Doanh nghiệp
Saigon Co.op mang nước chấm Nam Dương "đấu" với Masan Consumer
Anh Hoa - Hồng Sơn - 19/11/2015 09:13
Việc thành lập liên doanh với Wilmar International được Saigon Co.op kỳ vọng sẽ lấy lại vị thế thị trường cho nước chấm Nam Dương sau một thời gian dài rơi vào tay Masan và Cholimex.
TIN LIÊN QUAN

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) và Wilmar International Limited (Wilmar) vừa bắt tay thành lập liên doanh Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương, với tổng vốn đầu tư 25,6 triệu USD, trong đó Saigon Co.op góp 49% và Wilmar góp 51%. Nhà máy mới của Nam Dương được đặt tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè, TP.HCM), sản xuất các loại nước chấm, gia vị bán ra thị trường mang nhãn hiệu Nam Dương. Hai tên tuổi này kỳ vọng gì vào Nam Dương?

Quyết đấu với Masan Consumer

Nam Dương, với biểu tượng con mèo đen, đã xuất hiện trên thị trường từ năm 1951. Trước đây, Nam Dương là một xưởng sản xuất tư nhân của người Hoa, sau ngày giải phóng, Nhà nước tiếp quản và chuyển giao cho Liên hiệp Hợp tác xã mua bán TP.HCM (Saigon Co.op) quản lý, điều hành từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước đến nay.

Liên doanh với Wilmar, Saigon Co.op toan tính sẽ lấy lại vị thế của thương hiệu Nam Dương

Hiện Saigon Co.op có một nhà máy sản xuất nước chấm đặt tại quận 7 (TP.HCM). Khi Nhà máy Nam Dương mới hoàn thành, thì nhà máy này sẽ được đóng cửa, chuyển mục đích sử dụng vì nằm trong quy hoạch khu dân cư của Thành phố.

Năng lực sản xuất của nhà máy này hiện vẫn đủ đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu qua Mỹ, Đông Âu, Campuchia, Myanmar và nhất là thị trường Nga. Tuy nhiên, ở trong nước, những tên tuổi lớn như Masan, Cholimex gia nhập thị trường khiến thị phần của Nam Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dù sản lượng hàng năm vẫn được duy trì. Nam Dương phải nhường vị trí dẫn đầu cho nước chấm Chinsu (Masan).

Thị trường nước chấm, gia vị đang có sự phân cực lớn, với một bên là thương hiệu nội Masan Consumer (Masan Group), hiện chiếm hơn 43% thị phần (theo Euromonitor International), theo sau là Cholimex Food và các thương hiệu nhỏ; phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài như Ajinomoto Vietnam, Miwon Vietnam, Vina Acecook, chiếm khoảng 28% thị phần.

Tuy nhiên, cục diện thị trường đã có sự thay đổi lớn khi Masan mua lại Cholimex Food - một thương hiệu nội cũng nổi tiếng không kém, với 2 dòng sản phẩm chủ lực là sản phẩm đông lạnh và nước chấm (tương ớt, nước tương, nước mắm), được phân phối qua các kênh truyền thống, siêu thị, hàng quán… Cholimex Food hiện chiếm hơn 30% thị phần tương ớt tại Việt Nam, xếp thứ hai về thị phần, sau Masan Consumer và đứng trước Nam Dương ở mảng nước chấm. Sau khi mua thành công Cholimex Food, Masan Consumer vẫn là ông lớn với tham vọng thôn tính và khống chế thị trường nước chấm, gia vị trong thời gian tới.

Vì sao chọn Wilmar?

Masan Consumer ra đời sau, nhưng chiến lược định vị thương hiệu, marketing bài bản đã giúp họ có độ nhận diện thương hiệu tốt hơn Nam Dương. Saigon Co.op cũng nhận ra vấn đề này và việc thành lập liên doanh với Wilmar nằm trong nhận thức về sự thay đổi để cạnh tranh, tồn tại và phát triển ở thị trường trong nước.

Những năm qua, Saigon Co.op mạnh và nổi tiếng về mảng bán lẻ. Dù sở hữu một thương hiệu thuần Việt và lâu đời như “Con mèo đen”, nhưng Saigon Co.op chưa quan tâm đầu tư thích đáng. Đó là lý do chính để họ tìm sự hợp tác, liên doanh. “Muốn giữ thương hiệu này, thì phải có đủ khả năng, năng lực để đầu tư, cạnh tranh và phát triển. Nếu không thì phải tìm đối tác liên doanh. Với giải pháp này, chúng tôi không phải bán thương hiệu mà có thể nâng tầm, phát triển nó ở mức độ cao hơn”, ông Trần Lâm Hồng, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, Trưởng dự án hợp tác liên doanh với Tập đoàn Wilmar cho biết.

Sau hơn 2 năm tìm hiểu thông qua đơn vị tư vấn, Wilmar và Saigon Co.op chính thức tham gia mối lương duyên  này. Ông Ray Chew, Tổng giám đốc Wilmar tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho hay, việc tận dụng thế mạnh từ 2 phía cho phép Saigon Co.op và Wilmar nâng cao sức cạnh tranh và độ phủ của thương hiệu Nam Dương.

Thời gian tới, việc duy trì các thị trường truyền thống trong và ngoài nước là nhiệm vụ đầu tiên của công ty liên doanh. Với lợi thế về hệ thống phân phối của Wilmar trên toàn cầu, cơ hội chắc chắn sẽ rộng mở hơn. Thị trường lớn của Wilmar như Trung Quốc, Ấn Độ sẽ được khai thác. Còn các thị trường khác, như khu vực Đông Nam Á, công ty liên doanh sẽ cân nhắc và xem xét.

Wilmar có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó có mảng sản xuất dầu ăn. Đặc biệt, các sản phẩm của dầu ăn Cái Lân (liên doanh với Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật - Vocarimex) đang dẫn đầu tại Việt Nam, với trên 50% thị phần.

Theo ông Hồng, việc sản xuất dầu ăn và nước chấm, gia vị cũng khá tương đồng nhau, nhưng quan trọng nhất là hệ thống phân phối dầu ăn Cái Lân của Saigon Co.op tại Việt Nam rộng khắp (chưa kể hệ thống phân phối toàn cầu của Wilmar), nên sản phẩm mới của Nam Dương sẽ dễ dàng đến tay người tiêu dùng và có chỗ đứng. Trước mắt, nhà máy này sẽ sản xuất 3 dòng sản phẩm chính (truyền thống của Nam Dương), đó là nước tương, tương cà và nước sốt.

Thâu tóm là quy luật thị trường

“Trong liên doanh này, Saigon Co.op góp 49% bằng ‘tiền tươi, thóc thật’ chứ không bán giá trị thương hiệu. Chúng tôi không bán thương hiệu cho nước ngoài, mà thành lập liên doanh, trong đó có những nguyên tắc riêng, nên không ngại vấn đề sở hữu tỷ lệ bao nhiêu để lo ngại Wilmar thâu tóm. Chúng tôi muốn lưu giữ một thương hiệu Việt”, ông Hồng lý giải trước lo ngại Saigon Co.op bán thương hiệu Nam Dương cho Wilmar.

Tuy nhiên, ông Hồng cũng không ngần ngại cho rằng, M&A hay thâu tóm là quy luật của thị trường. “Mình có để cho người ta thâu tóm hay không tùy thuộc vào khả năng, ý chí của mình. Chúng ta đừng nghĩ đó là vấn đề gì xa lạ, hay chuyện gì xấu, mà nó là quy luật. Đã là quy luật, thì chúng ta phải tuân theo, cuộc chơi phải như thế. Ai yếu thì thua và ai cũng muốn mạnh lên để có thể thâu tóm, đó là nguyên tắc”, ông Hồng nói.

Được biết, trước đây cũng có nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề mua lại, hoặc hợp tác với Saigon Co.op để phát triển thương hiệu Nam Dương. Tuy nhiên, tìm đối tác phù hợp với mục tiêu, ý chí và mong muốn của hai bên không hề đơn giản.

Wilmar International được thành lập năm 1991 thuộc Kuok Group (Singapore). Mục tiêu chính trong chiến lược phát triển của Wilmar là hướng tới việc xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh khép kín, với đa dạng các mặt hàng nông nghiệp, chủ động từ nguyên liệu đầu vào tới sản xuất thành phẩm và phân phối. Danh mục các sản phẩm nông nghiệp chế biến chất lượng cao của Wilmar luôn là lựa chọn hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, cũng như các ngành kinh doanh thực phẩm tiêu dùng và thực phẩm công nghiệp.

Mặc dù mọi tính toán của Saigon Co.op và Wilmar vẫn còn nhiều dấu hỏi, nhưng những yếu tố mạnh của Wilmar đang khiến nhà bán lẻ rất tự tin sẽ vực dậy mảng sản xuất nước mắm, giành lại vị thế đã bị Masan Consumer và Cholimex Food lấy mất.

Tin liên quan
Tin khác