Phiên toàn thể Diễn dàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 chiều 19/9 bắt đầu với từng điểm phần trăm tăng trưởng cộng dồn trong bài dẫn đề của TS. Cấn Văn Lực.
Lượng hóa các động lực tăng trưởng theo các kịch bản, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã tính được, kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 20% GDP và đóng góp khoảng 0,63 - 1,35 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP hàng năm (đến 2025).
Năng suất lao động nếu tăng được khoảng 5-5,3% giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu là 6,5%) và tăng 6-6,5% giai đoạn 2026-2030 (mục tiêu là 6,8-7%), thì tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 40-45% giai đoạn 2021-2025 và 50-55% giai đoạn 2026-2030;
Với các đột phá về cơ chế, chính sách thì khu vực kinh tế tư nhân có thể đóng góp khoảng 45% GDP đến năm 2025 và 50-55% GDP đến năm 2030; Đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế sẽ đóng góp khoảng 0,05 - 0,27 điểm %/năm vào tăng trưởng GDP (tùy theo quy mô và chất lượng hoàn thiện thể chế);
Tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh đến năm 2025 là 1,8 -2% GDP và đến năm 2030 là 3,3-3,5% GDP. Mức đóng góp của kinh tế xanh vào GDP tăng bình quân khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2021-2050;
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới - WB (2022), việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp tăng thêm 2-3% GDP của Việt Nam mỗi năm.
Liên kết vùng, nếu chúng ta làm tốt, thì sẽ có thêm nhiều động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các đầu tàu kinh tế (nhất là Hà Nội và TP.HCM).
Tuy nhiên, từng điểm phần trăm trong tăng trưởng này chỉ có được nếu kịch bản “làm tốt” được thực hiện. “Chúng tôi đã xây dưng hai kịch bản, một là có làm và hai là không làm. Ở kịch bản khai thác tốt được các động lực tăng trưởng trên, tăng trưởng GDP bình quân 2021-2025 đạt khoảng 6,2-6,4%, trong khi ở kịch bản ngược lại, con số này là khoảng 5,8-6%”, TS. Lực chia sẻ nghiên cứu.
Nhưng để làm được, TS. Lực cho rằng, trước mắt, làm thế nào để "tận dụng tốt những gì có trong tay". Cụ thể, thực hiện thành công các cơ chế, chính sách, nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã ban hành thời gian qua; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng hiện hữu, gồm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; kích cầu tiêu dùng nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư; quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP.HCM …
Nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác) nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, cần chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế. “Việc này đang chậm quá, gây lãng phí nguồn lực”, TS. Lực cảm thấy nuối tiếc.
Ở nhóm động lực mới, TS. Lực kiến nghị, cần phải hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế cho kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế số; nâng năng suất lao động.
“Hãy thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia. Việc này nên làm ngay để ra được cơ chế chính sách thúc đẩy năng suất. Tôi cũng đề xuất tham khảo Ban Hỗ trợ kinh tế tư nhân vừa được Chính phủ Trung Quốc thành lập. Thúc đẩy kinh tế tư nhân xứng đáng với vai trò của nó là yêu cầu cấp bách”, ông Lực nói.
Cùng với đó, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, liên kết vùng cũng cần thêm giải pháp hữu hiệu.
Đặc biệt, ông Lực đề nghị chú trọng xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở thông tin, dữ liệu quốc gia trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp cùng với cơ chế liên thông, chia sẻ và quản lý rủi ro dữ liệu.