SSI đã trở thành CTCK đầu tiên thực hiện nới room 100% cho nhà đầu tư ngoại |
Từ trường hợp SSI…
Theo Thông tư 123/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với ngành nghề được phép nới room 100% như chứng khoán thì HĐQT có thể quyết định cho phép thực hiện ngay, mà không cần phải triệu tập họp ĐHCĐ.
Theo đó, công ty đại chúng sau khi nhận được xác nhận về tỷ lệ room thì công bố thông tin và thông báo cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), Sở Giao dịch Chứng khoán về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty. Đại diện SSI cho biết, trong ngày 28/8/2015, SSI đã có văn bản thông báo với VSD và HOSE đề nghị áp dụng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài là 100% kể từ 1/9/2015. Như vậy, thủ tục nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% kể từ ngày 1/9/2015 giữa SSI và các cơ quan quản lý đã hoàn tất.
Theo SSI, việc nới tỷ lệ sở hữu thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem tới nhiều cơ hội cho Công ty. Khi tỷ lệ sở hữu của khối ngoại lớn hơn, áp lực đổi mới hoạt động của SSI cũng phải nhanh chóng và quyết liệt hơn để tiếp tục đạt được tín nhiệm của cổ đông cả trong nước và nước ngoài.
Khi cấu trúc cổ đông tăng thêm tính quốc tế, đương nhiên, mức độ minh bạch phải tiếp tục được duy trì và nâng cao và quan điểm của SSI là hệ thống càng minh bạch, các lỗi mắc phải càng dễ bộc lộ và sớm được khắc phục hơn, đồng thời loại bỏ những nhân tố yếu kém.
Trước khi SSI chính thức mở room 100%, nhiều ý kiến dự đoán, rất có khả năng, SSI sẽ chỉ giữ nguyên tỷ lệ 49% bán cho khối ngoại trên sàn, phần nâng thêm sẽ được dành cho đối tác chiến lược nước ngoài để huy động vốn mới cho Công ty. Tuy nhiên, đại diện SSI cho biết, Công ty sẽ áp dụng tỷ lệ sở hữu tối đa 100% cho nhà đầu tư nước ngoài mua bán cổ phiếu qua sàn. Còn với nhà đầu tư chiến lược, SSI sẽ ưu tiên các đối tác đáp ứng được các tiêu chí quan trọng như đối tác uy tín trong cộng đồng tài chính; cam kết gắn bó lâu dài và phát triển nhân tài tại SSI.
Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông của SSI, Chủ tịch và các bên liên quan sở hữu hơn 42% vốn, CTCK Nhật Bản - Daiwa Securities sở hữu 10,23% cổ phần và trước đó, cổ đông ngoại này cho biết có thể tăng cổ phần nắm giữ tại SSI như một phần của chiến lược đầu tư dài hạn tại các thị trường Đông Nam Á.
Việc nới room của SSI sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức này tăng tỷ lệ sở hữu tại SSI. Theo nhận định của các CTCK, nhiều khả năng, nếu cổ phần của Daiwa Securities tăng lên sẽ là từ mua cổ phần của các cổ đông hiện hữu.
Việc SSI được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho nới room ngay lên 100% ngay từ 1/9 mà không cần triệu tập lại ĐHCĐ đã tạo sự hào hứng trong cộng đồng nhà đầu tư. Sự hào hứng này không chỉ từ kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ đổ vào cổ phiếu SSI khi room được mở, mà còn từ kỳ vọng nhóm CTCK đang niêm yết cũng sẽ nhanh chóng được nới room như SSI, tạo sự sôi động cho nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán.
Bằng chứng là, ngay sau khi thông tin SSI được chấp thuận nới room 100%, cổ phiếu SSI đã có phiên tăng kịch trần, với khối lượng khớp lệnh “khủng”. Những cổ phiếu gần cạn room như HCM, VND cũng tăng mạnh, những mã chứng khoán khác tuy còn hở room khá nhiều nhưng cũng được “thơm lây”.
Trước đây, quy định room của khối ngoại tại CTCK là tối đa 49% hoặc tại 100% đã khiến không ít nhà đầu tư ngoại e ngại. Vì với chốt chặn 49%, nhà đầu tư ngoại sẽ không nắm được quyền quyết định mọi vấn đề quản trị của CTCK, trong khi việc gom mua để đạt tỷ lệ 100% lại là vấn đề rất nan giải. Việc mở room cho khối ngoại tới 100% kỳ vọng sẽ tháo gỡ được “nút thắt” này trong thu hút vốn ngoại vào CTCK.
Tất nhiên, không phải cổ phiếu chứng khoán nào cũng thu hút được vốn ngoại khi room được mở. Đó là chưa kể, thực tế, đến thời điểm này, HCM và VND, hai cổ phiếu còn room rất ít chưa đưa ra động thái nào liên quan đến việc nới room 100%. Tương tự, những CTCK còn room trên 30% cũng chưa thấy công bố có kế hoạch nới room lên 100% ngay trong năm nay hay để năm sau.