Theo thống kê mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, thị trường gia vị, nước chấm của Việt Nam mỗi năm sẽ tăng trưởng bình quân từ 25 - 32% từ nay đến năm 2022. Đây là một thị trường đầy tiềm năng và các doanh nghiệp Việt Nam đang phải nỗ lực chạy đua cùng doanh nghiệp ngoại.
Doanh nghiệp ngoại lấn lướt
Góc độ thị phần, thương hiệu ngoại đang chiếm ưu thế khá lớn. Cụ thể, Knorr (Unilever), Maggi (Nestlé), Aji-ngon (Ajinomoto) và Miwon (Đài Loan) hiện chiếm đến 33% trong tổng số mặt hàng gia vị và các thương hiệu này cũng đang chia nhau “ngôi vương” ở từng phân khúc.
Knorr dẫn đầu thị phần hạt nêm với gần 50% thị phần. Tiếp theo là Aji-ngon. Đứng vị trí thứ ba là thương hiệu nước mắm Chinsu của Masan (Việt Nam) đang chiếm 80% thị phần nước mắm và hạt nêm Maggi rớt xuống hàng thứ tư.
Nước mắm và nước tương của Masan Consumer thuộc Tập đoàn Masan chiếm thị phần lớn nhất. |
Việc Aji-ngon soán ngôi của Maggi được các chuyên gia trong ngành nhận định, do chiến lược của Maggi chỉ đánh vào phân khúc người tiêu dùng cao cấp, trong khi phân khúc này chiếm 17-23%. Ngoài ra, Maggi cũng không có chiến lược quảng cáo đồng bộ như Knorr và Aji-ngon. Tuy vậy, một chuyên gia của Nielsen chia sẻ, vị trí đứng đầu của Knorr hiện không bền vững, thị phần nắm giữ chủ yếu từ chi phí nhiều cho tiếp thị, quảng bá. “Hàng năm, kinh phí marketing sản phẩm cho ngành hàng hạt nêm luôn tăng trưởng khoảng 15-20%, và Knorr xác định cạnh tranh chính từ những chiêu thức này”.
Ở vị trí thứ hai, Aji-ngon có bước đi khá bài bản khi tập trung đầu tư vào công nghệ, nguồn nguyên liệu và thị trường. Với lợi thế là công ty sản xuất bột ngọt nên giá thành hạt nêm của Aji-ngon luôn cạnh tranh hơn Knorr. Mặt khác, Aji-ngon có công nghệ chiết xuất nước hầm xương và thịt tại chỗ, nên chi phí nguyên liệu vì thế, giảm hơn so với Knorr.
Ở góc độ người mua lại phụ thuộc khá nhiều về giá, vì vậy, để cạnh tranh, các ông lớn đang đua nhau giảm chi phí sản xuất. Ví dụ, từ sử dụng chai thủy tinh đã chuyển sang chai nhựa pet, hay bao bì hạt nêm trước đây sử dụng màng nhôm ba lớp thì nay chuyển sang chất liệu cán màng PP, tiết kiệm được từ 10-25% chi phí giá thành…
Doanh nghiệp nội âm thầm chiếm ưu thế
Trong khi thị trường gia vị gần như là sự độc tôn của các thương hiệu ngoại, thì trên thị trường nước chấm, tương ớt…, các doanh nghiệp Việt Nam đang âm thầm đua tranh để khẳng định vị thế, với các tên tuổi lớn như Masan Consumer, Cholimex Food, Trung Thành, Nam Dương...
Theo báo cáo của Nielsen, gia vị được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam là nước mắm và nước tương... Trong đó, Masan Consumer thuộc Tập đoàn Masan, hiện chiếm thị phần lớn nhất. Theo báo cáo tài chính năm 2015 của Masan Group, thị trường tương ớt, tương cà đạt khoảng 847 tỷ đồng/năm. Tốc độ tăng trưởng sản lượng là 11%/năm và 20% về giá trị. Dự báo tốc độ tăng trưởng tương ớt còn tăng cao vì mở rộng nhu cầu sử dụng, tăng trưởng cao ở khu vực nông thôn, và cung ứng cho các cơ sở sản xuất.
Ở vị trí thứ hai, Cholimex Foods cũng chứng minh sức hấp dẫn của thị trường, khi ngành hàng tương ớt đang đóng góp doanh thu tốt cho Cholimex Foods. Những năm gần đây, Cholimex Foods đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân mỗi năm xấp xỉ 30%. Nhãn hàng này đang bám khá sát Masan Consumer với thị phần 37% (Masan là 43%). Bên cạnh đó, thị phần của Cholimex còn khá ổn định khi được các cửa hàng đồ ăn nhanh Pizza Hut Việt Nam chọn là nhà cung ứng cho hệ thống cửa hàng của họ.
Ngoài các “cựu binh”, Saigon Co.op cũng nhảy vào phân khúc này bằng sự hợp tác với Wilmar International Limited (Wilmar) thành lập liên doanh Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương, sản xuất các loại nước chấm, gia vị mang nhãn hiệu Nam Dương.
Câu hỏi đặt ra là ngoài các thương hiệu lớn, thị trường gia vị, nước chấm có còn chỗ cho các thương hiệu khác? Ông Nguyễn Huỳnh Đạt, Tổng giám đốc CTCP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nhật cho biết, Việt Nhật đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền, nhà xưởng ra mắt thương hiệu gia vị Ông Bếp.
“Lường trước thị trường khó chen chân nên tôi định hướng đi vào thị trường ngách và muốn đi xa hơn vào bếp ăn thế giới, chứ không chỉ bếp ăn Việt Nam”, ông Đạt chia sẻ. Hướng đi ngách của Ông Bếp là tập trung vào gia vị truyền thống, không sản xuất theo kiểu thương mại, công nghiệp. Dù vậy, với cách sản xuất nhỏ, sản lượng không cao và chi phí sản xuất lớn, tốn kém, nên các thương hiệu nhỏ sẽ rất khó cạnh tranh.
Các thương hiệu Việt Nam còn vướng một loạt thách thức như muốn vào hệ thống siêu thị sẽ phải tốn chi phí chiết khấu thương mại lên đến trên 25%. Đồng thời, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng vẫn là rào cản lớn nhất, khiến cho các doanh nghiệp “tân binh” hoặc doanh nghiệp nhỏ Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại ngay trên “sân nhà”. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước muốn tồn tại và phát triển phải tìm lối đi ngách, chuyển hướng về bán ở các kênh nhà hàng, quán ăn, khách sạn và các tỉnh…