Cholimex Foods là công ty con của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư chợ Lớn (Cholimex).
Tiền thân của Cholimex là Công ty công tư Hợp danh Xuất nhập khẩu Trực Dụng trực thuộc quận 5 với tên gọi tắt là Cholimex được thành lập vào năm 1981 theo quyết định của UBND TP.HCM.
Sự ra đời của quyết định này dựa trên nền tảng từ những thế mạnh, tiềm năng của người Hoa khu vực chợ Lớn.
Những ngày đầu thành lập, hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của công ty mang tính tổng hợp đa ngành. Trong đó, các bộ phận chuyên ngành thu mua và chế biến các mặt hàng thuỷ sản nông, dược phẩm…
Cholimex Foods chuyên sản xuất, chế biến, gia công và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, thuỷ sản, tương ớt, tương cà, nước mắm, nước tương, gia vị, chả giò, hoành thánh, há cảo,… Nội địa là thị trường chính của doanh nghiệp này.
Một số kết quả kinh doanh năm 2020 và chỉ tiêu năm nay của Cholimex Foods. |
Năm vừa qua, Cholimex Foods ghi nhận doanh thu xuất khẩu năm vừa qua tăng 9% so với kết quả năm 2019 khi đạt hơn 644 tỷ đồng, xuất 296 container thực phẩm đông lạnh, 329 container sốt-gia vị-nước chấm.
Trong khi đó, doanh thu thị trường nội địa tăng 2% so với kết quả năm 2019 khi đạt gần 1.620 tỷ đồng và lãnh đạo công ty này khẳng định đang giữ vị thế dẫn đầu trong ngành hàng sốt, gia vị cùng hệ thống phân phối tại 80.000 quầy bán lẻ, hơn 4.000 nhà hàng, chuỗi thức ăn nhanh, quán ăn và hơn 5.000 siêu thị trên toàn quốc.
Hiện, Cholimex vẫn là cổ đông lớn nhất tại Cholimex Foods với 40,72% vốn; theo sau đó là Công ty TNHH MTV Thực phẩm Masan (Masan Food) với 32,83% và Công ty Nichirei Foods Inc. (Nhật Bản) với 19%.
Năm 2014, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) dự tính chi 357 tỷ đồng chào mua công khai 49% cổ phần của Cholimex Foods.
Tuy nhiên, kế hoạch này không đạt kỳ vọng khi cả hai cổ đông lớn là Cholimex (sở hữu 40,72% cổ phần) và Nichirei Foods (sở hữu 19% vốn) không muốn bán ra.
Kết quả cuối cùng, Masan Food chỉ mua được 2,66 triệu cổ phiếu, tương ứng 32,84% cổ phần của Cholimex Foods và tỷ lệ này được giữ nguyên từ đó đến nay.
Gia vị là ngành hàng chính của cả Cholimex Foods lẫn Masan Consumer.
Nhân viên Cholimex Foods chế biến món ăn cùng các sản phẩm tương ớt, tương cà, nước chấm của công ty (Ảnh minh hoạ: Cholimex Foods). |
Doanh thu thuần ngành gia vị của Masan Consumer trong năm 2020 đạt gần 8.150 tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% so với năm 2019.
Theo Báo cáo thường niên của Masan Consumer, doanh nghiệp này dẫn đầu thị phần ngành hàng gia vị trong năm vừa qua, nhờ tăng trưởng dòng sản phẩm nước mắm cao cấp và doanh số tăng gấp đôi của sản phẩm hạt nêm cao cấp.
Ngành hàng gia vị, nước sốt và nước sốt salad tiếp tục là trụ cột của Masan Consumer.
“Chúng tôi không thể trở thành công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam nếu không dẫn đầu trong ngành hàng gia vị mang đậm nét “hương vị” ẩm thực Việt Nam”, theo Báo cáo thường niên của Masan Consumer.