Ông Hoàng Phú Cường |
Về vấn đề này, ông Hoàng Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán cho rằng, “ngân hàng ngầm” là khái niệm chỉ hoạt động của các tổ chức tài chính thực hiện các hoạt động kinh doanh như ngân hàng nhưng không chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý chuyên ngành; hoàn toàn khác so với hoạt động của CTCK.
Ông có thể cho biết tình hình phát hành trái phiếu của các CTCK trong thời gian vừa qua như thế nào?
Công tác giám sát của chúng tôi cho thấy, từ năm 2015 đến nay, các CTCK, đặc biệt là các công ty có tình hình tài chính kinh doanh khả quan đã thực hiện phát hành trái phiếu ngắn hạn và dài hạn huy động vốn của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Tổng dư nợ (bao gồm cả dư nợ trái phiếu và dư nợ khác) của các CTCK tính đến cuối năm 2015 và 2016 lần lượt là 27.034 tỷ đồng và 30.793 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của các CTCK tính tới thời điểm cuối năm 2015 là 44.164 tỷ đồng và cuối năm 2016 là 44.728 tỷ đồng.
Ông có nhận định như thế nào về việc phát hành trái phiếu và nguyên nhân của các đợt phát hành này?
Chịu sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và biến động bất lợi của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam các năm tiếp theo, việc huy động vốn của các CTCK gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là từ sau năm 2010. Thời gian gần đây, việc các CTCK thành công trong việc phát hành trái phiếu (chủ yếu là trái phiếu không có tài sản đảm bảo) để huy động vốn cho đầu tư phát triển là một tín hiệu đáng mừng.
Điều này thể hiện niềm tin của công chúng đầu tư vào hệ thống các CTCK, tính minh bạch thông tin của các công ty này. Đồng thời, việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu góp phần đa dạng hóa các nguồn vốn trong hoạt động của CTCK, giảm áp lực vốn đối với cổ đông so với thời gian trước đây.
Theo tôi, việc phát hành trái phiếu có diễn biến như trên do TTCK Việt Nam từ năm 2015 đến nay luôn có sự tăng trưởng tích cực (năm 2015 tăng 6,1%, năm 2016 tăng 14,8%). Kênh đầu tư chứng khoán vẫn tiếp tục là một kênh hấp dẫn các nhà đầu tư. Cùng với sự tăng trưởng chung của TTCK, kết quả kinh doanh của các CTCK từ năm 2013 đến nay đã dần được cải thiện, số CTCK có lãi đạt trên 48% (trước năm 2012 là 35%), trên 90% các công ty đã có tỷ lệ an toàn tài chính trên mức an toàn tối thiểu.
Vì vậy, trên cơ sở pháp luật cho phép, đáp ứng nhu cầu của thị trường và phát huy vai trò của mình trên TTCK, các CTCK đã thực hiện các giao dịch huy động vốn như vay vốn tín dụng, phát hành công cụ nợ để đầu tư phát triển, tăng cường tính chủ động của mình trên thị trường. Dư nợ vay của các CTCK vẫn trong giới hạn cho phép là không quá 3 lần vốn chủ sở hữu.
Mặc dù vậy, chúng tôi cũng muốn lưu ý người mua trái phiếu cần phải xem xét kỹ loại trái phiếu mà mình mua. Một trong những rủi ro khi đầu tư trái phiếu là khả năng thanh toán của CTCK khi đáo hạn trái phiếu. Vì vậy, nhà đầu tư cần chủ động xem xét, đánh giá những CTCK có thực lực tài chính mạnh, quản trị tốt. Những thông tin về tài chính, tỷ lệ an toàn tài chính hiện được công bố công khai để nhà đầu tư có thể tìm hiểu. Đối với các CTCK phát hành trái phiếu, cần nghiêm túc và có trách nhiệm trong việc sử dụng vốn huy động để đảm bảo khả năng trả nợ đủ và đúng hạn theo cam kết với nhà đầu tư.
Hiện nay có ý kiến cho rằng, các CTCK đang hoạt động như những ngân hàng ngầm - shadow banking. Ông có ý kiến gì về nhận định này?
Theo Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), “shadow banking” là các tổ chức tài chính thực hiện các hoạt động kinh doanh như ngân hàng nhưng không chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Việc huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu và cho vay thông qua nghiệp vụ giao dịch ký quỹ của các CTCK trong thời gian qua không phải là hoạt động “shadow banking”. Có nhiều lý do cho việc này.
Trước hết, hành vi phát hành trái phiếu chịu sự quản lý bởi các văn bản pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành. Việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu của CTCK phải tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp, Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các quy định pháp lý về chứng khoán và TTCK trên cơ sở đáp ứng một số điều kiện, đặc biệt là các điều kiện liên quan đến khả năng sinh lời và tính minh bạch. Hoạt động sử dụng vốn cho giao dịch ký quỹ cũng chịu sự điều chỉnh chặt chẽ bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Nghị định 86/2016/NĐ-CP, Thông tư 203/2015/TT-BTC.
Thứ hai, các CTCK cũng chịu sự quản lý bởi các quy định an toàn vốn theo chuẩn của Basel II (Thông tư 226/2010/TT-BTC và Thông tư 165/2012/TT-BTC) và quy định hạn mức huy động vốn (không quá 3 lần vốn chủ sở hữu (Thông tư 210/2012/TT-BTC). Các khoản vốn CTCK huy động (bao gồm cả việc huy động qua phát hành trái phiếu) được sử dụng thông qua các hoạt động kinh doanh đều phải giảm trừ khỏi vốn khả dụng hoặc tính rủi ro tương ứng, nhằm đảm bảo một mức an toàn tối thiểu.
Cũng như các ngành nghề tài chính tương tự như ngân hàng, bảo hiểm chịu sự quản lý bởi các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các CTCK được trực tiếp quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo Luật định. Đồng thời, hiện nay, một số CTCK thuộc các ngân hàng thương mại gián tiếp chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Mô hình này tương tự các mô hình quản lý TTCK của các nước tiên tiến trên thế giới.
Qua công tác giám sát của chúng tôi, tính đến hết năm 2016, tổng dư nợ (bao gồm vay trái phiếu và dự nợ khác) chưa vượt quá 1/3 tổng vốn chủ sở hữu của các CTCK (quy định cho phép dư nợ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu), dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ khoảng 20.000 tỷ đồng và giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay giao dịch ký quỹ luôn duy trì ở mức gần 3 lần dư nợ. Ngoài ra, trong quá trình cho vay giao dịch ký quỹ, CTCK phải tuân thủ dư nợ cho vay không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu, danh mục các chứng khoán được phép cho vay ký quỹ theo quy định và tỷ lệ cho vay không vượt quá 50% giá trị giao dịch.
Việc huy động vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu của các CTCK theo chúng tôi là một bước phát triển của các CTCK Việt Nam theo hướng hình thành các ngân hàng đầu tư, đóng vai trò là các định chế tài chính trung gian trên TTCK, thực hiện các chức năng luân chuyển vốn từ nơi có nhu cầu đầu tư đến nơi có nhu cầu cần vốn, phù hợp với định hướng phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 và phù hợp với thông lệ quốc tế.