Ảnh minh họa |
Tăng vốn... chững lại
Tròn 5 tháng kể từ khi hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng được HĐQT thông qua, trải qua quá trình nộp hồ sơ và giải trình bổ sung, Công ty cổ phần Chứng khoán Everest vừa qua đã quyết định rút hồ sơ nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Phương án phát hành hơn 103 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cùng kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ là 2 nội dung được phê duyệt tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2022 mà công ty “nợ” chưa hoàn thành. Chứng khoán Everest không nêu chi tiết lý do rút hồ sơ, nhưng chặng đường tăng vốn thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ xa hơn.
Đợt chào bán ra cổ phiếu riêng lẻ của Chứng khoán SBS thực hiện hồi tháng 8/2022 đặt kỳ vọng huy động được 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 4 nhà đầu tư tham gia mua và tỷ lệ chào bán thành công là 13,6%.
Hoạt động tăng vốn đã chững lại trong gần 1 năm qua. Từ mức tăng trưởng 2 con số, vốn điều lệ các công ty chứng khoán đều tăng dưới 10% từ quý III/2022. Thống kê trên 70 công ty chứng khoán, quy mô vốn điều lệ chỉ tăng 9,87% trong quý III và 6,2% ở quý IV năm trước.
Vốn điều lệ của nhóm này tại thời điểm 31/3/2023 đạt 150.242 tỷ đồng, nhích thêm 0,44% so với thời điểm cuối năm 2022. Chỉ có 5 công ty chứng khoán tăng vốn điều lệ trong những tháng đầu năm vừa qua. Lớn nhất là đợt tăng vốn của Chứng khoán Yuanta khi nhận thêm 500 tỷ đồng từ cổ đông mẹ từ Hàn Quốc. SSI cũng huy động lượng tiền mới 100 tỷ đồng, từ phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động. Ngoài ra, Agriseco và Chứng khoán Thiên Việt tăng vốn do trả cổ tức với mức tăng thêm cũng khá khiêm tốn.
Nuôi tham vọng tăng vốn
Giai đoạn tiền “rẻ” khi lãi suất tiền gửi xuống thấp đã kích thích dòng tiền đi tìm kênh đầu tư mang lại tỷ suất sinh lời cao hơn. Chứng khoán SSI, VNDirect hay SHS đều là những công ty huy động được lượng tiền lớn từ cổ đông hiện hữu và đến nay vẫn đang đứng khá vững trong top 5 về quy mô vốn điều lệ.
Từ một công ty có vốn điều lệ chưa đến 270 tỷ đồng, VPBankS đã “lột xác” và tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng sau 1 năm được VPBank mua lại. Công ty chứng khoán này còn có kế hoạch phát hành ESOP thông qua hình thức chào bán riêng lẻ, tiếp tục tăng vốn trong năm 2023.
Với TCBS, phương án chào bán 105 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Techcombank dự kiến mang về hơn 10.000 tỷ đồng nhờ giá phát hành lên tới 95.000 đồng/cổ phần.
Đến thời điểm hiện tại, đây là kế hoạch mang về nguồn vốn mới lớn nhất trong nhóm các công ty chứng khoán đã được đề ra, với khả năng thành công phụ thuộc vào ngân hàng mẹ Techcombank. Cùng đó, vẫn còn những kế hoạch được phê duyệt từ đại hội các năm trước, nhưng chưa thể triển khai như phương án phát hành riêng lẻ hơn 104 triệu cổ phần của Chứng khoán SSI.
Hay ngay ở năm 2023 này, một số công ty chứng khoán vẫn trình lên kế hoạch mới, tập trung chủ yếu ở nhóm công ty quy mô vừa. Chứng khoán SBS sau đợt phát hành chỉ phân phối được chưa đến 14% mục tiêu tiếp tục phát hành riêng lẻ 500 tỷ đồng. Dù quy mô nhỏ hơn đợt trước, đây vẫn là khoản tăng vốn lớn nếu xét trong thời gian gần đây. Năm 2022, Chứng khoán APEC đã rút hồ sơ chào bán 83 triệu cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn lên gấp đôi. Còn theo phương án vừa trình cổ đông, APEC muốn tăng vốn từ 830 tỷ đồng lên 1.330 tỷ đồng qua phương thức chào bán riêng lẻ.
Chứng khoán HD (HDS) lên kế hoạch phát hành theo cả hai phương thức, gồm chào bán 20,46 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 10:2 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; chào bán riêng lẻ 52,24 triệu cổ phần với giá không thấp hơn mệnh giá. Mục tiêu tăng vốn là từ 1.023 tỷ đồng lên 1.750 tỷ đồng. Hai công ty chứng khoán có quy mô vốn nhỏ hơn (dưới 1.000 tỷ đồng) là Chứng khoán Nhất Việt (VFS) và Chứng khoán VICS (VIG) lại đang có tham vọng tăng vốn gấp 2-3 lần trong năm nay. Trong đó, VFS đề ra phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu để thu về 1.200 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trước quý I/2024.
Khả năng thành công của các phương án tăng vốn, nhất là huy động từ lượng lớn cổ đông, ngoài nội lực, doanh nghiệp còn phụ thuộc lớn vào điều kiện thị trường và sẽ không dễ dàng nếu thực hiện trong bối cảnh hiện tại.