Thuộc tính âm dương ngũ hành của Thiên can, Địa chi |
Thiên can và Địa chi trong phong thủy
Hiện nay, nhiều người xem phong thủy thường lấy tuổi của người được xem để tính. Khi nói đến tuổi một người gồm có hai phần là Thiên can và Địa chi, từ Thiên can và Địa chi sẽ phản ánh lên số mệnh mỗi người.
Ví dụ, một người sinh năm 2018 là năm Mậu Tuất thì Tuất gọi là Địa chi, Mậu gọi là Thiên can. Và khi tính phong thủy xây nhà liên quan đến tuổi Mậu Tuất 2018 người ta căn cứ từ chính trên tuổi Địa chi là Tuất, căn cứ vào có phạm Thái Tuế, Tam tai, hình hại hay Thái Bạch, Kế Đô, La Hầu, Thổ Tú… hay không.
Kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà, Giám đốc Công ty Kiến trúc và Xây dựng dân dụng Hà Nội, Phó viện trưởng Viện Lý học Phương Đông cho biết, đó mới là kiến thức căn bản liên quan đến Địa chi. Và người học lý học phương Đông cao hơn một chút sẽ phải tính đến Thiên can. Mà bản chất Thiên can có tầm quan trọng và quyết định nhiều hơn Địa chi.
Thông qua tất cả các bộ môn, người ta biết rằng Thiên can có ảnh hưởng đến 70%, Địa chi chỉ ảnh hưởng khoảng 30%. Khi một tuổi nào đấy phạm về Thiên can là phạm nặng hơn về Địa chi. Trường hợp phạm cả hai người ta gọi là bị Thiên khắc Địa xung.
Chẳng hạn, năm 2018 Địa chi Tuất xung với Thìn và Thiên can Mậu của 2018 khắc với Thiên can Nhâm. Như vậy, năm Mậu Tuất thiên khắc địa xung với năm Nhâm Thìn (là năm 1952). Do đó, người sinh năm 1952 không thể đứng ra động thổ để tu sửa nhà hay xây mộ, làm việc gì đó liên quan đến phong thủy. Nếu xét theo Địa chi, năm 2018 người sinh năm 1952 tính ra 67 tuổi ta, không phạm Kim lâu, mặc dù sao hạn là phạm Thái Bạch.
Dân gian vẫn hay nói “Thái Bạch thì sạch cửa nhà” nên có nhiều trường hợp bảo năm Thái Bạch mang tiền để xây nhà (để tránh việc hao tiền tốn của vào việc khác), nhưng không phải như thế. Trong trường hợp như người sinh năm 1952, thì việc xây nhà năm nay là không tốt chút nào. Thậm chí, dù người này cũng không phạm Hoang ốc, hay khi tính toán không phạm Bát sát huỳnh tuyền thì cũng không động thổ được.
Tầm quan trọng của yếu tố Thiên
Thông thường hiện nay, khi xem phong thủy người ta chỉ xem mỗi yếu tố con người, tức là yếu tố Nhân và ít người đủ kiến thức để xem đến yếu tố Địa và xem trên nữa là yếu tố Thiên. Trong khi quy luật bất biến bao giờ cũng phải xét từ Thiên, rồi mới đến Địa, sau đó mới đến Nhân.
Lý giải về điều này, kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà cho rằng, việc mọi người chỉ xem mỗi yếu tố Nhân và chỉ xem Địa chi là do kiến thức về Địa chi rất ít, đơn giản nhất, sơ đẳng nhất và là những kiến thức ban đầu, giống như bảng cửu chương trong toán học; cho nên mọi người dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tiếp cận.
Chẳng hạn, trong trường hợp nói đến Địa chi không hợp nhau, người ta hay đề cấp đến tứ hành xung: Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Khi gặp 2 người thuộc 4 tuổi trên hoặc một người nào đó gặp 4 năm trên, người ta đều khuyên không nên kết hợp với nhau hay làm gì. Bởi vì, Dần xung với Thân, Tỵ xung với Hợi; Dần gặp Tỵ là lục hại, Thân gặp Hợi là lục hại. Tuy nhiên, Dần với Hợi nhị hợp, Tỵ với Thân cũng nhị hợp, hợp ở đây có thể dùng trong việc động thổ, nhưng dùng trong hôn nhân lại phải xem kỹ. Do đó, bài toán bắt đầu phức tạp và mọi người gói gọn luôn là 4 tuổi đó nên tránh xa nhau.
Lấy ví dụ một trường hợp trong thực tế để biết rõ về tầm quan trọng từ Thiên đến Địa, rồi mới đến Nhân. Một người là kỹ sư nông nghiệp hoặc một chuyên gia nông nghiệp không thể khẳng định là tôi có hạt giống tốt và trồng ở bất kể đất nào cũng lên và cho năng suất tốt được, mà nó còn phụ thuộc vào yếu tố Địa. Giống cây trồng phải thích hợp với loại đất, chất đất và điều kiện canh tác (khô hạn, ngập nước, chua hay mặn…).
Thiên can và Địa chi:
Thiên can được phân theo thứ tự từ 1 đến 10 là: Giáp (1), Ất (2), Bính (3), Đinh (4), Mậu (5), Kỷ (6), Canh (7), Tân (8), Nhâm (9), Quý (10).
Số lẻ là Dương can (Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm).
Số chẵn là Âm (Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý).
Địa chi gồm có 12 địa chi, theo thứ tự từ 1 đến 12 là : Tý (1), Sửu (2), Dần (3) , Mão (4), Thìn (5), Tỵ (6), Ngọ (7), Mùi (8), Thân (9), Dậu (10), Tuất (11), Hợi (12).
Số lẻ là Dương chi, Số chẵn là Âm chi.
Ứng chiếu vào phong thủy, chúng ta phải xem đất hướng gì, thuộc sơn nào và thuộc long nào rồi mới quyết định đất tốt hay xấu. Sau tiếp nữa mới chọn người ở trên đất đó có “năm, tháng, ngày, giờ sinh” như thế nào và nên chọn giường ngủ ở phương vị nào. Việc quan trọng là chọn đất phù hợp với bản mệnh của gia chủ, chứ không phải lấy tuổi của gia chủ để tính hướng, rồi quyết định đất tốt hay xấu. Một ngôi nhà có phong thủy tốt thì ai ở cũng tốt, dù hợp bản mệnh hay không, nhà hợp bản mệnh thì càng tốt.
Chuyên gia phong thủy Hoàng Trà cho rằng, tình trạng chung hiện nay là mọi người đang lấy tuổi của gia chủ tính theo Bát Trạch, nếu hợp hướng đất thì nói đất tốt, không hợp thì nói đất xấu. Điều đó là ngược. Cũng giống như việc thấy trồng cây không ra quả mà nói đất xấu, mà quên rằng, nó còn do việc chọn giống cây chưa theo loại đất, hạt giống chưa chuẩn với thổ nhưỡng.
Một người làm nông nghiệp khi có mảnh đất tốt và hạt giống phù hợp, muốn có mùa bội thu cũng phải chọn thời điểm gieo trồng cho phù hợp. Nếu gieo trồng sai, nhẹ thì cây còi cọc, không cho năng suất cao. Nặng thì cây chết, mất mùa.
Thời điểm có nghĩa là thiên thời. Vậy thì Địa và Nhân muốn tốt thì phải căn theo thiên thời, tức phụ thuộc yếu tố Thiên. Khi cả ba yếu tố đều tốt thì mọi việc sẽ thuận lợi, hanh thông. Người ta hay nói: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa là vì thế.
Điều này giải thích tại sao có người chọn được đất tốt về phong thủy, tuổi rất hợp và tính theo năm sinh không phạm gì cả, nhưng xây nhà vẫn gặp chướng, gặp họa. Lý do là vì thiên thời không tốt. Để xem được thiên thời, địa lợi, phải là người học rất uyên thâm về phong thủy.
Chuyên gia phong thủy không cần biết chủ nhà, chủ cơ quan là ai, tuổi gì, nhưng vẫn có thể nói chính xác nhà đó, hay cơ quan đó năm nào thịnh, năm nào suy; người ngồi chỗ nào tốt, ngủ chỗ nào thì tốt, xấu, năm nào vượng, năm nào suy là bậc cao tay và do họ căn cứ vào yếu tố Thiên và Địa dể luận đoán, chứ không cần yếu tố Nhân.