Công ty liên quan Chủ tịch Nguyễn Phúc Long đăng ký mua vào
Cụ thể, CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (mã VIG – sàn HNX) đăng ký mua vào 2,9 triệu cổ phiếu TIG để nâng sở hữu từ 0% lên 1,65% vốn điều lệ.
Theo tìm hiểu, CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được thành lập năm 2008, niêm yết trên sàn HNX năm 2009, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán, dịch vụ ngân hàng đầu tư, tư vấn tài chính doanh nghiệp …
Điểm đáng lưu ý, ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới được bổ nhiệm ngày 29/3/2022 và bà Nguyễn Thị Thu Hằng được bổ nhiệm Tổng giám đốc từ ngày 12/5/2022.
Ông Nguyễn Phúc Long hiện là Chủ tịch HĐQT của cả TIG và VIG |
Thêm nữa, đồng thời ông Nguyễn Phúc Long cũng đang là Chủ tịch HĐQT tại Tập đoàn Đầu tư Thăng Long.
Ngoài ra, ông Nguyễn Phúc Long còn được giới thiệu hiện đang đảm nhiệm một số vị trí lãnh đạo tại các tổ chức như: Ủy viên đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội Doanh nghiệp Trẻ Việt Nam; Phó Chủ tịch hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội; Chủ tịch Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại và Đầu tư Doanh nhân trẻ Việt Nam; Ủy viên BCH Hiệp hội kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, Phó chủ tịch HĐBT Tạp chí Điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.
Quay trở lại với diễn biến cổ phiếu TIG, từ ngày 28/3 đến ngày 14/11, cổ phiếu TIG giảm 81,2% từ 24.940 đồng về 4.700 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó hồi phục, tính tới ngày 12/12, cổ phiếu TIG giao dịch vùng 8.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 89,4% từ đáy ngày 14/11 và đồng thời vẫn thấp hơn 64,3% từ đỉnh ngày 28/3.
Như vậy, Công ty chứng khoán liên quan ông Nguyễn Phúc Long đăng ký mua vào 2,9 triệu cổ phiếu TIG khi cổ phiếu này vừa trải qua chuỗi lao dốc. Tuy nhiên, tính theo giá thị trường, 2,9 triệu cổ phiếu TIG cũng chỉ khoảng 25,81 tỷ đồng.
Dòng tiền âm kỷ lục 359,85 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022
Trong quý III/2022, Đầu tư Thăng Long ghi nhận doanh thu đạt 188,77 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 24,25 tỷ đồng, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 319% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 35,47 tỷ đồng lên 46,59 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 75%, tương ứng giảm 24,09 tỷ đồng về 8,03 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 670,8%, tương ứng tăng thêm 14,22 tỷ đồng lên 16,34 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 16,5%, tương ứng tăng thêm 0,93 tỷ đồng lên 6,58 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm trong quý III, nguyên nhân chủ yếu do hụt doanh thu tài chính và chi phí tài chính tăng cao.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, Đầu tư Thăng Long ghi nhận doanh thu đạt 609,29 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 179,41 tỷ đồng, tăng 93,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, Đầu tư Thăng Long đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 224,62 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành 64,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm 2022, Đầu tư Thăng Long tiếp tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 359,85 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 71,25 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 120,54 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 499,94 tỷ đồng, chủ yếu phát hành thêm cổ phiếu và tăng vay nợ.
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2022, Đầu tư Thăng Long đã tăng vay nợ và phát hành thêm cổ phiếu để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt và mở rộng đầu tư.
Theo tìm hiểu, cổ phiếu TIG được niêm yết trên sàn HNX từ năm 2010 tới nay. Xem dữ liệu lịch sử từ năm 2010 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục như 9 tháng đầu năm 2022, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2016 với giá trị âm 154,31 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/12, cổ phiếu TIG tăng 800 đồng lên 8.900 đồng/cổ phiếu.