Tài chính - Chứng khoán
Công ty chứng khoán “liệu cơm gắp mắm” với phái sinh
Hữu Đạo - 07/05/2016 09:11
Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa công bố tài liệu đặc tả giao thức và message kết nối trên TTCK phái sinh tới các CTCK và ngân hàng thương mại. Các CTCK đang có sự chuẩn bị như thế nào?
Hiện mới chỉ có một số CTCK lớn tích cực chuẩn bị tham gia TTCK phái sinh

“Vắt chân lên cổ…”

Lãnh đạo một CTCK nói như vậy để mô tả hiện trạng Công ty đang gấp rút chuẩn bị tham gia TTCK phái sinh, mặc dù tích cực vào cuộc trong thời gian qua. Sức ép đang gia tăng với CTCK vì trong khoảng thời gian ngắn phải hoàn tất khối lượng công việc lớn và phức tạp, trong khi bản thân họ chưa thể hình dung được 100% phần việc phải lo liệu.

HNX công bố, chuẩn kết nối trên TTCK phái sinh là chuẩn FIX, phiên bản 4.4 và các CTCK bắt đầu kiểm thử hệ thống với HNX từ tháng 9 - 10/2016. Các CTCK có 5 - 6 tháng để giải bài toán xây dựng hệ thống giao dịch kết nối giữa CTCK với Sở GDCK. Tuy nhiên, các CTCK cho biết, ở thời điểm hiện tại, họ chưa thể chắc chắn có đáp ứng đúng tiến độ như HNX đề ra hay không.

Theo quy định, để được là thành viên bù trừ trực tiếp trên TTCK phái sinh, CTCK phải có vốn điều lệ 900 tỷ đồng trở lên, còn muốn là thành viên bù trừ chung, phải có vốn từ 1.200 tỷ đồng trở lên. 

Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng, các CTCK đề xuất: thứ nhất, HNX sớm công bố quy chế, quy trình giao dịch, để CTCK có thông tin đồng bộ cho thiết lập hệ thống kết nối với Sở GDCK; thứ hai, Trung tâm Lưu ký chứng khoán sớm công bố đặc tả kỹ thuật, cũng như quy trình, quy chế cho hệ thống thanh toán, bù trừ chứng khoán phái sinh, để các CTCK có hướng đầu tư đồng bộ về giải pháp kỹ thuật, lẫn các công việc liên quan.

Vì tính chất phức tạp và tốn kém, trong khi thời gian đầu tham gia TTCK phái sinh chưa dễ mang lại lợi ích, nên đến thời điểm này mới chỉ có một số CTCK lớn tích cực chuẩn bị tham gia.

Không tiết lộ giá trị của khoản đầu tư mà công ty phải bỏ ra để mua hệ thống hạ tầng là bao nhiêu, nhưng lãnh đạo một CTCK cho hay, để tiết kiệm chi phí, công ty đang tìm kiếm các phương án hợp tác với nhiều đối tác cung cấp trong và ngoài nước. Với nhà cung cấp của nước ngoài, họ có rất nhiều gói sản phẩm đáp ứng các yêu cầu tham gia TTCK phái sinh từ cấp độ đơn giản đến phức tạp, tương ứng với đó là có chi phí khác nhau.

“Tiền nào của nấy. Tuy nhiên, vì tính chất sơ khai của TTCK phái sinh Việt Nam, cũng như tiên lượng những lợi ích khi tham gia thị trường này trong ngắn hạn là không đáng kể, nên công ty đang tính toán xây dựng hệ thống theo kiểu lựa cơm gắp mắm, bằng cách chọn các hợp phần khác nhau với chi phí hợp lý từ các nhà cung cấp khác nhau, chứ mua trọn gói vừa đắt, vừa thừa tính năng đối với mức độ sơ khởi của TTCK phái sinh Việt Nam”, lãnh đạo CTCK trên nói và cho biết thêm, chọn hướng này tuy tiết kiệm chi phí, nhưng cái khó mà công ty phải đối mặt là phải tích hợp các hạng mục khác nhau của các nhà cung cấp khác nhau để hệ thống hạ tầng đảm bảo tương thích và chạy ổn định.

Với các nhà cung cấp giải pháp cho hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ nội địa, tuy không gặp rào cản về ngôn ngữ, dễ dàng, nhanh chóng bàn thảo phương án hợp tác, nhưng do các nhà cung cấp nội địa không có kinh nghiệm về cung cấp hạ tầng cho hệ thống chứng khoán phái sinh, trong khi chính CTCK không hình dung được tổng thể bài toán hạ tầng để “ra đề” cho nhà cung cấp, nên các CTCK tỏ ra dè dặt với tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ trong nước.  

Gấp rút tăng vốn

Theo quy định, để được là thành viên bù trừ trực tiếp trên TTCK phái sinh, CTCK phải có vốn điều lệ 900 tỷ đồng trở lên, còn muốn là thành viên bù trừ chung, phải có vốn từ 1.200 tỷ đồng trở lên.

Hiện tại, không nhiều CTCK đáp ứng được yêu cầu này. Một số CTCK chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực tài chính đang nỗ lực tìm cách tăng vốn, nhưng việc phát hành cổ phiếu tăng vốn trong thời gian ngắn được đánh giá là không dễ.

“Công ty đang gấp rút thực hiện kế hoạch tăng vốn để ít nhất đáp ứng yêu cầu là thành viên bù trừ trực tiếp, còn nếu huy động được vốn, mục tiêu mà công ty hướng tới là trở thành thành viên bù trừ chung. Đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ chứng khoán hiện không mấy hấp dẫn, nên khó thu hút NĐT chiến lược. Do số vốn còn thiếu để thỏa mãn yêu cầu là thành viên bù trực tiếp không lớn, nên công ty đang tính đến giải pháp tình thế có tính khả thi là chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ”, lãnh đạo một CTCK chia sẻ và không giấu mong mỏi, công ty muốn tham gia TTCK phái sinh ngay khi mở cửa, với đầy đủ các nghiệp vụ: tự doanh, tư vấn, là thành viên bù trừ, nhưng không biết có chuẩn bị kịp không!.

Sở GDCK Hà Nội vừa công bố tài liệu đặc tả giao thức và message kết nối trên TTCK phái sinh tới các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại có nguyện vọng tham gia thị trường thông qua diễn đàn (forum) trao đổi thông tin thành viên HNX.

Theo đó, chuẩn kết nối trên TTCK phái sinh sẽ là chuẩn FIX, phiên bản 4.4. Đây là một trong số các chuẩn kết nối phổ biến cho giao dịch trên TTCK, được sử dụng rộng rãi trên thế giới hiện nay.

Trên TTCK phái sinh, các CTCK thực hiện chức năng nhà môi giới hoặc tự doanh. Các ngân hàng được thực hiện nghiệp vụ tự doanh cho chính mình.

Tin liên quan
Tin khác