Vượt trội đến đâu?
Hàng loạt chính sách kinh tế - xã hội vượt trội cho các đặc khu đã được ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề cập tại Hội thảo “Chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”, tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội.
Theo đó, có 5 nhóm chính sách được Ban soạn thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dự thảo, trong đó có nhóm chính sách và thủ tục đầu tư kinh doanh; nhóm chính sách về việc mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở. Ngoài ra, còn nhóm chính sách để huy động nguồn lực và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; cũng như nhóm chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất vượt trội quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu trên thế giới để thu hút đầu tư…
Vân Đồn - một trong 3 đặc khu đang được Việt Nam xây dựng. |
Một cách hồ hởi, ông Trần Duy Đông cho biết, rất nhiều chính sách trong số này sẽ lần đầu tiên được áp dụng tại các đặc khu. Chẳng hạn, Luật Đầu tư quy định Danh mục 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt rút gọn xuống còn 108 ngành nghề.
Hoàn toàn gỡ bỏ những hạn chế, phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài; thủ tục đầu tư nhanh gọn, giải quyết một cửa tại chỗ. Một trong số những chính sách vượt trội khác là nhà đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản trên đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam và thậm chí, với một số ngành nghề ưu tiên, nhà đầu tư có thể có thời hạn sử dụng đất lên tới 99 năm. Chưa kể, còn những cơ chế đặc thù cho riêng các đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong, dựa trên các ngành nghề được lựa chọn là ưu tiên phát triển.
“Chỉ kém hơn so với một số thiên đường thuế, còn tất cả các chính sách được đề xuất trong Dự thảo Luật là vượt trội so với trong nước và đảm bảo cạnh tranh quốc tế, song cũng không quá tràn lan. Một số ưu đãi cao nhất chỉ dành cho các ngành nghề ưu tiên phát triển”, ông Đông nói.
Các đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ dư luận và các chuyên gia. Ông Nguyễn Đình Chúc, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, Dự luật là “một đột phá”. “So sánh thì có thể thấy, các chính sách kinh tế - xã hội, ưu đãi đầu tư là vượt trội. Một số quy định có thể vẫn tương đương so với hiện nay, nhưng cũng là kịch trần trong khuôn khổ cho phép của pháp luật Việt Nam”, ông Chúc nói.
Tuy vậy, GS - TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mặc dù đánh giá cao những cởi mở của Dự thảo Luật liên quan đến các chính sách tiếp cận đất đai, nhưng lại cho rằng, vẫn còn cần “đặc biệt” hơn nữa.
Theo ông Võ, đúng là Dự thảo Luật đã cho phép thế chấp, nhưng vẫn chỉ là thế chấp tài sản trên đất, mà chưa phải là cho phép thế chấp quyền sử dụng đất. “Nên cho phép điều này, bởi quyền sử dụng đất cũng chỉ có thời hạn. Cũng nên cho phép cách tiếp cận một cách thật sự thị trường đối với đất đai ở đặc khu”, ông Võ nói.
Thậm chí, liên quan đến thủ tục đầu tư, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, cơ chế “một cửa tại chỗ” trên thực tế đã được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước, do vậy phải chính là “một cửa điện tử”, tức là thực tế “không cửa” chứ không phải một cửa nữa. Sự phát triển của công nghệ cho phép chính quyền đặc khu làm điều đó và như thế mới là vượt lên so với các yêu cầu sửa đổi chính sách pháp luật hiện nay.
Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Duy Đông khẳng định, Dự thảo Luật đã đề cập quy định về “một cửa tại chỗ liên thông qua mạng”.
Còn ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi trao đổi với báo giới ngoài hành lang Quốc hội đã nhấn mạnh rằng, những cơ chế trong Dự thảo Luật đã là “rất đột phá” rồi, mặc dù so với các thiên đường thuế thì không bằng.
“Nhưng mục tiêu của chúng ta không phải trở thành thiên đường thuế. Chúng ta phát triển doanh nghiệp nhưng cũng tạo nguồn thu, tạo động lực cho sự phát triển của các đặc khu”, ông Vũ Hồng Thanh nói và cho biết ông có nghe các nhà đầu tư “muốn có thêm những chính sách ưu đãi hơn nữa”.
“Nhưng cái đó là quyền của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ nghiên cứu sự cần thiết như thế nào để đáp ứng, để có cú hích, có đột phá”, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo dự kiến, thứ Sáu tuần này (ngày 10/11), Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ lần đầu tiên được đệ trình lên Quốc hội xem xét, thảo luận, sau đó sẽ thông qua vào kỳ họp sau.
Công thức nào cho sự thành công của các đặc khu?
Phải thừa nhận rằng, hiếm có luật nào được xây dựng một cách công phu như Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, dù thời gian chuẩn bị không dài, thậm chí là rất ngắn. Các cuộc nghiên cứu, khảo sát về những thành công và thất bại của hàng loạt đặc khu trên thế giới và khu vực đã được Ban soạn thảo Dự luật thực hiện một cách cẩn trọng và kỹ lưỡng.
Bài học đã được rút ra, theo ông Trần Duy Đông là có tới 6 yếu tố, điều kiện quyết định sự thành công của các đặc khu. Đó là có vị trí chiến lược; có luật điều chỉnh riêng cho đặc khu; có môi trường kinh doanh và chính sách ưu đãi cạnh tranh quốc tế; có chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng và hướng tới những ngành nghề ưu tiên phát triển và có lợi thế so sánh; có sự hỗ trợ đầu tư ban đầu của Nhà nước trong phát triển các kết cấu hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng đang được xây dựng theo hướng đó, nhằm đảm bảo cho các đặc khu của Việt Nam có đủ 6 yếu tố đã tạo nên sự thành công của các đặc khu trên thế giới. Và tất nhiên, còn là tránh được những “vết xe đổ” của các đặc khu thất bại khác.
“Dự luật này thực sự rất quan trọng đối với các nhà đầu tư quốc tế đang cân nhắc đầu tư vào khu vực Đông Nam Á. Văn bản hiện thời là rất tốt. Một số đặc khu ở Myanmar, Malaysia, Thái Lan… đã hoạt động không phải là hoàn hảo, chúng ta đi sau, có thể rút ra bài học từ những va vấp của họ, để xây dựng những đặc khu và chính sách tốt hơn của họ”, một cách thẳng thắn, ông Marcin Milosz, Nhóm tư vấn Công ty TNHH Tư vấn Boston - The Boston Consulting Group (BCJ) đã nói như vậy.
Cũng theo vị chuyên gia này, điều rất quan trọng là Dự thảo Luật đã có được các chính sách quan trọng tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các đặc khu, từ mô hình thể chế tách bạch rõ ràng về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, các chính sách ưu đãi đầu tư, các thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi… “Nhưng quan trọng, cũng cần phải tạo ra sự linh hoạt, mềm dẻo để sau một thời gian thực thi, có thể điều chỉnh Luật”, ông Marcin Milosz nói.
Trong khi đó, ông Patric Tay, Phó tổng giám đốc phụ trách mảng tư vấn chính sách kinh tế của PriceWaterHouseCoppers (PwC) Malaysia đã nhấn mạnh tới một công thức quan trọng để đảm bảo cho sự thành công của các đặc khu. Đó là các chính sách phải nhất quán, có tính hồi ứng cao, và có tính linh hoạt, mềm dẻo.
“Các nhà đầu tư thường rất quan tâm đến tính khả thi, tính chắc chắn và dễ dự đoán của các chính sách pháp luật. Hơn nữa, không chỉ là chính sách trên văn bản, mà còn là thực thi trong thực tế như thế nào”, ông Patric Tay nói và cho biết, kinh nghiệm từ Malaysia cho biết, không có gì là dễ dàng, duy trì thành công là rất khó, do vậy phải xác định đây là cuộc chạy maraton chứ không phải là một cuộc chạy tiếp sức, do vậy phải liên tục, liên tục cải cách.
Thêm nữa, theo ông Patric Tay, chỉ có một bộ luật siêu hạng mới có thể đảm bảo cho sự thành công của một đặc khu siêu hạng. “Dự thảo Luật đã có được những nền tảng tốt, đảm bảo 3 yếu tố quan trọng cho sự thành công của các đặc khu, nhưng chưa thể là hoàn hảo, mà hoàn hảo sao được, chúng ra sẽ phải tiếp tục hoàn thiện. Điều quan trọng là, khi xây dựng luật, phải đặt mình ở góc độ của người thực thi, làm sao đảm bảo lợi ích của tất cả các bên, nhà đầu tư, chính quyền địa phương, người dân… Và một bộ luật siêu hạng nghĩa là không chỉ có những chính sách tốt nhất hiện tại, mà phải nhìn rõ xu thế tương lai, khi chuỗi giá trị toàn cầu phát triển mạnh, để không bị sớm lạc hậu trong tương lai”, ông Patric Tay nói.
Đồng tình với các quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng, mặc dù thể chế, chính sách xây dựng trong Dự thảo Luật là quan trọng, nhưng quan trọng không kém là khi Luật được thông qua, sẽ được thực thi như thế nào.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cũng bày tỏ sự sốt ruột, khi đặc khu lần đầu tiên được nhắc tới vào năm 1992, nhưng 20 năm qua, vẫn chưa thể thành hình, để trở thành cực tăng trưởng kinh tế cho đất nước, cũng như trở thành “phòng thí nghiệm” cho cải cách thể chế của Việt Nam. Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ là nền tảng quan trọng để biến giấc mơ đặc khu thành hiện thực.