chùa Hương.
Tuy nhiên, nhóm tour tâm linh đứng đầu dịp sau Tết Bính Thân tại Vietrantour lại là tour đi Thái Lan, Myanmar, trong khi các điểm lễ chùa trong nước chỉ có trong chùm sản phẩm tour một ngày như Tràng An - Bái Đính, Yên Tử, Cao Bằng - Lạng Sơn... Tại Vietravel, mặc dù chiếm khoảng 30 - 40% tổng lượng khách đăng ký tour sau Tết và được dự kiến tăng nhẹ khoảng 10-15%, nhưng chỉ là khách nội địa.
Lý giải việc các công ty lữ hành không khai thác dòng khách nước ngoài tới Việt Nam mùa lễ hội. Ông Trần Tuấn Anh, Phó giám đốc Vietravel Hà Nội cho rằng, nhiều công trình văn hóa, di tích xuống cấp, nếu được trùng tu cũng không đảm bảo phục nguyên do bị bê tông hóa.
Cùng với đó, hệ lụy từ việc quản lý văn hóa kém dẫn tới tình trạng buôn bán, chèo kéo, thương mại hóa, ý thức của người hành hương kém… đã dần làm “tính thiêng” của các di tích vốn mang giá trị văn hóa tâm linh mất dần, khiến các đơn vị kinh doanh không thể tiến hành quảng bá.
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng kỳ vọng, những hoạt động thắt chặt khâu quản lý lễ hội từ các cấp chính quyền địa phương cùng với việc giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa tại các khu di tích, nơi tôn nghiêm… sẽ là những tín hiệu đầu tiên cho các kế hoạch xây dựng, xúc tiến có hiệu quả.